Xem phim Nghề báo: Sự đơn độc và những cạm bẫy

26/06/2006 23:32 GMT+7

Thấp thoáng đâu đó có những lý tưởng đẹp về nghề nghiệp bị vỡ vụn một cách đau đớn bởi thực tế cuộc đời, những con người vì miếng cơm manh áo lẫn bao thế lực đen chi phối phải bẻ cong ngòi bút. Nghề báo (dài 20 tập, phát sóng lúc 18h hằng ngày trên sóng HTV9 - Đài truyền hình TP.HCM) đang gây dư luận nhiều chiều trong khán giả khi vừa đi được hơn nửa chặng đường.

Đường đông, không người tri âm

Đối diện với công luận, cần một trái tim nóng và một cái đầu lạnh để ngòi bút sắc sảo và tỉnh táo, quyết không bị "mua" bởi bất cứ cái gì. Một nhà báo giỏi cần và phải đạt được điều đó. Phân tích suy nghĩ và hành động của Thúy Bình (do Hồng Ánh đóng), người xem không khỏi nghĩ rằng cô rất ấu trĩ, nông nổi và hời hợt. Lối tư duy một chiều để viết những bài báo bị quá nhiều "mũi tên sắt bọc nhung" lẫn những "viên đạn bắn trực diện" đã tàn phá lý tưởng đẹp của Thúy Bình. Cô là nạn nhân mà cũng là thủ phạm tự đẩy mình vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Cô cũng chính là người tự giăng bẫy để mình rơi vào sự đơn độc không ai chia sẻ. Có chồng, con, đồng nghiệp nhưng cô chỉ còn lại nỗi đơn độc làm bạn khi hậu quả những bài báo một chiều xuất hiện. Đó cũng chính là lời cảnh báo (đối với không chỉ riêng những người làm nghề báo) rằng: Đừng phút nào xao lãng sự tỉnh táo của lý trí để chiều theo con tim kiêu căng. Hồng Ánh đã trở lại đầy ấn tượng. Nụ cười, cái nhếch môi, ánh mắt kiêu ngạo kín đáo và cả tiếng thở dài cố nén vào trong được cô chăm chút để tạo nên một Thúy Bình vừa đáng thương vừa đáng trách. Bên cạnh Hồng Ánh già dặn, Xuân Hòa lần đầu vào vai thứ, cũng thể hiện sự nỗ lực trong diễn xuất, có tiềm năng đi xa hơn.

Cạm bẫy giăng đầy lối đi

Có quá nhiều cạm bẫy giăng ra cho nhà báo. Dường như, lúc nào họ cũng sẵn sàng bị mắc vào. Người được xem là lọc lõi, giàu kinh nghiệm, sắc sảo như Thúy Bình cũng bị, người trẻ thông minh và sâu sắc như Linh Sương (do Xuân Hòa đóng) hay non nớt như Đỗ Hòa (do Hòa Hiệp đóng) cũng bị. Cả trưởng ban Phan Thăng (do Tạ Minh Tâm đóng) và tổng biên tập Lê Mão (Kim Hoàn đóng) cũng bị dù mỗi người rơi vào một kiểu bẫy khác nhau.

Vòng xoáy của cạm bẫy có khi là những tiện nghi như nhà lầu, xe hơi, có khi là những lời đe dọa khủng bố qua điện thoại đã làm ngòi bút của các nhà báo trong phim bị cùn mòn. Nếu nhại Nguyễn Đình Chiểu thì phải nói rằng: "Chưa đâm chết gian tặc, bút nhà báo đã bị tà". Một nhà báo giấu tên băn khoăn: "Không biết khán giả xem xong phim có hiểu cho nhà báo không hay là lại thấy nhà báo rất ghê, rất xấu nữa. Hình ảnh của chúng tôi đen tối quá, người thì chạy theo thế lực đồng tiền, dùng báo chí như một công cụ kiếm tiền, người thì vì sự kiêu ngạo của mình làm hại gia đình người khác, người thì thừa nhiệt huyết mà không được tin dùng". 

Và những hạt sạn

Không ít khán giả trong và ngoài báo giới phản ứng việc phim lạm dụng chi tiết "lỗi morát" về trang phục các nữ nhà báo: hay quên cài dây kéo hoặc cúc áo... Những người khác lại không bằng lòng với một số tiểu tiết khác xoay quanh mối quan hệ: Quang Sinh không thể tự nhiên triệu tập phóng viên các báo khác để phân phát tài liệu, anh ta cứ xuất hiện như ma xó trong những lúc "cần thiết" mà không bị ai nghi ngờ, những sai sót về tác nghiệp của giới phóng viên nhật báo...

Vì nhân vật được "cá biệt hóa" nên tính điển hình cho một loại nghề nghiệp khó đạt tới vì không phải nhà báo nào cũng mang nét đặc biệt đến mức như Quang Sinh, Thúy Bình, Linh Sương... Nhiều đoạn hồi tưởng, nhớ lại của nhân vật dài, cách thể hiện chưa đủ ấn tượng, làm giảm tiết tấu, dễ gây cảm giác nhàm chán (đặc biệt là những đoạn hồi tưởng của Thúy Bình).

Mặt khác, sự chênh vênh không định hình được chính xác đối tượng khán giả (cho báo giới hay khán giả chung chung) làm phim có một số đoạn bị "lướt", gây khó hiểu. Nếu xác định đối tượng của phim truyền hình là phục vụ đại đa số khán giả chứ không nhằm vào một nhóm người thì có lẽ, phim cần phải được cụ thể hơn, tránh những "nói tắt" làm khán giả thông thường không hiểu chính xác, rõ ràng.

 Một nhà phê bình điện ảnh thế giới cho rằng: "Giá trị của một bộ phim chính là ở chỗ tìm được khán giả tri âm để khi họ xem xong còn có điều gì đó đọng lại trong lòng". Nếu như vậy, trong chừng mực nhất định, Nghề báo đã làm được, dẫu chưa thực sự trọn vẹn.

Vinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.