Hội nghị này là sự kiện văn học quốc tế lớn nhất từ trước tới nay được tổ chức tại Việt Nam. Tại cuộc họp báo ngày hôm qua 4.1, ông Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng ban tổ chức thông báo: 150 nhà văn, dịch giả, giáo sư và đại diện các nhà xuất bản lớn của 33 quốc gia đã tới Hà Nội dự Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam. Tất cả những công việc chuẩn bị cho hội nghị quan trọng này đã hoàn tất. Trong số đại biểu đăng ký chỉ có 1 nhà văn Venezuela chưa có mặt, do khó khăn về chuyến bay.
Ngay khi vừa đặt chân tới Việt Nam, đoàn nhà văn Mỹ đã có buổi giao lưu với lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam và đặt vấn đề ký kết dịch thuật và giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài. Cho đến nay, Mỹ là nước dịch nhiều nhất các tác phẩm văn chương Việt Nam hiện đại.
Các nhà văn nước ngoài nói gì?
Đáng chú ý, trước ngày khai mạc, khá nhiều nhà văn nước ngoài đã gửi tham luận văn học tới hội nghị. Bàn luận về những giá trị vĩnh cửu của văn học, nhà văn Andrzej Grabowski (Ba Lan) cho rằng: “Những người Ba Lan chúng tôi do dày dạn kinh nghiệm trong lịch sử chống ngoại xâm của mình, chúng tôi hoàn toàn hiểu rõ quyền bảo vệ những giá trị đích thực của dân tộc Việt Nam, đó là quyền thiêng liêng và vĩnh cửu. Càng làm quen với những người bạn Việt Nam, tôi càng nhận thấy rằng mối quan hệ của chúng ta được thắt chặt bởi thế giới quan giống nhau như: nhạy cảm với thiên nhiên, lòng yêu cái đẹp, tôn trọng những giá trị mà thiếu chúng, con người không thể phát triển được - lòng yêu nước hơn cuộc sống của mình, sự hiến dâng cho gia đình, kính trọng nền văn hóa và lịch sử đất nước. Có nước nào trên thế giới có các vị tướng lĩnh - người bảo vệ Tổ quốc lại làm thơ như hai đất nước chúng ta?”.
Hội nghị có 4 chương trình thảo luận theo nhóm chuyên đề: Văn học cổ điển Việt Nam; Văn xuôi Việt Nam hiện đại; Thơ Việt Nam hiện đại; Gặp gỡ các nhà văn trẻ Việt Nam. Ngoài đội ngũ dịch thuật chuyên nghiệp còn có 50 sinh viên tình nguyện có trình độ ngoại ngữ tốt để giúp đỡ các đại biểu. Đại biểu dự hội nghị sẽ được cung cấp bộ tư liệu về Lược sử các tác giả Việt Nam, trong đó có các tác giả cổ đại, các tác giả tiêu biểu, các tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh; các tác giả thơ, tác giả văn xuôi Việt Nam... để qua đó có thể hình dung khái quát diện mạo văn học Việt Nam. Các đại biểu sẽ tham quan vịnh Hạ Long, lên thăm di tích Yên Tử và Việt Phủ Thành Chương. |
Nhà văn Andrzej Grabowski cũng hào hứng nhắc tới những câu thơ bất hủ của hai vị tướng lừng danh trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam là Lý Thường Kiệt, Trần Quang Khải và vua Trần Nhân Tông rồi nhận xét: “Có thể những người vĩ đại ấy đã mang lại chiến thắng vì họ có trí tưởng tượng lớn lao đồng thời biết dự đoán và nhìn thấy trước hơn nhiều người khác”. Đặc biệt, nhà văn Ba Lan này nhắc tới bài thơ Việt Nam rất cổ xưa Có và không của Đạo Hạnh Thiền Sư cách đây một ngàn năm: “Bảo là có thì nhỏ nhoi như hạt bụi cũng có/ Bảo là không thì tất cả thế gian đều không/Có và không như ánh trăng dưới nước”.
