Xử lý vi phạm bản quyền sách số

02/08/2017 06:22 GMT+7

Nhiều biện pháp cụ thể đã được đưa ra trong hội thảo về xử lý vi phạm bản quyền sách số do Hội Xuất bản VN tổ chức tại TP.HCM vào chiều 1.8.

Liên tiếp tố cáo vi phạm bản quyền
Ngay sau khi Hội Xuất bản VN - Văn phòng đại diện phía nam kêu gọi phát động tập hợp những bằng chứng vi phạm bản quyền sách số từ sau khi phát hiện những vi phạm bản quyền sách đã xuất bản và chưa xuất bản của Yeah1 Network từ giữa tháng 7 qua, đông đảo đơn vị xuất bản đã hưởng ứng.
Theo đó, NXB Trẻ, NXB Phụ Nữ, Công ty sách Nhã Nam, Phương Nam, Chibooks, First News, Alphabooks... đã cung cấp nhiều hình ảnh, bằng chứng về việc các tác phẩm của họ bị vi phạm bản quyền nghiêm trọng dưới nhiều hình thức như: sách điện tử (ebook), sách nói (audio book), app điện thoại...
Phần lớn tác phẩm bị vi phạm bản quyền đều là các sách bán chạy và được yêu thích như: 68 ngộ nhận và giác ngộ về nuôi con sữa mẹ (Thạc sĩ Lê Nhất Phương Hồng, NXB Phụ nữ), Tư duy tích cực thay đổi cuộc sống (Trần Đình Hoành, NXB Phụ nữ), Bên kia đường có đứa dở hơi (Wendelin Van Draanen, NXB Phụ nữ), Marketing 101 (Don Sexton, Alphabooks), Quốc gia khởi nghiệp (Dan Senor và Saul Singer, Alphabooks), Ai đã khóc ngày hôm qua (Gào, Alphabooks), 100 lời khuyên đầu tư bất động sản khôn ngoan nhất (Donald Trump, Alphabooks), loạt sê ri Vũ khí bóng đêm (Cassandra Clare, Chibooks), loạt sê ri Percy Jackson (Rick Riordan, Chibooks), loạt sê ri Biên niên sử nhà Kane (Rick Riordan, Chibooks)...
Các đơn vị này cũng thống kê ra hàng chục trang web, mạng xã hội vi phạm bản quyền nghiêm trọng sách của họ bằng cách đăng tải, chia sẻ ebook, audio book có thu phí với giá cực rẻ hoặc miễn phí để thu hút lượt truy cập trang, nhằm phục vụ quảng cáo. Đó là các trang: downloadsach, dtv-ebook, santruyen, sachvui, linktruyen, diendanlequydon, downloadsachhay, taisachonline, medocsach, tinhte, sachviet.edu, sachnoionline, sachtruyen, tailieu, taisachhay, asach, tusachcuaban, 123doc, nguoivietdautu, toithichdocsach...
Đặc biệt, còn có nhiều trang mạng xã hội nhận in sách giấy lậu với bất kỳ đầu sách đặt hàng nào, không cần giấy phép xuất bản, thậm chí, cả đối với dòng sách đam mỹ - ngôn tình đã bị Cục Xuất bản, in và phát hành ngưng cấp phép từ mấy năm qua thì nay vẫn được các trang này công khai kêu gọi đặt in sách lậu với giá mềm, như trang Facebook Nhận in truyện Đam mỹ, Ngôn tình.
Ông Nguyễn Hữu Cứ (đại diện nhà sách Hương Trang) cho biết nhiều sách Phật giáo do đơn vị ông xuất bản đã bị làm audiobook lậu, nhưng khi được đơn vị ông chất vấn thì đơn vị làm lậu còn ngang nhiên cãi rằng: “Anh đã làm sách Phật giáo thì phải có tâm bố thí!”.
Đại diện NXB Phụ nữ cũng bày tỏ sự lo ngại về những thất thoát tài chính từ sách số: “Chỉ cần một file sách lậu được tải lên mạng, sẽ lập tức được hàng chục trang web, trang mạng xã hội kinh doanh sách lậu lấy xuống và đăng tải lại. Vì vậy, chỉ một tựa sách mà chúng tôi có thể tìm ra hàng chục trang đưa lại và cùng kinh doanh lậu. Thiệt hại không biết bao mà kể”.
Xử lý vi phạm bản quyền sách số1
Xử lý vi phạm bản quyền sách số2
Nhận in lậu sách trên Facebook Ảnh: Chụp màn hình
