Năm 2001, Việt Nam lần đầu tiên trở thành "ông vua" hồ tiêu thế giới khi đạt sản lượng xuất khẩu đến 50.506 tấn, kim ngạch khoảng 90 triệu USD. Từ đó, ngành hồ tiêu cứ đều đặn phát triển và để lại phía sau những "cường quốc" một thời như Indonesia, Ấn Độ hay Brazil. Không chỉ đứng đầu thế giới mà những năm gần đây, xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam tăng trưởng ngoạn mục về kim ngạch, vượt xa so với các nước kế tiếp. Cụ thể, trong khi xuất khẩu tiêu của Việt Nam xấp xỉ 1 tỉ USD thì các nước thứ 2 là Brazil và thứ 3 là Indonesia cộng lại cũng chưa tới 500 triệu USD. Đó là lý do nhiều người tin chắc rằng ngôi vua hồ tiêu của Việt Nam trên thị trường rất khó bị xô đổ trong một vài năm tới.
Cột mốc đáng nhớ thứ 2 là năm 2014, khi ngành sản xuất hồ tiêu thế giới sụt giảm thì Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt và lần đầu tiên vượt mốc 1 tỉ USD. Năm đó, các nguồn cung quan trọng trên thế giới bị mất mùa khiến giá tiêu tăng cao trong khi ở Việt Nam diện tích sản xuất hồ tiêu đạt trên 73.500 ha với sản lượng gần 140.000 tấn. Nhờ đó, Việt Nam xuất khẩu tới 156.396 tấn (bao gồm cả lượng nhập về để tái xuất) và đạt kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỉ USD.
Trong liên tiếp 4 năm từ năm 2014 - 2017, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đều đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD. Nhưng đỉnh điểm là năm 2016 khi kim ngạch đạt con số kỷ lục hơn 1,4 tỉ USD. Thời điểm đó, tại thị trường nội địa giá hạt tiêu đạt mức đỉnh điểm 200.000 đồng/kg. Có thể nói, đó là giai đoạn rực rỡ nhất của ngành hồ tiêu Việt Nam.
Sau thời gian phát triển nóng ở Việt Nam và thế giới cũng hồi phục khiến thị trường rơi vào giai đoạn bão hòa rồi khủng hoảng thừa kéo dài. Từ cột mốc xuất khẩu gần 1,5 tỉ USD với sản lượng chỉ có 177.000 tấn thì đến năm 2020 xuất khẩu đến 288.000 tấn nhưng chỉ thu về 666 triệu USD. Giá hạt tiêu nội địa từ đỉnh điểm 200.000 đồng/kg rớt xuống chỉ còn 35.000 - 40.000 đồng/kg. Nhiều người trồng tiêu chán nản bỏ cây tiêu, chuyển sang những loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế tốt hơn.
Thế nhưng sau chu kỳ giảm, năm 2023 tiêu Việt đã lấy lại phong độ với tổng giá trị xuất khẩu đạt xấp xỉ 1 tỉ USD. Đặc biệt, năm 2023 là một cột mốc khi Việt Nam đã vượt qua các cường quốc xuất khẩu hạt tiêu khác như Trung Quốc, Ấn Độ để dẫn đầu thế giới cũng như dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Hiện Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho Mỹ khi xuất sang nước này chiếm tới 23,5% trong tổng giá trị xuất khẩu tiêu và chiếm 60% sản lượng trên toàn cầu.
Trong những ngày cuối tháng 5 vừa qua, giá hạt tiêu liên tục tăng mạnh, gần 120.000 đồng/kg, cao hơn trung bình nhiều năm gần đây khoảng 50.000 đồng/kg. Giá tiêu trong nước tăng, theo xu hướng của thế giới vì nguồn cung khan hiếm và sự quay trở lại của các nhà nhập khẩu Trung Quốc. Giá hạt tiêu xuất khẩu bình quân cũng liên tục tăng suốt 4 tháng qua, đạt 4.214 USD/tấn, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo năm nay, xuất khẩu tiêu sẽ trở lại câu lạc bộ tỉ USD.
