Họa sĩ Đỗ Quang Em (sinh năm 1942) tại Ninh Thuận. Chính vùng đất đầy nắng gió, ít mưa này đã hun đúc sự mạnh mẽ và khát khao vượt khó vươn lên của chàng trai trẻ. Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định năm 1965 và trở thành họa sĩ theo phong cách cực thực (hyperrealism). Năm 1966, ông tham gia thành lập Hội Họa sĩ trẻ tại Sài Gòn. Từ 1973 - 1974 ông tham gia giảng dạy hội họa tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định.
|
|
|
Theo anh Cao Việt Hiếu - con rể họa sĩ Đỗ Quang Em: "Lâu nay ông mắc bệnh tuổi già cũng trải qua thời gian khá dài. Sau quá trình điều trị và chăm sóc hết lòng của bác sĩ và gia đình nhưng vì tuổi cao sức yếu, ba tôi đã thanh thản đi vào giấc ngủ dài nhất của đời người lúc 23 giờ 30 phút ngày 3.8.2021".
Người đặc biệt cả nửa thế kỷ chỉ vẽ vợ con, tự họa và vài đồ vật dân dã của người Việt, nhưng tranh của họa sĩ Đỗ Quang Em vẫn thu hút sự quan tâm của giới sưu tập quốc tế. Đỗ Quang Em từng được xem là họa sĩ Việt Nam có tác phẩm được bán với giá cao nhất, khi phòng tranh Galerie La Vong ở Hồng Kông bán bức Ấm và tách trà của ông với giá 50.000 USD vào năm 1995. Ông đã có nhiều triển lãm chung và cá nhân: Tranh sơn dầu và lụa của bốn họa sĩ tại TP.HCM (1991), New Space của các họa sĩ Việt Nam và Singapore (1993), 36 Tác phẩm mới tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (1994)…
Do có người cha làm tiệm ảnh nên trong một cuộc phỏng vấn họa sĩ thú nhận ngành nhiếp ảnh có ảnh hưởng tới phong cách hội họa của mình. Theo nhà nghiên cứu Lý Đợi : "Đỗ Quang Em là người 'trăm phần trăm chỉ biết vợ biết con mình'. Tranh của ông thường được chú trọng về xếp đặt ánh sáng. Hai đề tài ông vẽ nhiều nhất là tĩnh vật, thường là chén ấm trà, và chân dung phụ nữ, thường là chân dung vợ ông”.
Trả lời phỏng vấn báo chí lúc sinh thời, Đỗ Quang Em thú nhận: “Nói thật, tôi chẳng biết trời cao đất rộng là gì, chỉ biết một vợ, bốn đứa con và vẻn vẹn vài người bạn. Bởi vậy, tôi có vẽ, có yêu thương ai, có ghét bỏ cái gì cũng trong phạm vi nhỏ hẹp đó. Tôi hạnh phúc hay khổ đau cũng chỉ trong chừng mực đó, còn những gì diễn ra bên ngoài bốn bức tường kia thì hoàn toàn xa lạ”.
Nhà nghiên cứu và phê bình về mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy nhận xét như sau: “Vào thời kỳ đầu tiên, cuối thập niên 1960 và đầu 1970, Đỗ Quang Em có phần gần Nguyễn Trung, chú ý đến ánh sáng và kỹ thuật sáng - tối, nhưng chỉ vài năm sau, khoảng từ 1971-1975 và mãi về sau này, anh đã tìm được cho mình một đường lối riêng hoàn toàn”.
|
Lúc sinh thời, nói về nghề của mình, Đỗ Quang Em tự răn mình và đồng nghiệp, rằng: "Xin đừng dóc láo trong tác phẩm của mình, mà phải chân thật. Thương ghét thì phải thật tình là thương ghét. Mạch cảm xúc trong tất cả tác phẩm của tôi đều rạch ròi như vậy”.
Và sau những mệt mỏi, họa sĩ trường Cao Đẳng Mỹ thuật Gia Định đã dừng bước trên hành trình của cuộc đời. Hiện linh cữu họa sĩ Đỗ Quang Em đang được quàn tại nhà riêng (số 611/109 Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM). Lễ động quan lúc 13 giờ ngày 5.8.2021.
Bình luận (0)