Vì sao Về nhà đi con 'gây bão'?

Thu Thủy
Thu Thủy
20/07/2019 09:08 GMT+7

Về nhà đi con đã đi hơn nửa chặng đường. Có những tập hấp dẫn, cao trào nhưng có những tập cũng nhạt, kéo rê nhưng đây là bộ phim đáng xem. Vậy vì sao Về nhà đi con lại 'gây bão'?

Thời gian gần đây những phim truyền hình dài tập chiếu giờ vàng đang trở thành “món ăn” không thể thiếu với khán giả. Trước Về nhà đi con đã có Gạo nếp gạo tẻ, Quỳnh búp bê từng rất “hot”, tạo nên tiếng vang cho phim truyền hình Việt. Điều này cũng tạo nên nhiều tên tuổi, diễn viên thực lực và họ cũng “ăn nên làm ra” nhờ những bộ phim này như Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Quốc Trường…

Nghệ sĩ gạo cội Trung Anh diễn vai "ông bố quốc dân" rất ấn tượng

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Về nhà đi con là phim truyền hình hợp tác giữa ê kíp Nam - Bắc. Phía Bắc có những gương mặt thực lực như NSƯT Trung Anh, NSND Hoàng Dũng, Bảo Thanh, Thu Quỳnh… Phía Nam có nghệ sĩ Ngân Quỳnh và Quốc Trường. Phải nói đây là dàn diễn viên “cực chất”. Bên cạnh đó là Bảo Hân, Trọng Hùng, Tuấn Tú và Quỳnh Nga. Những diễn viên lần đầu tham gia diễn xuất phim truyền hình và vừa tái xuất trở lại cũng tạo một thú vị không nhỏ. Đặc biệt là Bảo Thanh, Thu Quỳnh những tên tuổi đã gây ấn tượng với khán giả truyền hình qua các phim trước đó như Bảo Thanh trong Sống chung với mẹ chồng hay Thu Quỳnh trong Quỳnh búp bê. Họ được đánh giá tài sắc vẹn toàn, diễn xuất tự nhiên, khá xuất sắc qua mỗi vai diễn. Riêng Quốc Trường, gương mặt mỹ nam duy nhất trong Về nhà đi con từng gây ấn tượng với vai thứ chính phản diện trong Gạo nếp gạo tẻ. Chàng diễn viên miển Tây này có kinh nghiệm diễn xuất hơn 10 năm với vài chục vai chính phụ. Với sự dày dạn đó, cùng với nhân vật Vũ có ngoại hình, tính cách hơi giống với Hùng trong Gạo nếp gạo tẻ nên chắc chắn không thể làm khó Quốc Trường mà còn là bàn đạp để anh thể hiện Vũ tốt hơn.
Chia sẻ về vai diễn này, Quốc Trường cho rằng khó khăn lớn nhất của anh chính là đài từ vì anh nói giọng miền Nam trong khi phim thu tiếng trực tiếp, có những lời thoại hoặc đôi khi Trường phát âm hơi địa phương một chút nên phải chuẩn bị kỹ. Còn diễn xuất không có gì khó bởi vai này hợp độ tuổi của Trường, lại kiểu vai chàng trai làm kinh doanh, ngang tàng, hiếu thắng, đào hoa… ”Tuy ngoài đời tôi không phải sở khanh như Hùng hay tham lam, gái gú như Vũ nhưng vai diễn này cũng có nhiều điểm tương đồng với tôi ở ngoài đời nên chẳng khó để diễn”.