Đại diện Công ty văn hóa Phương Nam cũng xác nhận phần lớn sách của tác giả ăn khách như Phạm Công Luận đều bị làm lậu sách số rất nhiều khiến tác giả bất bình và tự chủ động tìm kiếm, tập hợp các đường link trang web lậu gửi về, với mong muốn nhanh chóng dẹp bỏ các trang này.
Tất cả các đơn vị xuất bản tham gia đều cho rằng tình trạng vi phạm sách số ngày càng nghiêm trọng và mở rộng, ảnh hưởng đến lợi ích tác quyền của chính tác giả, của đơn vị xuất bản cũng như sự phát triển của ngành xuất bản.
Xử lý sách số lậu ra sao?
Đại diện Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM, Cục An ninh văn hóa, thông tin và truyền thông (A87), Cục An ninh chính trị nội bộ (A83) cũng khẳng định sẽ phối hợp xử lý ngay khi các đơn vị xuất bản gửi đơn phản ảnh, nhằm đem lại sự trong sạch và phát triển lành mạnh, công bằng cho thị trường xuất bản.
Ông Đồng Phước Vinh (Giám đốc Công ty sách điện tử Trẻ Ybook) thừa nhận công nghệ sao chép ngày nay quá dễ dàng nên các đơn vị khi phát hiện vi phạm, cần “khiếu nại sỉ, không khiếu nại lẻ”, để tạo sức mạnh đấu tranh.
Đồng quan điểm trên, bà Lê Thị Hồng Hạnh (Trưởng đại diện Cục Bản quyền tác giả tại TP.HCM) cho rằng hoàn toàn có thể áp dụng luật Sở hữu trí tuệ để xử lý và khuyên các đơn vị xuất bản cần nhanh chóng “đi cùng thuyền”, cùng gửi ngay đơn phản ảnh lên các cấp cơ quan chức năng một khi phát hiện vi phạm bản quyền sách số. “Theo khoản d điều 20 về quyền tài sản luật Sở hữu trí tuệ, chúng ta có thể áp dụng ngay quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng để xử lý vi phạm. Luật pháp VN tương thích với luật pháp các nước nên hoàn toàn có thể xử lý được,” bà Hạnh nói.
“Việc vi phạm bản quyền sách số về lâu dài gây ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến quyền lợi của ngành xuất bản. Luật đã có, các cơ quan chức năng xử lý đã có. Giải pháp cho các đơn vị xuất bản đấu tranh chống vi phạm bản quyền đã có. Hội Xuất bản VN tin rằng với quyết tâm chung của các đơn vị xuất bản, nạn vi phạm bản quyền sách số sẽ dần được xóa bỏ, đặc biệt khi bộ luật Hình sự 2015 chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2018, với điều 344 về hình sự hóa các hoạt động trong xuất bản”, ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản VN, đưa ý kiến.
Trong khi đó, ông Võ Trung Tín (đại diện Công ty luật Phan Law) nhận định: “Các đơn vị xuất bản có thể ủy quyền cho các công ty luật để xử lý vi phạm bản quyền. Phan Law đã từng thực hiện thành công nhiều trường hợp tương tự về vi phạm bản quyền với tỷ lệ 99% gỡ bỏ được các trang web vi phạm, và 100% xóa bỏ được các vi phạm trên YouTube và Facebook”.
Đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông cũng khẳng định hoàn toàn có thể xử lý vi phạm bản quyền sách số, và khuyến cáo các đơn vị xuất bản gửi báo cáo vi phạm bản quyền lên cơ quan chức năng như Trung tâm internet VN (VNNIC) khi các trang vi phạm có tên miền mang đuôi .vn, .com..., đồng thời yêu cầu xóa bỏ các trang web vi phạm hoặc đánh tụt hạng để các trang vi phạm bản quyền sách số không thể xuất hiện trên mạng được nữa. Trong trường hợp phát hiện sách số bị vi phạm trên Facebook hoặc YouTube càng dễ hơn, các đơn vị xuất bản cần gửi ngay báo cáo vi phạm bản quyền lên Facebook, YouTube để đề nghị khóa các trang vi phạm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.