Vì sao vua Thành Thái xem Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường như gian thần?

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
05/03/2021 09:13 GMT+7

Chuyện tày đình sửa di chúc vua Tự Đức, dù có cho “uống mật gấu” cũng không dám của Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường, nhằm truất bỏ cha vua Thành Thái còn được sử thuộc địa tô đậm và mạt sát hai ông rất thậm tệ.

Thậm chí, sau khi lên ngôi đầu năm 1889 thay vua Đồng Khánh, vua Thành Thái mới được 11 tuổi ta, đến năm 1892 đã truy phong cho cha mình là cố tự quân Dục Đức làm Cung Tông Huệ Hoàng đế, coi Dục Đức như là một ông vua chính thống, đồng thời chỉ xem hai ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết như là bọn gian thần. Vì sao vậy?

Vua Tự Đức nghe theo lời ông Tường, trừng phạt cha vua Thành Thái 

Sách Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn của GS Nguyễn Quốc Trị (do Khai Tâm và NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành) kể: “Vào hè năm 1873, khi Tán lý Nguyễn Văn Tường mới từ chiến trường Bắc Việt về Huế để tham gia sứ đoàn Lê Tuấn đi Gia Định bàn thảo hòa ước, Vua có hỏi ý kiến của ông về vấn đề con nuôi Hoàng trưởng tử Ưng Chân (Dục Đức), và dặn “riêng phúc tấu tự ngươi dâng lên”. Ông Nguyễn Văn Tường trình rằng: “Vả thần trước ở bộ chưa hề tiếp xúc. Năm, sáu năm nay lại sung vào việc binh thực có điều chưa rõ. Duy kính mong Hoàng thượng chọn lựa cẩn thận, dạy dỗ thêm cho. Bên ngoài nhân tình cũng đã định, triều nghị cũng chẳng khác lời. Thần vốn không nghe thấy gì khác, không hề ẩn giấu”.

Hai Phụ chánh Nguyễn Văn Tường (trái) và Tôn Thất Thuyết

Ảnh: T.L

Vua lắng nghe theo lời của ông Tường, chọn bổ sư bảo, tán thiện có tài năng và đức độ để dạy dỗ ở Dục Đức đường, trừng phạt khi ông Hoàng trưởng tử phạm lỗi lầm nghiêm trọng, như: phạt bổng 6 tháng và ngưng việc phong tước công khi ông bất chấp nghi lễ, mặt quần đỏ vào dự kỵ giỗ ở lăng Trường Thanh; phạt lương 1 năm vì đã giữ Thái y viện sứ ở lại nhà chữa bệnh cho con mình không cho ông này đi đến công sở làm việc; giảm bớt binh đinh phục vụ ở Dục Đức đường và không cho lính hầu của ông mặc nhung phục, một việc phạm thượng, lộng hành khi không đại diện vua để đi dự lễ công; và bị phạt hai năm bổng vì việc giao thiệp thẳng với một thị vệ của vua, làm sắc chỉ giả mạo của Thái hậu Từ Dụ để chở võng con gái ông này vào Dục Đức đường làm vợ hầu...”.
Trở lại chuyện sử thuộc địa cho rằng các quan Phụ chánh sửa di chúc vua Tự Đức để truất bỏ Tự quân Dục Đức, nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Trị phân tích khá thuyết phục: “Nếu đã xin vua Tự Đức mà ngài đã không cho bỏ, thì làm sao mà các Phụ chánh dám bằng lòng với ông Dục Đức về việc bỏ bớt đoạn ấy đi, như Thực lục đã nói trước kia. Sử quan cũng lờ không nói đến lời kể của Phụ chánh Thành trong bản tấu trả lời về vụ này rằng cả ba Phụ chánh đều cho ông Dục Đức biết là họ đã có xin vua Tự Đức bỏ mà không được, và nay không thể thay đổi gì trong di chúc được hết, chớ không có bằng lòng bỏ đoạn ấy đi, như sử quan Thực lục đã long trọng ghi nhận, để rồi nói thêm rằng đó là mưu lừa gạt của hai ông Tường, Thuyết giả bộ bằng lòng để tố cáo các ông Dục Đức và Trần Tiễn Thành khi di chiếu được tuyên đọc tiếp đó”.

Lăng vua Tự Đức

Ảnh: T.L

Mặt khác, qua các tại liệu có được, GS Nguyễn Quốc Trị cho rằng: “Ngay Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ cũng đã không được hoàn toàn trung thực khi nói rằng cả ba ông Phụ chánh đều tán thành việc bỏ bớt các câu nói không tốt về ông Dục Đức trong di chiếu khi ông này hỏi ý kiến họ. Thật vậy, ở một chỗ, sử quan nói rằng vua nối ngôi “triệu các Phụ chính đại thần, cần bớt một đoạn ấy đi, không tuyên lục ra. Trần Tiễn Thành bảo thế cũng ổn, còn ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đều thưa rằng: xin nhà vua quyết định. Vua nối ngôi tin là cùng bằng lòng, bèn sai sao tờ di chiếu, tự tay xóa bỏ đoạn ấy đi. Dặn Trần Tiễn Thành nhớ mà làm”.

Lăng vua Dục Đức ở Huế

Ảnh: T.L

Tuy nhiên, Thực lục lại thuật lại lời tâu của hai quan Khoa đạo của Đô sát viện là Hoàng Côn và Đặng Trần Hanh buộc tội Phụ chánh Thành về việc không đọc đầy đủ di chiếu, xác nhận rằng “các Phụ chính đại thần đã xin vua Tự Đức bớt đoạn ấy đi nhưng tiên đế không nghe, đủ biết tiên đế nghĩ việc phó thác tôn miếu, xã tắc là việc trọng đại, lo sâu nghĩ xa, cho nên nói khẩn thiết như thế. Đại thần được dự nghe mệnh lệnh dặn lại, phải nên trên thể theo ý của tiên đế mà tuyên bố cho mọi người nghe, lại coi như bỏ rơi, trước đã xin bớt mà không được".
Lý do tại sao một bộ chính sử lại bị có những sự sơ suất lớn như vậy, GS Nguyễn Quốc Trị giải thích lý do cụ thể trong sách: “Là vì nó được soạn thảo, sửa đi sửa lại và chấp thuận cho in dưới thời của vua Thành Thái, là con của ông Dục Đức, lúc Việt Nam đã hoàn toàn thuộc Pháp. Bộ Thực lục đệ tứ kỷ cũng được chấp thuận cho in ra dưới thời Thành Thái, sau khi được bắt đầu khởi soạn vào đời Kiến Phúc, tiếp tục được sửa chữa tu chỉnh trong 11 năm dưới thời vua này mãi cho đến năm Thành Thái thứ 11 (1899) mới hoàn thành”, từ đó "giải mã" thêm những oan khiên phải từng gánh chịu trong suốt thời gian dài của các ông quan Phụ chánh triều Nguyễn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.