Vi diệu rượu sâm 'quốc bảo'

Quang Viên
Quang Viên
26/01/2020 08:00 GMT+7

Cuối năm, ngồi hóng chuyện rượu sâm Ngọc Linh với kẻ 'cuồng', người 'quái' chơi sâm Ngọc Linh như ông Nguyễn Tấn Việt và ông Nguyễn Thanh Tuyền, như bị bỏ bùa mê.

Rượu “đạo”

Linh khí đất trời ban tặng cho Việt Nam loài sâm quý mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi là “quốc bảo”. Bởi vậy, thưởng thức một ly rượu sâm Ngọc Linh cũng cần đúng đạo, hợp lẽ đất trời. Như ông Tuyền, người được xem là “quái kiệt” chơi sâm, mỗi lần đem lên một bình rượu sâm hạ thổ, trước khi thưởng thức, phải rưới xuống đất một ít để... cúng thần linh. Với ông Tuyền, uống thứ rượu mà ông đặt tên “Ngọc Linh tiên tửu” này, phải “uống” bằng ngũ quan (mắt, tai, mũi, miệng, thân) và ý. Hòa quyện những thứ đó trong khung cảnh “thoát trần” cùng bạn bè tri âm, tri kỷ thì càng phiêu linh. Điều mà ông Tuyền cho rằng “vi diệu” hơn nữa là uống rượu bằng những chiếc ly pha lê nhập khẩu, hình bầu, giá dăm ba triệu đồng một chiếc, cụng vào nhau tạo thành bản giao hưởng âm thanh. “Rượu rót vào ly pha lê trong suốt để thấy màu hổ phách, độ sóng sánh của sâm. Khi cho một ít nước lọc hoặc đá vào ly sẽ thấy rõ tinh dầu sâm cuộn lại với nhau như nước cuốn, suối chảy”, ông Tuyền nói thêm.
Ông Việt “cuồng” sâm thì thưởng thức rượu để thanh lọc tâm hồn. “Cần có một không gian tĩnh lặng. Rót ra một ly rượu rồi nhìn, ngửi, hít thở, mọi giác quan tập trung vào ly rượu, lúc này tâm hồn như đang tìm về “chánh niệm”. Tôi xem như một cách “thiền” cho riêng mình”, ông Việt chia sẻ.
Người biết thưởng thức rượu sâm Ngọc Linh, chẳng ai nâng ngay ly rượu lên “uống cái ót” 100%. Đúng kiểu “rượu đạo” là đưa ly rượu lên ngang tầm mắt, nhìn độ sóng sánh, suy ngẫm và cảm tạ đất trời đã ban tặng một loại sâm quý hiếm. Sau đó, đưa lên mũi ngửi, hít nhẹ, thở ra bằng mũi. Tiếp tục, hít sâu hơn để mùi thơm của rượu thông lên các xoang, đưa qua lồng ngực, rồi thở ra từ từ bằng miệng. Cứ khoan thai nhấm từng ngụm rượu, sẽ cảm nhận đầy đủ mùi thơm, các vị đắng, ngọt, béo... Càng uống càng tỉnh. Kiểu say của người uống rượu sâm Ngọc Linh say “dịu dàng”, cảm giác phiêu linh.

“Luyện” rượu

Rượu sâm Ngọc Linh ngon phải hội đủ 5 yếu tố: rượu ngon, cốt chuẩn, tỷ lệ, thời gian ngâm và tâm hồn của người ngâm rượu. Chọn loại rượu nếp đặc biệt, nấu từ men ta, ủ men đúng 7 ngày mới chưng cất. Nếu rượu nấu từ nếp than sẽ rất ngon. Cao cấp hơn thì chọn rượu vodka thượng hạng, khử andehit để ngâm sâm. Cốt chuẩn là sâm thiên nhiên nhiều tuổi, da khằn, nhiều u bướu. 1 kg sâm tươi ngâm 7 lít rượu là chuẩn. Tỷ lệ này cho ra loại rượu sóng sánh, đủ vị “tiền khổ, hậu cam lai” (đắng trước ngọt sau), không lẫn với bất cứ loại rượu nào.
Rượu sâm Ngọc Linh ngâm càng lâu càng ngon. Thông thường, ngâm 1 năm uống đã ngon, nhưng sau 3 năm thì sâm đã “chín”, độ cồn giảm hẳn, còn lại vị rượu và vị sâm ngon đáo để. Uống rượu này, đầu tiên cảm nhận vị đắng ở đầu lưỡi, sau đó ngất ngây bởi mùi thơm “tung” lên cánh mũi, cuối cùng trả lại cái vị ngọt dịu. Điều “vi diệu” còn ở tâm hồn của người ngâm. “Khi ngâm, mình phải nghĩ đây là “trân phẩm” để hết sức kỹ lưỡng trong từng công đoạn. Nghĩa là gửi tình cảm, “gói” cả linh hồn của mình vào trong đó. Có như thế rượu mới tuyệt hảo”, ông Việt tâm sự.
Đặc biệt nhất là dòng rượu sâm Ngọc Linh “luyện” bằng phương pháp “phơi sương, gói nắng”. Sâm tươi rửa sạch, đem phơi ngoài trời. Đêm, những giọt sương ngấm vào từng củ sâm. Ngày, trời nắng, những củ sâm queo lại. Để chừng một tháng, sâm khô quắt lại, đem rửa qua rượu rồi cho vào bình ngâm. “Sâm “luyện” hút linh khí của đất trời, có âm của trời đêm, có dương của ngày nắng. Âm - dương tương hợp, cân bằng tạo ra một thứ năng lượng quý giá cho cơ thể con người”, ông Việt giải thích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.