Vũ Hoàng Giang: "Đã say mê thì phải theo đuổi đến cùng..."

20/01/2006 22:18 GMT+7

Vài năm gần đây, những người yêu sách đã không còn lạ với một thương hiệu mới xuất hiện nhưng đã tạo được tín nhiệm: Nhã Nam. Sách của Nhã Nam được chọn lọc kỹ, bộc lộ rõ ý định làm văn hóa của những người làm sách không chỉ vì mục đích thương mại. Điều đáng nói hơn, Nhã Nam được khai sinh và điều hành bởi một nhóm 6 thanh niên xuất thân là nhà báo. Những thành công của Nhã Nam cho thấy nhóm đã đúng khi chọn cho mình một loại khách hàng riêng: loại khó tính. Phó giám đốc Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam Vũ Hoàng Giang sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về việc làm của họ.

* Từ suy nghĩ nào các anh đã bỏ nghề báo để đi làm xuất bản?

- Tất cả chúng tôi đều ham mê sách vở, 3 người tốt nghiệp khoa Văn. Việc làm sách đã đến rất tự nhiên. Còn xuất phát cụ thể thì nhờ mấy tủ sách cũ. Mấy anh em thường bảo nhau: "Cuốn này đã in lại chưa nhỉ?", và khi biết là chưa thì chép miệng tiếc rẻ... Vậy là chúng tôi bắt đầu thử. Cuốn đầu tiên của Nhã Nam là bộ Lịch sử văn minh phương Đông 3 tập của Will Durant do Nguyễn Hiến Lê dịch, được thực hiện trong thời gian làm báo. Về sau, công việc ngày càng bận rộn, chúng tôi buộc phải chọn lựa.

 *Những khó khăn nào đáng nói nhất trong những ngày đầu tiên ấy?

- Vất vả lắm! Phải học đủ thứ. Thuê đánh máy, đọc morasse và biên tập, thuê hoạ sĩ vẽ bìa, tự viết text các bìa sách, các mép gấp. Đến khi ra bản can chúng tôi mới ngã ngửa: 3 bản can của 3 tập trình bày mỗi cuốn một kiểu, font chữ khác hẳn nhau. Vì 3 nơi đánh máy chế bản mỗi nơi làm một kiểu mà do thiếu kinh nghiệm, chúng tôi không để ý... 

* Cho đến hôm nay, tập sách nào khiến các anh hài lòng nhất?

- Chắc là Nhật ký Đặng Thùy Trâm, vì cuốn sách đó chúng tôi chuẩn bị công phu và đã được dư luận hoan nghênh nhiệt liệt. Ngoài thành công về mặt thương mại (đã bán trên 350.000 bản), cuốn sách cũng đem lại cho chúng tôi chút ít danh tiếng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cuốn mà chúng tôi rất tự hào. Như cuốn Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa của Dai Sijie hay Thiếu nữ đánh cờ vây được giải Goncourt của Sơn Táp... Rồi Cây không gió của Lý Nhuệ, một nhà văn lớn của Trung Quốc nhưng VN vẫn chưa dịch, rồi Cuộc đời của Pi được giải văn học dịch của Hội Nhà văn Hà Nội và được báo chí khen nhiều hay bản dịch tuyệt vời cuốn Peter Pan của chị Tố Châu...

* Các anh có những đầu sách rất khác nhau: từ Búp bê Bắc Kinh đến Nhật ký Đặng Thùy Trâm, từ Hội họa Trung Hoa đến Nhân trường hợp chị thỏ bông... Đâu là tiêu chí để các anh chọn bản thảo?

- Rất đơn giản: chỉ cần là những bản thảo có nội dung tốt, hấp dẫn; đề tài không hạn chế. Mặc dù Nhã Nam ưu tiên cho sách văn học nhưng chúng tôi cũng vẫn quan tâm đến các mảng sách khác như văn hóa, xã hội, khoa học thường thức...

 *  Khi chọn một bản thảo như Búp bê Bắc Kinh, các anh nhắm đến loại độc giả nào? Và khi chọn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, các anh nhắm đến mục đích nào?


Vũ Hoàng Giang

- Khi làm Búp bê Bắc Kinh của Xuân Thụ, chúng tôi biết đây là tác phẩm có tiếng của một tác giả từng được tờ Time đưa ra trang bìa và coi là biểu tượng của văn học linglei ở đại lục, dòng văn học bắt đầu từ Vệ Tuệ, Cửu Đan... Chúng tôi nghĩ giới thiệu tác phẩm này với những ai quan tâm đến văn học trẻ Trung Quốc cũng là việc hữu ích. Còn với Nhật ký Đặng Thùy Trâm thì ngay khi tiếp xúc với bản thảo, chúng tôi đã biết đó là cuốn sách hay, có sức lay động sâu xa. Vì thế, chúng tôi đã tập trung nhiều công sức, làm bố cục cho sách (có phụ lục ảnh và báo chí), viết text bìa, làm poster... Nói thật, cuốn sách bán chạy không làm chúng tôi ngạc nhiên, chỉ có điều phá mọi kỷ lục xuất bản của VN thì đúng là không hình dung được.

* Các anh hy vọng gì vào sự thay đổi trong lĩnh vực xuất bản, nhất là xuất bản tư nhân?

- Hy vọng Nhà nước sẽ mở cửa nhiều hơn nữa cho tư nhân để họ có thể chủ động hơn, để sách của tư nhân không phải bị đội thêm số phần trăm rất lớn cho quản lý phí; rằng xuất bản của VN sẽ trở thành một thị trường thực sự, để các NXB và các công ty của ta có thể hùng dũng "đem chuông đi đánh xứ người" chứ không chỉ nhập siêu mà chẳng xuất được gì. Đi hội chợ sách quốc tế  tìm mãi chẳng thấy sách VN ở đâu.

 * Sách, theo các anh, được đặt ở chỗ nào trong cuộc sống hôm nay?

- Một đất nước 80 triệu dân mà bán 2-3 nghìn bản một đầu sách đã được coi là thành công thì đúng là bất bình thường. Bây giờ, cái ti vi làm mọi người mắc nghiện còn đọc thì báo chí cũng đã đủ lắm rồi. Người ta có thể bỏ tiền triệu mua một đôi giày, một cái áo, một lọ mỹ phẩm nhưng 60, 70 nghìn đồng một cuốn sách thì đã lắc đầu chê đắt...

 * Xin hãy nhắn gửi điều gì mà các anh cảm thấy cần thiết nhất.

- Tôi chỉ có một suy nghĩ của riêng mình: phàm cái gì mình say mê thì phải có gan theo đuổi đến cùng, không hối tiếc.

Ngô Thị Kim Cúc (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.