Năm ngoái, từ tiết lộ của một giáo viên trường THPT chuyên ở Tiền Giang, dư luận đã bức xúc về chuyện "nới lỏng chấm thi" kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Theo đó, các chuyên viên ngành giáo dục của 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã họp và đưa ra biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi phần tự luận môn ngữ văn (dễ dãi hơn so với đáp án của Bộ GD-ĐT) nhằm nâng điểm cho học sinh. Việc vi phạm quy chế thi khi tự ý giảm nhẹ yêu cầu trong chấm thi như thế đã được lên án vì “căn bệnh thành tích”.
>> Phanh phui tiêu cực vì quá bức xúc
>> Học sinh ngang nhiên quay cóp, giám thị tích cực ném "phao" tiếp sức
Năm nay, từ những đoạn video clip của một thí sinh tại hội đồng thi tốt nghiệp THPT ở Lục Nam, Bắc Giang, dư luận lại bàng hoàng trước việc vi phạm nghiêm trọng quy chế thi của học sinh, được sự tiếp tay, dung túng của thầy cô là giám thị coi thi - từ chuyện quay cóp đến tuồn, đưa tài liệu các kiểu... Oái oăm thay khi mà đề thi môn văn cũng trong kỳ thi này thầy cô đã đề nghị học sinh cho biết suy nghĩ của mình về “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”. Vụ việc đang được tiếp tục làm rõ để xử lý; thậm chí có thể đến mức điều tra nếu có dấu hiệu phạm pháp, theo lời lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Giang.
Trong câu chuyện năm ngoái, lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo đã không cho chấm lại các bài thi được “nâng” ở ĐBSCL vì: "Học sinh không phải là người có lỗi nên không thể bắt các em phải chịu hậu quả". Trong sự cố năm nay, chưa biết kết quả xử lý như thế nào, nhưng quan điểm của lãnh đạo Sở GD-ĐT Bắc Giang thì “lỗi trước hết thuộc về lãnh đạo hội đồng thi, thanh tra, giám thị…”. Tóm lại, trong các vụ việc tiêu cực liên quan đến học hành, thi cử thì người lớn, tức các thầy cô trong cuộc phải chịu trách nhiệm chính, trước xã hội, trước ngành và địa phương, thậm chí trước các bậc phụ huynh.
Lỗi của một số người lớn như thế, ai phạm lỗi tất nhận phạt. Nhưng có những việc mà dù phạt như thế nào cũng không khắc phục được hậu quả của lỗi. Hậu quả đó là gì, là góp phần gieo rắc và tạo điều kiện để không chỉ làm tăng thói ỷ lại mà còn làm giảm sút, làm thui chột sự trung thực của những người trẻ. Với con em chúng ta, thế hệ kế thừa của chúng ta, sự trung thực là một vốn quý để các em vào đời, lập thân và cống hiến. Thế nhưng, với không ít người lớn, không chỉ trong thi cử mà trong nhiệm vụ dạy dỗ hằng ngày đã bộc lộ ít nhiều cách thức thông qua các em để tô điểm cho thành tích chuyên môn của chính mình, của lớp mình, trường mình, địa phương mình…; góp phần xóa mờ sự trong sáng, sức sáng tạo của các em trong khi đất nước, gia đình thực sự cần có những người trẻ biết khẳng định bằng chính đôi tay, khối óc và năng lực thật.
Với những kết quả “giả” như thế, “bệnh thành tích” nay đã nảy nở thành “nạn thành tích” với nhiều cấp độ tinh tướng, chỗ công khai, nơi lén lút. Vấn nạn nào cũng cần được mổ xẻ và xử lý triệt để. Cái gọi là “chỉ tiêu, định mức” trong việc xây dựng và đánh giá chất lượng con người cần được xem xét lại - thậm chí dẹp bỏ từng phần - từ trong nhận thức cho đến hành động một cách căn cơ, triệt để ; từ từng tế bào trong ngành giáo dục cho đến các địa phương, các cấp có liên quan.
Quang Thông
Bình luận (0)