Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam - ông Đỗ Ngọc Thịnh cho biết tập thể Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Hội đồng luật sư toàn quốc đề nghị bỏ quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư, vì điều này gây cản trở quyền hành nghề luật sư vốn phổ biến trong thời gian qua. Ông Thịnh cũng dẫn ra thực tế lâu nay quyền bào chữa của luật sư phụ thuộc vào việc cơ quan tố tụng muốn cấp giấy bào chữa cho luật sư hay không và hiếm khi luật sư được cấp giấy bào chữa trong 3 ngày mà phải là 1 - 3 tháng.
“Đề xuất bỏ cấp giấy chứng nhận bào chữa không phải là cho luật sư mà là để bảo đảm quyền của công dân khi tham gia tố tụng”, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam lý giải, đồng thời đề nghị chỉ nên quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, án ma túy hoặc liên quan đến an ninh quốc gia, còn về cơ bản, cần tạo điều kiện cho luật sư tham gia bào chữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân theo quy định của luật pháp.
Liên quan đến nội dung khác vốn có nhiều ý kiến trái chiều khi thảo luận về dự luật này là có nên cho phép giảng viên luật tham gia tố tụng hay không, đại diện ban soạn thảo vẫn đề nghị mở rộng quyền này đối với giảng viên luật để tận dụng chất xám và kinh nghiệm, kiến thức của đội ngũ này trong lĩnh vực tố tụng. Tuy nhiên, kết thúc phiên họp, TVQH đề nghị chốt lại nội dung dự thảo luật theo hướng giáo viên dạy luật, viên chức có thể được phép tư vấn luật chứ không được tham gia tố tụng; đồng thời, giữ nguyên quy định về cấp giấy chứng nhận bào chữa đối với luật sư.
Theo Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, sau khi có nhiều kiến nghị về nội dung này, Chính phủ đã họp với các cơ quan liên quan, tranh luận và cuối cùng đi đến kết luận vẫn cần thiết duy trì việc cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư. Tuy nhiên, để tránh tình trạng luật sư bị gây khó dễ trong việc cấp giấy chứng nhận bào chữa, dự luật cũng đã quy định cụ thể về điều kiện, trách nhiệm cấp giấy chứng nhận bào chữa, trường hợp thế nào mới được từ chối cấp giấy.
Bảo Cầm
Bình luận (0)