Vẫn tranh cãi gay gắt về 'áo dài cách tân'

04/02/2017 09:28 GMT+7

Áo dài nhưng tà ngắn, bỏ quần mặc với chân váy... được gọi chung là 'áo dài cách tân' đang gây tranh cãi gay gắt.

Thanh Niên đã nhận được hàng trăm phản hồi về vấn đề này, xin trích đăng một số ý kiến để bạn đọc tham khảo.
Thanh Hằng trong tà áo dài cách tân mùa tết 2017 Ảnh: Lê Thiện Viễn
Không ủng hộ “áo dài cách tân” nhưng không đồng tình việc chỉ trích nặng nề
Có thể nói áo dài đã đi sâu vào lòng người Việt nhiều thế hệ, được xem là biểu tượng văn hóa dân tộc của người Việt Nam. Cho dù bị ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa từ phương Đông đến phương Tây, chiếc áo dài được cải tiến theo nhiều kiểu lạ và đẹp với nhiều màu sắc khác nhau nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của chiếc áo dài hai tà, chiếc quần dài chấm gót, không thể bị lẫn lộn với kiểu dáng khác. Và việc nhìn chiếc áo dài cách tân phối cùng váy ngắn, với nhiều người, họ không thể chấp nhận.
Bạn đọc Trần Quang Dinh viết: “Có lẽ tôi già chăng, khi nhìn ảnh thiếu nữ Việt mặc áo dài rất nền nã đi kèm với váy?... Mượn ví von có thể hơi khập khiễng chút: bolero cũng vậy, dù ta có phá cách nhưng cái thần, cái hồn của bolero mãi luôn luôn không đổi. Hết sức cân nhắc khi phá cách cái đã trở thành truyền thống”.
Đồng quan điểm là bạn đọc Mai Mai, đồng thời đưa ra dự đoán rằng thời trang này sẽ sớm chết yểu: “Tôi thì thấy áo dài mặc với váy trông chẳng đẹp chút nào. Áo dài truyền thống là mẫu áo dài đẹp nhất, tha thướt, dịu dàng, mà không kém vẻ tôn nghiêm, quý phái, lịch lãm. Các kiểu áo dài khác, dù mới, được ưa chuộng, nhưng tôi nghĩ, nó sẽ sớm chết yểu mà thôi”.
Bạn đọc tên Vân ở Đà Nẵng cũng cho rằng thời trang muốn cách tân cho mới lạ nhưng phải giữ cái hồn của dân tộc, đừng mặc quá xa lạ: “Tại sao người phụ nữ nước ngoài họ thích áo dài Việt Nam và họ mặc theo truyền thống của Việt Nam?”.
Một bạn đọc khác cho rằng: “Đã nói áo dài là phải dài và đi theo nó là quần tương xứng, nhìn phụ nữ mặc áo dài là không thấy gì nhưng mỗi người nhìn thì có thể thấy cái đẹp mà mình thích thì mới gọi là áo dài dân tộc. Vì vậy không nên áo dài mà mặc quần bò là không đẹp. Cách tân không phải là trộn áo này với quần nọ. Đó là sự nghèo nàn ý tưởng, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Bạn đọc Huỳnh Kim Nam ở Thừa Thiên-Huế khẳng định cách tân tiện trong sinh hoạt (áo rộng rãi, không dài lê thê) nhưng cách tân thái quá (mặc với váy ngắn) thì khó coi: “Cách tân tốt, nhưng cần có chọn lọc. Đã gọi là áo dài thì phải đúng kiểu cách là áo dài không thể trộn bậy bạ vô được. Nên mặc áo quần dài theo kiểu người Huế là đẹp nhất, cứ xem áo dài của nữ sinh Đồng Khánh trước năm 75 mặc đi rồi sẽ thấy nét đẹp của áo dài nữ giới đẹp như thế nào. Mong các bà mẹ Việt tương lai đừng làm hỏng áo dài”.
Nói về vấn đề cách tân cho tiện lợi hơn, bạn Lê Nguyên ý kiến: “Không phải người xưa không biết mặc áo dài sẽ vướng víu trong sinh hoạt hằng ngày, vì vậy, ngoài áo dài, tiền nhân còn có "áo bà ba" để dùng hằng ngày. Thiết nghĩ, nếu muốn "cách tân" để thuận tiện cho việc sinh hoạt, đi chơi, các nhà thiết kế nên nghiên cứu cách tân áo bà ba truyền thống thì đúng hơn. Hãy nhìn sang phụ nữ Nhật, họ không dùng Kimono của họ khi đi làm, trong công sở mà toàn mặc theo âu phục, Kimono của họ chỉ mặc trong những dịp đặc biệt quan trọng, lễ tết truyền thống... Người Nhật phát triển vì họ biết tiếp thu cái mới của phương Tây nhưng có những lĩnh vực, họ không bao giờ lạm dụng hai từ "cách tân" một cách quá đà, bừa bãi cả. Có làm Yukata cũng chỉ mỏng hơn chứ không mặc với váy”.
Dù đưa các ý kiến phản bác áo dài cách tân, song hầu hết các quan điểm đều giữ được sự ôn hòa trong cách góp ý, đồng thời bày tỏ thái độ không bằng lòng với những bình luận quá khích, cho rằng "áo dài váy đụp là mắm tôm pha với ca cao" là quá nặng nề.
Diệu Ngọc trong áo dài truyền thống Ảnh: Panda Dương
