Vẫn tiếp tục thi công dự án liên quan vụ PCI

08/12/2008 00:01 GMT+7

Hai dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản tại TP.HCM là Đại lộ Đông - Tây và Cải thiện môi trường nước TP đang được triển khai hơn nửa chặng đường. Có thông tin do liên quan vụ PCI nên dự án sẽ dừng?

Một người có trách nhiệm của nhà thầu Obayashi (Nhật Bản) cho biết, đến thời điểm này việc thi công hầm Thủ Thiêm vẫn diễn ra bình thường, những công việc khó khăn nhất đã qua, khối lượng còn lại là những hạng mục bên trên, sẽ làm rất nhanh. Hiện trên công trường hầm Thủ Thiêm và cả gói thầu số 2 (phía Q.2) có trên 1.000 công nhân, kỹ sư đang khẩn trương thi công. “Càng kéo dài thời gian thi công, càng bất lợi cho các bên” - người có trách nhiệm của nhà thầu Obayashi nói.

Dự án Đại lộ Đông - Tây xong khoảng 65%

Ông Vương Hoàng Thanh, Trưởng phân ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây thông tin thêm, phần hầm dẫn ở cả hai phía Q.1 và Q.2 đều đã hoàn thành đổ bê tông tường chắn, bản nóc và đang đổ bê tông bản đáy. Nhà thầu Obayashi cũng đã tiến hành nạo vét phần đường rãnh trên sông để lai dắt đốt hầm dìm. Theo ông Thanh, hiện chỉ còn chờ lai dắt bốn đốt hầm từ Nhơn Trạch (Đồng Nai) về lắp đặt dưới sông Sài Gòn. Riêng việc đánh giá nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục các vết nứt đốt hầm Thủ Thiêm đang được đơn vị tư vấn Connell Wargner (Australia) tiến hành. Dự kiến đơn vị này sẽ làm việc trong 10 tuần với tổng chi phí 16 tỉ đồng. Sau khi có kết quả thẩm định của tư vấn, việc khắc phục sẽ do đơn vị thi công hầm Thủ Thiêm là nhà thầu Obayashi thực hiện.

Trong khi đó, đại lộ Đông - Tây đã cơ bản hoàn thành việc gia tải và dỡ tải. Cầu Calmette và cầu Khánh Hội (nối Q.1 và Q.4) sẽ thông xe trước Tết Nguyên đán 2009. Cầu Chà Và, cầu Chữ Y cũng sẽ thông xe tháng 3.2009. Cầu Nước Lên, Rạch Cây, Lò Gốm tiếp tục hoàn thành sau thời gian này. Riêng nút giao thông Cát Lái đang dỡ tải và lắp đặt cống thoát nước. Theo ông Thanh, dự kiến đầu năm 2010 mới hoàn thành nút giao thông Cát Lái. Tiến độ toàn bộ dự án đại lộ Đông Tây hiện đạt 65%.

Sau Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2008 kết thúc, trả lời câu hỏi của các nhà báo về việc Nhật tạm dừng cam kết ảnh hưởng thế nào đến các dự án đang thực hiện? Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc nói: 3 dự án lớn với trị giá 65 tỉ yen dự kiến sẽ cam kết trong hội nghị tài trợ kỳ này nhưng do vụ PCI nên phía Nhật Bản chưa cam kết, đó là dự án Thoát nước Hà Nội giai đoạn 2, dự án Vệ sinh môi trường đô thị thành phố Hải Phòng và dự án Metro Hà Nội; đây là 3 dự án quan trọng và khi đã dừng cam kết thì sẽ dừng ký kết. Còn các dự án liên quan đến PCI hiện đang dừng, trong đó có một số dự án về giao thông, đặc biệt là 2 dự án lớn của TP.HCM là dự án Hành lang Đông - Tây và dự án Vệ sinh môi trường đô thị TP.HCM.
Theo kế hoạch, cuối năm 2009 sẽ thông xe toàn tuyến, từ nút giao thông giáp quốc lộ 1A (Q.Bình Tân) đến ngã ba Cát Lái tiếp nối với xa lộ Hà Nội (Q.2). Đây là dự án quy mô lớn nhất TP.HCM hiện nay, khi hoàn thành sẽ tạo một tuyến trục mới ra vào phía nam trung tâm TP theo hướng đông - tây, làm giảm ách tắc giao thông cầu Sài Gòn và các trục chính khác của thành phố...