Cũng với tình cảm nồng hậu dành cho văn học Việt Nam, nhà văn Mỹ Fred Marchant nhắc lại kỷ niệm về cuộc hội thảo Nghiên cứu về chiến tranh và các hậu quả xã hội tại Đại học Masachusetts ở Boston (Mỹ), nơi ông đã gặp gỡ và trò chuyện với 4 nhà văn, nhà thơ xuất sắc của Việt Nam hồi ấy là: Phạm Tiến Duật, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Quang Thiều và Trần Đăng Khoa. Ngay sau đó, các nhà thơ Mỹ Bruce Weigl, Kevin Bowen và Martha Collins đã dịch tác phẩm của các vị Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Thiều. “Tôi đã tham gia dịch thơ Trần Đăng Khoa. Đây là những bài thơ của một cậu bé Việt Nam lớn lên ở miền Bắc, nơi ngày ngày máy bay B52 rải bom. Chúng tôi cũng nhận ra rằng, những người Mỹ cũng có thể biết thêm được một vài khía cạnh khác về Việt Nam thông qua những bài thơ này. Sau này gặp nhau, tôi vui khi biết chính bài thơ đã đưa tôi và Khoa gần nhau, để chúng tôi trở thành bạn bè. Tôi cũng cảm thấy nỗi buồn gắn với chiến tranh, những mất mát và nhọc nhằn”, nhà văn Fred Marchant hồi tưởng.
Đại diện Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, mục tiêu đặt ra của Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam lần này, ngoài việc cung cấp cho dịch giả quốc tế một cách có hệ thống bề dày cũng như các giá trị của văn học Việt Nam trong tiến trình lịch sử của dân tộc, cũng như mối tương quan của văn học với nền văn hóa Việt Nam, đây còn là dịp để tập hợp, đoàn kết đội ngũ dịch giả văn học Việt Nam trong và ngoài nước, giúp họ có được một cách nhìn toàn diện, đúng đắn và sâu sắc hơn về diện mạo của văn học Việt Nam, làm cơ sở cho việc tiếp cận, lựa chọn, xây dựng kế hoạch dịch và giới thiệu văn học Việt Nam, góp phần đẩy mạnh giao lưu văn học và ngoại giao văn hóa của nước ta với bạn bè quốc tế...
Lộ trình quảng bá văn học Việt ra thế giới
* Ông có thể cho biết vài nét về kết quả dịch thuật văn học nước ngoài ở Việt Nam và số tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn Việt Nam được dịch ra nước ngoài trong những năm qua? - Tính đến nay đã có hơn 13.000 tác phẩm văn học của thế giới được dịch ra tiếng Việt, và hầu hết các tác phẩm lớn của nhân loại đều đã được giới thiệu một cách có hệ thống ở Việt Nam. Trong khi đó, số lượng các tác phẩm văn học của Việt Nam được dịch và giới thiệu ra nước ngoài mới chỉ có hơn 570 tác phẩm (từ văn học cổ cho đến nay). Với thống kê này, chỉ cần một người có cảm quan bình thường cũng có thể nhận thấy việc dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài chưa hề tương xứng với những tiềm năng của chúng ta, chưa hề tương xứng với những giá trị của văn học Việt Nam. * Thưa ông, còn về việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài của chúng ta như thế nào? - Từ hội nghị lần này, chúng ta sẽ giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài một cách hệ thống và bài bản. Hội Nhà văn Việt Nam đang triển khai 3 việc: Phải nắm được toàn bộ đội ngũ dịch giả trong nước, quốc tế; phải xác định một kế hoạch dài hạn cho việc dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài và cứ 5 năm lại định kỳ tổ chức Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam. Qua hội nghị này, Hội Nhà văn sẽ kiến nghị với Đảng và Nhà nước một số chính sách lớn như thành lập một trung tâm hay viện dịch thuật văn học Việt Nam và cơ chế chính sách. Ở Hàn Quốc và Trung Quốc, người ta không chỉ đầu tư cho nhà văn mà còn đầu tư rất lớn cho các nhà xuất bản để dịch các tác phẩm văn học của nước họ ra nước ngoài. Chúng ta sẽ triển khai cả việc đề nghị Chính phủ hỗ trợ cho một số nhà xuất bản trong và ngoài nước để họ xuất bản các tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam, đây cũng là một trang mới trong hoạt động giao lưu văn học quốc tế của chúng ta. Việt Chiến (thực hiện) |
Nguyễn Việt Chiến
Bình luận (0)