Tại phủ Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài chỉ mới nghe kể sơ qua thôi, hẳn mọi người đều kinh hoàng trước quyền sinh sát của ông nhưng vì sao Chúa Trịnh vẫn không thích làm Vua? Thắc mắc này của người đời lâu nay được tác giả Samuel Baron giải thích khá rõ trong cuốn Mô tả Vương quốc Đàng Ngoài (do Omega và NXB Khoa học Xã hội ấn hành): “Không phải Chúa không ham quyền lực hay ông ta tôn trọng pháp luật gì đâu, mà bởi ông ta đã nghĩ nát óc về hai lý do sau để không lên làm Vua: Thứ nhất, nếu lên ngôi ông sẽ bị coi là tiếm quyền, bị cả nước ghét và thù oán, nhất là sự chống lại của họ Nguyễn – người sẽ có danh nghĩa chính đáng để tiến đánh dòng họ Chúa Trịnh. Thứ hai, Chúa nhận thức được triều đình Trung Hoa sẽ chống lại ông ta một khi biết tin có kẻ không thuộc dòng dõi vua Lê cướp lấy ngai vàng. Như thế chẳng khác nào tự rước họa lớn vào thân và tự hủy diệt bản thân”.
|
Hoàng đế vô thực
Chính vì vậy để an toàn, Chúa Trịnh đã dựng nên một hoàng tử thuộc dòng dõi vua Lê lên làm Vua nhưng thực tế quyền hành đều do Chúa nắm, từ việc quyết định chiến tranh hay hòa bình, tự ra luật và hủy luật, có quyền lên án hoặc ân xá phạm nhân, phong chức tước hoặc bãi nhiệm quan tòa, tướng lĩnh quân đội, thu thuế, ra lệnh phạt… theo ý của Chúa. Bởi thế mà người châu Âu gọi Chúa là Vua hay Vương (King), còn Vua thì được gọi bằng một danh xưng nghe to tát là Hoàng đế nhưng vô thực.
Tác giả Samuel Baron kể lại: ‘Vua Lê chỉ buông rèm trong cung cấm và chẳng ai bén mảng đến ngoài mấy mật thám mà phủ Chúa phái sang. Vua cũng chẳng được ra ngoài cung cấm nhiều hơn một lần trong năm, thường vào dịp lễ, tết. Toàn bộ công việc còn lại chỉ chuẩn y những gì Chúa muốn và thực hiện điều đó thông qua những lệnh chỉ cho đúng tính chất lễ nghi. Đối đầu với Chúa, dù là việc nhỏ nhất cũng dễ mang họa vào thân. Vì vậy, mặc dù dân rất kính trọng Vua nhưng họ lại sợ Chúa – người luôn được xu nịnh vì ông có quyền lực tối thượng trong tay”.
Vì vậy mà Chúa Trịnh thường luôn được ca tụng là nhân vật giữ gìn ngôi báu của hoàng gia cũng như luật pháp và thể chế của vương quốc Đàng Ngoài, nhưng thực ra Chúa Trịnh đã lột sạch quyền lực của vua Lê, điều này sách đã dẫn của Samuel Baron viết: “Tôi nghĩ chuyện này chẳng có ở xứ nào khác, cũng chẳng xảy ra trong lịch sử của bất kỳ một dân tộc nào. Chính trị gia ở nước khác nghe chuyện kỳ lạ này chắc khó có thể tin được”.
|
Còn một điều khá nghịch lý là dù mang danh nghĩa Vua của Đàng Ngoài nhưng người kế vị và chính bản thân nhà vua cũng không hề hay biết người con nào sẽ kế vị mình nếu như nhà vua có nhiều con trai. Tác giả Samuel Baron tiết lộ: "Thậm chí nếu nhà vua chỉ có một con trai, chưa chắc người con đó sẽ được kế vị, bởi Chúa mới là người quyết định chọn người nào ông ưa, miễn là thuộc dòng dõi hoàng tộc.Tuy nhiên Chúa cũng hiếm khi gạt bỏ Thái tử khỏi ngai vàng, trừ khi vì lý do trọng đại hoặc do những động cơ cấp bách về chính trị”.
Ở xứ Đàng Ngoài chỉ có Vua và Chúa mới được truyền lại tước hiệu cho con cháu đến đời thứ ba, còn những quan lại khác phải mưu cầu quyền tước qua chinh chiến, qua học hành hoặc mua bằng tiền nhưng chỉ có giá trị trong mỗi đời họ. Lọt qua "cửa ải" thì mới mong có được dịp trung thành với Chúa Trịnh, để nhận được sự ban phát bổng lộc của ông và đặc biệt là địa vị nào đó trong xã hội.
Bình luận (0)