Bảo Thanh là một sự lựa chọn thành công cho vai Thư

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Trong Về nhà đi con nhìn chung diễn viên nào cũng diễn tốt, tròn vai từ chính đến phụ. Đặc biệt Bảo Thanh và nghệ sĩ Trung Anh. Bảo Thanh cũng từng chia sẻ rằng vai Thư có tính cách rất giống với cô ở ngoài đời như nhìn mạnh mẽ nhưng bên trong có khi rất yếu mềm. Cô luôn cười nói, tỏ ra bất cần dù trong lòng chẳng vui vẻ gì. Và đặc biệt là tình yêu với bố. Diễn những cảnh với nghệ sĩ Trung Anh, Bảo Thanh luôn nhớ đến người bố đã mất của cô.
Đúng là nếu nhìn toàn bộ diễn xuất của Bảo Thanh trong Về nhà đi con thì thấy cô vẫn mang nét diễn na ná như vai Vân trong Sống chung với mẹ chồng bởi nhân vật cũng có nhiều điểm na ná. Tuy nhiên với Thư thì cô diễn viên gốc Bắc này trưởng thành hơn, “chín muồi” hơn trong những phân đoạn thể hiện tâm lý dù đau khổ, buồn bã, stress nhưng vẫn toát lên được sự ương bướng, bất cần, có phần cố chấp của một cô gái sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đặc biệt, mẹ mất sớm, sớm làm mẹ trong một cuộc hôn nhân không như ý.
Ấn tượng đặc biệt chính là vai ông Sơn của nghệ sĩ Trung Anh. Diễn viên gạo cội của phim truyền hình phía Bắc đã chuyển tải đúng thần thái của một “ông bố quốc dân”. Sự khắc khổ, day dứt, hi sinh, đầy tình yêu thương dành cho 3 cô con gái, sống cảnh gà trống nuôi con suốt 20 năm đã được Trung Anh thể hiện đầy đủ, trọn vẹn và tự nhiên nhất.
Có lẽ Về nhà đi con hút khán giả bởi diễn xuất đúng kiểu “đo ni đóng giày” cho từng diễn viên. Nếu theo dõi từ tập đầu tiên đến lúc này hình như ai cũng đều hợp vai. Như diễn viên Trọng Hùng một người ở ngoài hiền lành, ít nói mà trong phim lại thành một anh chồng bặm trợm, khiến khán giả ghét cay ghét đắng. Hay Bảo Hân, hóa thân thành cô con gái út tính tình như con trai, hoạt náo nhiều phân cảnh trong phim rất “chất”.

Bảo Hân - gương mặt trẻ lần đầu đóng phim truyền hình nhưng thể hiện vai Ánh Dương khá xuất sắc

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Nội dung bộ phim cũng là vấn đề dễ khiến khán giả chú ý, quan tâm, dễ đi vào lòng người. Bởi phim nói về tình cảm gia đình, tình yêu, sự gắn kết tình cha con, mối quan hệ chị em… Dù nội dung mang yếu tố tâm lý, tình cảm nhưng vẫn có những màn “tung hứng” của nhân vật hay những phân đoạn, thoại tạo yếu tố vui nhộn, chọc cười vừa phải cho khán giả khiến nội dung phim không đơn điệu, nhàm chán.
Theo dõi Về nhà đi con, những tập về sau này có thêm sự xuất hiện của Nhã (Quỳnh Nga đóng), một nhân vật “người thứ ba” đáng ghét nhưng cũng chính nhân vật này tạo sự hấp dẫn thêm về nội dung. Vì đây là tuyến nhân vật dễ gây chú ý với khán giả. Sự lựa chọn và ý tưởng khôn ngoan này của biên kịch tránh nội dung kéo rê mà không có sự đột phá, thú vị mới.

Quốc Trường và Quỳnh Nga thể hiện vai diễn bị ghét trong phim cũng rất thành công

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Giữa một thị trường phim Việt quá nhiều món, kể cả trên màn ảnh rộng; chất lượng phim không đồng đều, có ngon, dở…; đặc biệt ở phim truyền hình, để có một sản phẩm chất lượng, có thể tạo độ rating cao, thu hút khán giả không phải dễ dàng, cần phải hợp “khẩu vị” của người xem, đánh trúng tâm lý, mang yếu tố đời sống một cách tự nhiên nhất, đôi khi cũng cần phải rất trần trụi thì mới hấp dẫn thì Về nhà đi con đã làm được những điều đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.