Vũ của 'Về nhà đi con': Sẽ yêu nếu gặp cô gái như Thư

Thu Thủy
Thu Thủy
04/06/2019 06:00 GMT+7

Về nhà đi con đang là phim truyền hình 'gây bão'. Và nhân vật Vũ do diễn viên Quốc Trường thủ vai đang trở thành tâm điểm vừa yêu lại vừa ghét của khán giả.

Không thích lừa gạt, đểu cáng với phụ nữ

* Đây là lần đầu tiên Trường tham gia với ê-kíp làm phim miền Bắc, bạn có gặp khó khăn gì không?
- Diễn viên Quốc Trường: Khó khăn nhất là giọng nói. Ra đây phải thu tiếng trực tiếp nên đây là trở ngại vì lâu ngày mình không để ý đến tiếng nói sân khấu. Hơn nữa cách diễn của người Bắc và Nam khác nhau, cần thời gian thích nghi. Cũng may mắn mình đóng rất nhiều phim nên bắt nhịp rất nhanh. Những diễn viên đóng chung rất là đáng yêu, diễn tốt nên Trường cảm thấy thoải mái hơn.
* Về nhà đi con cũng đi được gần nửa chặng đường, đến lúc này, áp lực khi đóng vai Vũ của Trường là gì?
- Phim được quan tâm nhiều của khán giả thì chắc chắn sẽ áp lực vì càng về những tập sau, Trường cảm thấy lo lắng vì không biết mình diễn tốt hơn không, khán giả có yêu thương nhân vật mình đóng hay không hay quay lưng lại… Mỗi một ngày quay Trường rất kỹ về tâm lý, diễn xuất.
Là gương mặt quen thuộc của phim truyền hình phía Nam, lần đầu tiên hợp tác với ê-kíp làm phim phía Bắc, Quốc Trường cũng gặp những khó khăn riêng... ẢNH: NVCC
* Có vẻ như bạn hợp với những vai đàn ông sở khanh, đa tình…?
- Đóng hai vai sở khanh đều là những phim truyền hình "hot" của Việt Nam, vô tình là hai vai đểu. Trường nghĩ đó là ngẫu nhiên thôi. Bản thân Trường thấy mình có thể hóa thân thành nhiều loại vai. Riêng vai sở khanh thì độ tuổi cũng bằng Trường ở bên ngoài, nhân vật cũng khá giống với mình về kiểu cách nên khi hóa thân sẽ dễ hơn rất nhiều.
* Bởi trong Gạo nếp gạo tẻ dù chỉ diễn vai phụ nhưng sự đểu cáng như thật của Hùng (bạn trai Hân) đã giúp bạn “ghi điểm” với khán giả. Vậy kiểu đàn ông này giống với Quốc Trường ngoài đời bao nhiêu phần trăm?
- Sự tương đồng lớn nhất chính là ngoại hình và làm doanh nghiệp, kinh doanh. Nhưng Trường làm doanh nghiệp nhưng không phải là doanh nghiệp lừa đảo. Trường không thích lừa gạt, đểu cáng với phụ nữ kiểu đó (cười).
* Vậy diễn vai đàn ông “thích làm khổ phụ nữ” dễ hay khó?
- Đối với Trường diễn vai này chắc cũng khá dễ vì nếu không khán giả cũng không đón nhận. Dù trước đây chưa từng đóng vai đàn ông đểu như thế (cười).
Kiểu nhân vật đàn ông đểu cáng, sở khanh không "gây khó" cho Quốc Trường trong diễn xuất ẢNH: NVCC