Ủng hộ “áo dài cách tân”: Cứ sáng tạo để cuộc sống muôn màu
Trong khi đó nhiều bình luận ủng hộ "áo dài cách tân" cũng sôi động không kém với một lực lượng khá tương đồng, với các ý kiến đưa ra chủ yếu là ủng hộ sự sáng tạo của giới trẻ.
Bạn đọc Khoa Nam viết: “Cuộc sống luôn vận hành theo chiều tiến bộ. Cứ sáng tạo để cho cuộc sống muôn màu thêm một chút. Sống hiện đại mà cứ cái gì cũng đem hai chữ "truyền thống" rồi lên án, "hoài cổ" thì xã hội trở lại hồi xưa luôn rồi. Quý vị nào cứ xăm soi, lên án thì khó mà tiến bộ nổi”.
Bạn đọc Phạm Nguyên bổ sung: “Áo dài, các bạn trẻ hãy cứ "phá cách" hay "cách tân" gì gì đó... cho có mùa xuân và đời thêm niềm vui. Cuối cùng tất cả người Việt Nam, sẽ nhìn áo dài truyền thống đẹp đến nao lòng người Việt và cả người nước ngoài. Các bạn "dị ứng" với áo dài "cách tân" hãy yên tâm, áo dài truyền thống Việt Nam là một phần hồn nước Việt, nghìn năm sau vẫn còn và vẫn đẹp”.
Bạn đọc Huỳnh Anh ở Cần Thơ viện dẫn áo dài của ngày hôm nay cũng là sự kết tinh nên cũng đừng quá khắt khe: “Cho tôi một cái định nghĩa cũng như hình mẫu áo dài thuần Việt rồi hãy phán xét. Còn với tôi những chiếc áo kia không phải là áo dài thuần Việt, nên mặc sao là kệ chủ nhân… Cá nhân tôi thấy mặc kiểu đó cũng đẹp đấy chứ, quan trọng là mình thấy đẹp thì mặc thôi”.
Bạn Nguyễn Thu Sáng ở Hải Dương bày tỏ: “Giới trẻ luôn mang tính trẻ trung, phá cách, cởi mở trong trang phục, hãy cứ để họ trải nghiệm, đừng nên nặng nề áp đặt quan niệm của mình lên họ. Nếu phù hợp sẽ tiếp tục tồn tại còn không nó sẽ tự mất đi, trào lưu chỉ thường xuất hiện trong một thời gian, còn những gì tinh túy sẽ tồn tại mãi… Các bạn trẻ hãy luôn tự làm mới với những ý tưởng của tuổi trẻ, kim cổ cùng song hành, thế mới làm nên sự phát triển”.
Trong khi đó, bạn đọc tên Long ở TP.HCM bức xúc: “Thiên hạ mặc thì đó là chuyện thiên hạ, đẹp xấu do thiên hạ chịu. Cớ gì cứ áp một đống "tôi không thích, tôi ngứa mắt, tôi thấy dị hợm" vào đấy. Tại sao người ta cứ phải sống theo cách nghĩ của bạn? Tự do trước tiên phải từ suy nghĩ đã. Có nhà thiết kế nào bảo cái áo dài cách tân này là áo dài truyền thống đâu mà lo”.
Với bạn đọc Nguyễn Đình Nhân thì: “Năm nay bắt đầu từ mùng một Tết bước ra khỏi nhà là tôi lại thấy thấp thoáng áo dài cách tân, phải nói rằng đủ mọi lứa tuổi đều mặc và trong lòng cảm thấy thích thú và được rất nhiều người khen ngợi... Có chăng là tôi thấy một số người phối màu không đẹp mà thôi”.
Mẫu áo dài cách tân được các bạn trẻ ưa thích Ảnh: Ngọc Dương
Sẽ ổn nếu không gọi đó là “áo dài cách tân”
Thích ngắm và cổ vũ các kiểu trang phục mới xuống phố nhưng không đồng tình với việc gọi đó là “áo dài cách tân”, đó cũng là nhiều ý kiến mà bạn đọc gửi về chia sẻ cùng Thanh Niên.
Bạn Vinh Ngô ở Đồng Nai viết: “Theo tôi đừng nên gọi là "áo dài cách tân" mà nên gọi là áo lửng (khỏi cần chữ "cách tân", vì có truyền thống đâu), thế là ổn, khỏi phải tranh cãi”.
Một bạn đọc khác nêu ý kiến: “Tại sao cứ phải gọi áo dài cách tân mà không gọi là váy đầm cách tân (để giống áo dài). Như vậy sẽ không còn ai dị nghị và các nhà thiết kế cứ mặc sức sáng tạo”.
Bạn đọc Minh Minh nói thêm: “Tôi thấy nó không xấu nhưng vì gọi là áo dài nên mọi người nghĩ ngay đến sự thướt tha, dịu dàng là thứ mà cái áo này không có. Nếu đừng gọi nó là áo dài chắc sẽ không ai ý kiến gì”.
Hoa khôi Áo dài 2016 Trương Thị Diệu Ngọc chia sẻ quan điểm cá nhân: "Tôi thấy hiện nay nhiều bạn mặc áo dài cách tân với váy cũng rất đẹp. Tôi cũng không có ý kiến gì quá khắt khe về vấn đề này. Truyền thống là điều đáng quý, đáng lưu giữ. Nhưng theo thời đại phát triển thì chiếc áo dài cũng được cách tân đổi mới cũng là điều dễ hiểu. Vấn đề quan trọng theo tôi nghĩ là chiếc áo dài đó phù hợp với vóc dáng và tuổi tác của người mặc. Áo dài cách tân nhưng cũng đừng quá hở hang, không phù hợp thuần phong mỹ tục là được".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.