Vĩnh biệt giáo sư Hoàng Châu Ký: Thêm một cây đại thụ đã ra đi

02/02/2008 14:34 GMT+7

(TNO) Giáo sư Hoàng Châu Ký (ảnh) đã vĩnh viễn ra đi ở tuổi 87 hôm 1.2, sau một cơn đột quỵ phải đưa vào bệnh viện một ngày trước đó... Vậy là sau nhà văn Nguyễn Văn Xuân, chúng ta từ nay đã vắng bóng thêm một cây đại thụ trong văn giới...

Cả xóm tôi như lặng đi khi chiếc xe 115 chở ông chạy vào hẻm 464 Trưng Nữ Vương. Các chị Ý Nhi, Trung Yên, các anh Hoàng Trọng Dũng, Hoàng Hoài Sơn, Đoàn Huy Giao, những con, dâu, rể... của ông người nào cũng như không còn đứng được trước nỗi đau này.

Một nhà khoa học bạn ông trong ngành sân khấu đã từng nói về ông: “Giáo sư Hoàng Châu Ký luôn gắn tên mình với hai chữ đầu tiên: Tổng thư ký đầu tiên của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Nghệ thuật sân khấu, Viện trưởng đầu tiên của Viện Nghiên cứu sân khấu...". Nhưng ông còn nhiều cái đầu tiên khác nữa: Là một trong những người được phong hàm giáo sư đầu tiên của Bộ Văn hóa, là Chủ tịch và Bí thư đầu tiên của Ủy ban nhân dân kháng chiến các huyện Quế Sơn, Phước Sơn sau cách mạng tháng Tám, là tác giả các công trình nghiên cứu đầu tiên có quy mô toàn diện về nghệ thuật tuồng như Sơ khảo lịch sử tuồng, Nghệ thuật biên kịch tuồng và Nghệ thuật biểu diễn tuồng. Ông cũng là người đầu tiên chuyển thể vở Nghêu, sò, ốc, hến sang thể loại sân khấu tuồng; sưu tầm, chỉnh lý các vở Ngọn lửa Hồng Sơn, Sơn Hậu...

Ngoài ra còn phải kể đến ông như một trong những học giả Quảng Nam tham gia biên soạn các công trình nghiên cứu về nghệ thuật tuồng trong Tổng tập Văn học Việt Nam, Tự điển Bách khoa Việt Nam... Gần đây, khi Đà Nẵng thành lập Hội khoa học lịch sử, dù tuổi cao sức yếu, ông vẫn được mời làm chủ tịch đầu tiên của hội này! Đối với tôi, ông cũng là người thầy đầu tiên dạy cho những kiến thức cơ bản về sân khấu từ khi tôi được gần ông, và cũng là người lớn tuổi bậc cha chú gọi thân mật là “bạn trẻ cùng nghề cầm bút” mỗi khi ông ký tặng những tác phẩm của mình...

Từ đầu những năm 1980, khi được ở gần ông, tôi mới thấy sức làm việc của một nhà văn hóa lớn như ông: Đêm nào ông cũng chong đèn viết rất khuya và tinh mơ đã thấy ông dậy luyện võ và chăm sóc cây trước hiên nhà. Nhưng ông lại là một người rất gần gũi với mọi giới, gặp ai ông cũng thăm hỏi tận tình. Những đứa trẻ ở xóm thường rất thích ông vì hay được ông cho kẹo, đùa vui... Giáo sư Hoàng Châu Ký có cách kể chuyện hóm hỉnh và một trí nhớ rất tuyệt. Khi truyền đạt cho những người trẻ tuổi hơn những vấn đề về nghề, ông thường dùng từ ngữ, các dẫn dụ rất giản dị, sống động nên  ai cũng cảm thấy dễ hiểu và gần gũi... Nhưng ông cũng là người rất nghiêm khắc trong chuyện văn chương hay trong công việc nói chung. Câu chữ của ông, kể cả trong các đối thoại của các vở tuồng hay trong những trang nghiên cứu, luôn chắt lọc cẩn thận.

Đặc biệt ông rất coi trọng việc nghiên cứu văn học tuồng trong văn học sử Việt Nam, bởi nếu không “thì không những thiệt thòi cho bộ phận văn học này mà còn là một thiếu sót đổi với một mảng lớn của văn học miền Nam trước đây”, như lời ông từng nói. Tất cả những điều ấy đối với người cầm bút đi sau đều là những bài học quý giá.

Viết nhanh những gì hiện trong trí nhớ về giáo sư, trong lúc đang cùng các con của ông bận bịu lo đám, để tỏ lòng yêu thương thành kính với một cây đại thụ hiếm hoi trong học giới và nghiên cứu nghệ thuật tuồng nói riêng, thay một nén nhang tưởng nhớ ông. Nhưng để hiểu về những đóng góp của ông một cách khái quát nhất cho văn học nghệ thuật nước nhà, xin trích dẫn ý kiến sau đây của nhà thơ Huy Cận: “Hoàng Châu Ký có hai tác phẩm lớn, một là toàn bộ công trình của anh đối với tuồng; hai là sản sinh ra nhà thơ Ý Nhi.”

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.