Vì sao Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt được nhiều người quan tâm?

29/03/2019 18:53 GMT+7

Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt được nhiều người quan tâm, đặc biệt từ khi Lâm Đồng công bố quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình.

Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt được xây dựng từ trước năm 1910, gắn với lịch sử hình thành phát triển của thành phố Đà Lạt. Đây là nơi sinh sống và làm việc của thị trưởng Đà Lạt kiêm tỉnh trưởng Tuyên Đức trước kia. Do đó, người dân địa phương vẫn quen gọi là “Dinh tỉnh trưởng”. Dinh nằm ở cuối đường Lý Tự Trọng, P.1, Đà Lạt. Cách chợ Đà Lạt khoảng vài trăm mét theo đường chim bay.
Mặt tiền chính của Dinh tỉnh trưởng Đà Lạt
Bản đồ thị xã Đà Lạt ghi rõ Dinh thị trưởng Ảnh: Lâm Viên
Dinh thị trưởng Đà Lạt được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt sau ngày 15.3.2019, khi tỉnh Lâm Đồng công bố Quyết định phê duyệt qui hoạch chi tiết thiết kế đô thị tỉ lệ 1/500 trung tâm khu Hòa Bình Đà Lạt, trong đó có đồi dinh tỉnh trưởng. Hằng ngày đều có những người dân Đà Lạt và cả du khách tìm đến Dinh tỉnh trưởng để chiêm ngắm vẻ đẹp của dinh thự này. Nhiều người muốn biết lịch sử của dinh thự có tên gọi Dinh tỉnh trưởng trước khi di dời để thực hiện cụm khách sạn cao tầng tại đây. 
Dinh thự này là một tòa nhà đồ sộ tọa lạc trên đỉnh đồi cao hơn 1.500m (so với mực nước biển) có kiến trúc đẹp bậc nhất ở Đà Lạt, được người Pháp xây dựng khoảng trước năm 1910. Mật độ xây dựng công trình Dinh chỉ khoảng 10%. Tại đây, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát cả thành phố mộng mơ.
Dinh tỉnh trường nhìn từ hướng cổng vào
Cầu thang lên sảnh chính Ảnh: Lâm Viên
Trong cuốn sách Đà Lạt xưa của Tạp chí Xưa & Nay do NXB Văn hóa Sài Gòn phát hành năm 2008, tác giả Lê Phỉ có bài viết Kiến trúc Đà Lạt thời Pháp thuộc xếp dinh vào nhóm các công trình kiến trúc lớn.
Tác giả mô tả: “Vào khoảng năm 1917, Công sứ Outrey, các Công sứ, Thị trưởng kế tiếp ở tại đó. Dinh thị trưởng chỉ có 2 tầng… Đó là một kiến trúc khối có 4 cửa: Cửa chính có bậc thang (perron) lên từ hai bên… dinh thị trưởng xe đến thì dừng trước cửa nhưng khách phải lên bậc thềm vì ở dưới có tầng hầm… Cửa vào ngả sau dành cho gia đình có lối lên và xuống cho xe hơi”. Theo ông Lê Phỉ: “Các nhà Pháp thường có tầng hầm, vừa là hầm rượu, hầm dự trữ, kho, nhà bồi”.
Kiến trúc có nhiều cửa, cửa sổ nhìn ra 4 hướng
Từ dinh nhìn xuống Chợ Đà Lạt Ảnh: Lâm Viên
Tầng trên cửa sổ mở ra 4 hướng: phía nam nhìn ra khu chợ và khu người Việt, phía bắc nhìn lên hướng núi Lang Biang, phía đông nhìn xuống hồ, phía tây nhìn sang phía đồi ấp Mỹ Lộc. Một thời, nơi đây từng là Bảo tàng Lâm Đồng. Khi bảo tàng dời về đường Hùng Vương (P.10, Đà Lạt), thì dinh bị bỏ hoang phế.
Đến năm 2011, tỉnh Lâm Đồng có chủ trương giao cho một nhà đầu tư tôn tạo công trình để khai thác kinh doanh, nhưng họ lại không thực hiện. Báo Thanh Niên nhiều lần phản ánh sự hoang phế, lãng phí của dinh thự này. Đến năm 2014 tỉnh Lâm Đồng tôn tạo, chỉnh trang lại Dinh tỉnh trưởng và giao cho Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng quản lý, sử dụng.
Từ cuối năm 2015, nơi đây là điểm trưng bày kỷ vật văn hóa người Đà Lạt 
Một góc trưng bày kỷ vật của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với Đà Lạt
Biểu tượng Đà Lạt xưa, bản đồ thị xã Đà Lạt
Trưng bày trang phục của phụ nữ Đà Lạt thập niên 40-50
Đồ án khách sạn tọa lạc trên Đồi Dinh
Đồ án quy hoạch tổng thể trung tâm khu Hòa Bình Đà Lạt Ảnh: Lâm Viên
Từ tháng 12.2015, nhân kỳ Festival hoa Đà Lạt, dinh thự này là nơi triển lãm kỷ vật văn hóa người Đà Lạt, với hơn 1.500 kỷ vật do các cá nhân, gia đình ở Đà Lạt đóng góp. Tại đây có nhiều phòng trưng bày theo chủ đề giúp những người gắn bó và yêu mến Đà Lạt sống lại ký ức một thời.
Theo Đồ án Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình thì Đồi dinh thị trưởng có diện tích 4,43ha, khi thực hiện công trình khách sạn sẽ có kết cấu 3 tầng chìm, 7 tầng nổi, mật độ xây dựng từ 30-70%, trên diện tích đất hơn 16.900m2, chiều cao tối đa 55m…
Theo ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, Dinh thị trưởng Đà Lạt có giá trị lịch sử nên vẫn được bảo tồn, nhưng di dời nguyên khối. Theo đơn vị tư vấn, dinh thị trưởng chỉ di dời khoảng 10m về hướng bắc nhìn về núi Lang Biang để tạo kết nối hài hòa với công trình khách sạn kết hợp thương mại dịch vụ ở phía nam lô đất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.