Đông Dương ngày ấy là cuốn du ký, cũng là dòng hồi ức của tác giả Claude Bourrin về những năm 1898 - 1908, qua lối kể chuyện dung dị, nhẹ nhàng mà không kém phần sinh động, mang đến cái nhìn thú vị về cuộc sống của người dân Đông Dương, từ người phu xe, người khiêng cáng đến tầng lớp quan lại, trí thức và cả vua Thành Thái…
Có thể thấy điều đó qua những trích đoạn hài hước như: “Tôi khuyên ông không nên mua bánh ở cửa hàng Tầu A Pou Sium. Xin nói để ông biết họ đánh bóng bánh của họ như đánh bóng sàn nhà. Bánh như thế rất có hại cho bụng…”. Những bất đồng ngôn ngữ giữa những người phụ nữ An Nam và các đấng quan lớn cũng là những chuyện cười ra nước mắt qua cách kể của Claude Bourrin: “Thú tiêu khiển thích nhất ở Đồ Sơn là uống rượu khai vị bên suối. Để tới suối, những người châu Âu thường thuê những phụ nữ An Nam to khỏe cáng mình trên những chiếc cáng. Đó là những phụ nữ nói luôn miệng và khi tin chắc khách trên cáng không hiểu tiếng An Nam, họ liền nói vung lên, so sánh người trên cáng với những con vật mang ra chợ bán. Các vị du khách phục phịch hãnh diện về sự An Nam hóa của mình nhiều khi tưởng được gọi là quan-lon (quan = lớn) nhưng thực ra chỉ là con-lon (con lợn). Tiếng cười của những người đàn bà vui vẻ, sung sướng vì được chế giễu những vị khách Pháp, chắc chắn sẽ buộc người ngồi trên cáng phải cẩn trọng đối với sự chuyển ngữ".
Claude Bourrin còn tỉ mỉ ghi lại những vùng đất, con người nơi ông đi qua, sinh sống và làm việc. Từ Hải Phòng - Đồ Sơn đến đường sắt ở Thượng du Bắc Kỳ cho đến Lạng Sơn, Sài Gòn… Mỗi một bước chân đi qua, là một câu chuyện được lưu lại. “Đầu năm 1908, ở Hà Nội có 2.300 người châu Âu, 23.000 người Tầu và 56.000 người An Nam. Các con số tương ứng của Hải Phòng là: 1.158, 6.940 và 12.560 người. Ở Sài Gòn, nơi người Pháp đặt chân tới hơn 50 năm trước, vào năm 1908 có 3.900 người châu Âu và chỉ có 31.500 người An Nam”…
Đông Dương ngày ấy được xuất bản đầu tiên vào năm 2008 do Nhà xuất bản (NXB) Lao Động xuất bản, được dịch từ cuốn Choses et gens en Indochine 1898 - 1908 của Claude Bourin, do NXB Aspar ở Sài Gòn xuất bản năm 1940. Và nay, được Huy Hoàng Bookstore tái bản, bổ sung những phần thiếu và sửa chữa những chỗ sai trong lần xuất bản đầu. Bên cạnh đó, dịch giả Lưu Đình Tuân còn bổ sung một số ảnh minh họa cho nội dung các đoạn văn, sắp xếp, bổ sung các chú giải để dễ hiểu và tiện cho quá trình tra cứu của độc giả.
Tác giả Claude Bourrin quê ở vùng Lorient, Pháp. Ông đến Đông Dương năm 1898, làm công chức sở Hải quan, nhưng với lòng say mê nghệ thuật, ông đã tích cực truyền bá nghệ thuật kịch Pháp vào Đông Dương, đặt nền móng cho sân khấu kịch Việt Nam. Ông từng giữ chức Giám đốc Nhà hát Lớn tại Hà Nội (1927 - 1928), Giám đốc (đồng thời) của cả ba Nhà hát Lớn Hải Phòng, Hà Nội và Sài Gòn các mùa kịch 1928 - 1930. Ngoài ra, ông cũng là một "cây viết" với nhiều tác phẩm ghi chép về cuộc sống của người Pháp ở Đông Dương. Các tác phẩm tiêu biểu nhất của ông: Đông Dương ngày ấy 1898 - 1908 (Choses et gens en Indochine 1898 - 1908, nguyên gốc nghĩa là Sự việc và các nhân vật tại Đông Dương 1898 - 1908) và Xứ Bắc kỳ xưa 1884 - 1889, 1890 - 1894 (Le Vieux Tonkin 1884 - 1889, 1890 - 1894).
|
Bình luận (0)