Từng yêu rất nhiều và tổn thương

* Để diễn kiểu vai như vậy, bản thân diễn viên có phải trải nghiệm tình trường nhiều không, mà Trường mới có 31 tuổi thôi?
- Trường từng yêu rất nhiều, trải nghiệm tình trường rất nhiều, cũng từng say nắng, tổn thương, cũng có những mối tình rất đẹp, khiến Trường nhớ mãi. Nên đó cũng chính là những kinh nghiệm tình trường để bản thân có thể đóng được các nhân vật như vậy.
* Trong Về nhà đi con, bạn có nhiều cảnh thân mật, cảnh nóng với diễn viên Bảo Thanh. Lần đầu hợp tác với “người lạ” như vậy, Trường áp lực nhiều không?
Trường từng yêu rất nhiều, trải nghiệm tình trường rất nhiều, cũng từng say nắng, tổn thương, cũng có những mối tình rất đẹp, khiến Trường nhớ mãi. Nên đó cũng chính là những kinh nghiệm tình trường để bản thân có thể đóng được các nhân vật như vậy
Diễn viên Quốc Trường                         
- Trường chỉ có cảnh nóng duy nhất với Bảo Thanh là hai người cùng nhau vào khách sạn thôi. Với một diễn viên chưa từng hợp tác, lại là người khác vùng miền, nổi tiếng ngoài Bắc thì chắc chắn áp lực rồi. Nhưng sự chuyên nghiệp đã lấp hết. Quay được vài hôm thì hai anh em diễn rất ăn ý.
* Từng có một tuổi thơ dữ dội khi nghiện game, đi bão, quậy phá… Điều này có ảnh hưởng tới tính cách của Trường hiện tại và với những vai thanh niên đa tình, phũ…?
- Cũng không đến nỗi dữ dội lắm đâu. Nhưng so với hoàn cảnh gia đình thì đó là điều rất nghiêm trọng đáng để thay đổi. Nhưng tuổi trẻ cũng cần có sự trải nghiệm. Quan trọng là trải nghiệm xong chúng ta rút ra được những bài học gì cho bản thân, cuộc sống, chứ không phải sa đà vào đó và lợi dụng sự trải nghiệm đó để làm mục đích xấu.
* Với nhân vật Vũ, Trường có sự đồng cảm không? Nếu gặp một cô gái như Thư ở ngoài đời, Trường sẽ hành xử thế nào?
- Nhân vật này cho Trường những bài học trong cuộc sống, ảnh hưởng cách sống của mình, giúp mình có nhiều trải nghiệm thì mình sẽ không vấp lại nữa, sống tốt hơn. Sau này có gia đình mình sẽ biết cách dạy con cái của mình, không phải lúc nào sống trong môi trường tốt là tốt, xấu là xấu. Quan trọng là bạn có biết lọc lại để sống phù hợp với đạo đức và pháp luật.
Hai nhân vật này đều rất hay. Hai cá tính rất cần trong cuộc sống hiện đại, không ai sai cả, vấn đề là chưa hiểu nhau thôi. Cả hai rất sòng phẳng, Vũ đểu cáng nhưng sòng phẳng, Thư thích tiền nhưng dựa vào sức lao động của mình, đáng trân trọng chứ. Đó là tuýp người trẻ cần thiết trong xã hội hiện đại. Nếu gặp Thư ngoài đời Trường sẽ yêu vì rất thú vị để tìm hiểu, làm vợ cũng rất hay ho (cười).
* Trong Về nhà đi con ở các tập tiếp theo, Vũ sẽ cưới Thư và trở thành ông bố bỉm sữa. Vậy “làm bố” với Trường ở phim này có khó không?
- Câu này Trường sẽ bật mí sau nhé. Vì phim chưa phát đến tập đó nên việc làm ông bố bỉm sữa hơi khó nói.
Thành công với vai trò diễn viên, Quốc Trường còn được biết đến với vai trò ông chủ của hơn 100 quán mì cay trên toàn quốc ẢNH: NVCC