Dự án Cải thiện môi trường nước gần xong 2 gói thầu chính

Dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM (lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé - kênh Đôi - Tẻ) cũng đang thi công giai đoạn cuối. Theo ông Đặng Ngọc Hồi - Trưởng phân ban quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP, đến thời điểm này, 2 gói thầu chính đã thi công được 97% khối lượng, đó là gói thầu xây dựng tuyến cống bao thu gom nước thải và gói thầu xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (Bình Chánh). Các lô cốt trên đường Trần Hưng Đạo, Tôn Đức Thắng, Trần Tuấn Khải sẽ được tháo dỡ cuối năm 2008 và trước Tết Nguyên đán 2009. Những tuyến cống bao nhánh trên các tuyến đường Trần Đình Xu, Nguyễn Cảnh Chân, Nhiêu Tâm cũng hoàn thành trước Tết. Về sự “tái xuất” một số lô cốt trên đường Trần Hưng Đạo, Hàm Nghi, ông Hồi giải thích là nhằm phục vụ cho công nhân vệ sinh lòng cống, gắn cầu thang lên xuống để duy tu bảo dưỡng cống sau khi công trình đưa vào vận hành. Ông Hồi khẳng định toàn bộ hệ thống thu gom nước thải, trạm bơm Đồng Diều và cả Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng sẽ vận hành chính thức vào tháng 2.2009.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Ngọc Hồi, gói thầu D của dự án nhằm cải tạo hệ thống thoát nước hiện hữu (nước mưa) trên địa bàn Q.5, Q.10, Q.11 đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể là các tuyến đường Trần Bình Trọng, Sư Vạn Hạnh, Châu Văn Liêm, Thuận Kiều, Lý Thường Kiệt sẽ còn thi công đặt cống hộp loại lớn (đường kính 2 - 2,5m) cho đến năm 2010, nhưng nhiều tuyến đường có mặt đường hẹp (từ 8 - 10m), khi đào đường vướng rất nhiều cáp điện thoại loại lớn bên dưới nên tiến độ thi công không thể nhanh được. Cũng theo ông Hồi, sắp tới sẽ còn đào đường ở ngã bảy Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Điện Biên Phủ nhằm đấu nối hệ thống thoát nước hiện hữu, nhưng lo nhất là diện tích chiếm mặt bằng rất lớn tại vòng xoay xe cộ đông đúc này.

Chưa có thông báo dừng

Ông Lê Toàn, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TP nói với PV Thanh Niên vào sáng qua (7.12): “Tôi chưa nhận được thông báo chính thức từ cơ quan chức năng về việc ngưng 2 dự án này, nếu ngưng tất nhiên sẽ ảnh hưởng, còn ảnh hưởng như thế nào thì chưa biết. Nhưng tôi nghĩ tình hình không đến nỗi phải ngừng 2 dự án này đâu, vì ngừng thì căng lắm!”.

Theo lời ông Lê Toàn, hiện cả 2 dự án vẫn tiếp tục được triển khai. Đơn vị tư vấn PCI (Nhật) vẫn đang thực hiện công việc tư vấn giám sát của mình đối với dự án Đại lộ Đông - Tây trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, đã có thông báo tạm ngừng giải ngân cho PCI đối với dự án mà đơn vị này tham gia tại TP.HCM.

Dự án Đại lộ Đông - Tây khởi công tháng 1.2005, tổng chiều dài gần 22 km, bao gồm 1,5 km hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm), xây mới 13 cầu, cải tạo 3 cầu, xây mới 5 nút giao thông và 11 cầu bộ hành. Dự án đi qua các quận: 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Tổng mức đầu tư 660 triệu USD (tương đương 9.863 tỉ đồng) trong đó vốn ODA Nhật 428 triệu USD (tương đương 6.393 tỉ đồng), chiếm 64,82% tổng mức đầu tư; vốn đối ứng 232 triệu USD (tương đương 3.470 tỉ đồng), chiếm 35,18% tổng mức đầu tư.

Dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM (lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - kênh Đôi - Tẻ) có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 4.100 tỉ đồng, từ vốn vay của JBIC (Nhật Bản) và vốn đối ứng từ nguồn ngân sách của TP.HCM. 

M.Vọng - N.Đ.Mười - P.Thanh 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.