Không đánh giá giá trị đàn ông qua vật chất

* Đóng phim gần 10 năm, bỏ túi hàng chục vai chính nhưng chỉ một vai phụ ở phim truyền hình gây sốt Gạo nếp gạo tẻ đã giúp tên tuổi của Trường bật lên một vị trí khác? Bạn có thấy diễn viên Việt Nam đang “ăn nên làm ra” từ phim truyền hình?
- Tỷ lệ thành công của phim truyền hình Việt rất thấp, đặc biệt ở phía Nam thấp hơn ở phía Bắc. Ở trong Nam diễn viên rất chật vật với nghề, họ làm phim chỉ để nuôi nghề, rất khổ, không ăn nên làm ra đâu. Ở phía Bắc thì Trường nghĩ diễn viên sống được với nghề hơn.
* Sau Gạo nếp gạo tẻ, cát sê của Trường có tăng nhiều không?
- Cũng chẳng tăng bao nhiêu đâu. Vấn đề là Trường không để tâm nhiều đến cát sê đóng phim. Tại vì Trường thành công ở kinh doanh rồi, đó là điều may mắn. Cả hai lĩnh vực đều thành công rồi thì mình phải biết chia sẻ nên không đòi hỏi gì nhiều. Nên kịch bản hay không, bộ phim được đầu tư thế nào, giá trị của mình qua bộ phim, người mời mình có trân trọng mình không. Đó mới là điều đáng quý. Nên số tiền đó có thể chia sẻ cho các bạn làm hóa trang, âm thanh, ánh sáng, những bạn làm hậu kỳ… nên mình nghĩ không cần thiết phải đòi hỏi, biết cho đi.
* Hỏi thật điều mà Trường nhận được sau thành công của vai diễn trong Gạo nếp gạo tẻ là gì?
- Trường được nhiều sự quan tâm, biết đến hơn thôi. Sau Về nhà đi con chắc có thay đổi nhiều. Còn sau Gạo nếp gạo tẻ cát sê cũng không thay đổi nhiều, cũng không được mời quảng cáo gì cả, cuộc sống vẫn bình thường mà.
Giàu có, thành đạt nên Quốc Trường đang trở thành "tầm ngắm" của nhiều cô gái, dù bản thân anh không đánh giá giá trị của người đàn ông qua vật chất ẢNH: NVCC
Trên trang Facebook của Trường, nhân vật Vũ cũng đang “gây bão”, cũng bởi vì độ "hot" của Về nhà đi con. Hỏi thật, thời gian này hiệu ứng từ phim truyền hình có giúp cho bạn thuận lợi hơn trong việc kinh doanh ở phía Bắc không?
- Chắc chắn giúp Trường tốt hơn một phần nào đó trong kinh doanh, không phải ở phía Bắc mà cả trên toàn quốc. Nhưng qua đó mình cũng bị áp lực nhiều, phải chú ý dịch vụ của mình nhiều hơn nên mình phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu của khán giả khó tính.
* Với hơn 100 nhà hàng mì cay, với tài sản vài chục tỉ đồng, ở biệt thự hoành tráng, chắc Trường là “tầm ngắm” của nhiều cô gái đẹp?
- Trường không đánh giá giá trị người đàn ông qua vật chất mà đánh giá những cô gái yêu thương người đàn ông bởi tài năng, lòng nhân hậu giữa người và người, với cha mẹ, với bạn bè anh em. Trường cũng được nhiều người để ý nhưng vì nhiều việc quá nên không để ý lắm chuyện tình yêu (cười).
* Đàn ông mà giàu và thành đạt quá có khổ lắm không?
- Không khổ gì cả đâu, tiếp thêm nhiên liệu, chất xúc tác để dễ kiếm bạn đời. Khổ hay không nằm ở cái tâm của mình. Nhưng Trường là đứa con của Phật nên sống luôn vui, tất cả mọi thứ đều là vô thường. Nên nhìn tất cả mọi thứ đều an lạc, nhẹ nhàng.
* Mà chắc khổ nhất là chọn “một nửa” cho mình?
- Trường cần một người cùng “tần số” với mình thôi, cùng sở thích, cùng gu với mình. Tình yêu đến anh không mong đợi gì (cười).
* Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.