Nhìn lại cả một chặng đường kéo dài hơn 2 thập kỷ, dù sụt giảm hay tăng tốc thì Việt Nam vẫn vững danh hiệu "vua tiêu" khi chiếm thị phần lớn nhất thế giới.
Có nhiều lý do khiến xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tăng tốc trở lại, đặc biệt là ở thị trường Mỹ, trong đó 2 nguyên nhân chính là chất lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của nước nhập khẩu. Thứ hai, giá cả của hạt tiêu Việt Nam cũng tương đối cạnh tranh so với các cường quốc xuất khẩu hạt tiêu khác.
Có một thực tế phải thừa nhận, chất lượng tiêu Việt đã tiến một bước dài, từ nương rẫy tới bàn ăn. Tại H.Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai), từ nhiều năm qua ông Nguyễn Ngọc Luân vẫn trung thành với cây tiêu. Ông Luân kể năm 2014 ông sáng lập và điều hành HTX nông nghiệp Lâm San, chuyên canh cây tiêu theo hướng hữu cơ để đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững với môi trường. Những năm đầu, thị trường thuận lợi nên bà con tham gia rất đông và diện tích liên kết hơn 800 ha tiêu. Tuy nhiên, sau đó tiêu rớt giá, nhiều người không đủ kiên trì đã bỏ bê cây tiêu khiến mấy năm qua diện tích giảm mạnh, nay chỉ còn chưa tới 400 ha. "Tuy nhiên, tôi cũng như những người còn lại thật sự tâm huyết vì chúng tôi nghĩ rằng, cây tiêu là thế mạnh của Việt Nam. Giá cả chỉ là diễn biến nhất thời, khi giá xuống thấp, nhiều người quay lưng, thì đó là lúc nên đi trồng để vài năm sau giá tăng cũng là lúc chúng ta thu hoạch. Đây mới là cách sản xuất theo thị trường. Nếu chỉ hiểu thị trường là giá lên giá xuống thì quá đơn giản và sẽ thất bại", ông Luân chia sẻ.
Theo ông Luân, điều quan trọng là phải cung cấp những sản phẩm đáp ứng yêu cầu về chất lượng của nhà nhập khẩu. Đó là lý do vì sao ông thành lập HTX và sản xuất tiêu theo hướng hữu cơ. Trước đây, cây tiêu bị bệnh chết rất nhiều, do người trồng tiêu lạm dụng hóa chất, khiến việc tái canh gặp nhiều khó khăn. Vì thế, HTX thành lập với mục đích khuyến khích nông dân giảm sử dụng phân, thuốc hóa học, tăng cường các biện pháp sinh học, hữu cơ giúp hạt tiêu đạt được tiêu chuẩn tốt nhất. Đồng thời tạo nên một vùng nguyên liệu sạch đủ lớn để đưa ra thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường khó tính như châu Âu. "Với mức giá hiện tại, trồng tiêu theo cách thông thường người dân đã lãi tốt, có thể yên tâm sản xuất. Đối với tiêu của HTX chúng tôi thì giá thành cao hơn 15 - 20%. Vì thế, bên cạnh việc nỗ lực thay đổi cách thức sản xuất truyền thống từ phía bà con nông dân, nhà nước mà cụ thể là ngành nông nghiệp cũng cần có chính sách cụ thể để ổn định sản xuất theo hướng bền vững cho ngành hàng tỉ USD này", ông Luân kiến nghị.
Tại xã Hòa Hiệp (H.Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), ông Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Thương mại - Du lịch Bầu Mây, chia sẻ: Trước đây tôi cũng thử sức qua nhiều loại cây trồng khác nhau. Nhưng cuối cùng nhận thấy hồ tiêu được mệnh danh là vàng đen, cây tỉ USD nên quyết tâm gắn bó. Thực ra so với Ấn Độ, Indonesia thì Việt Nam thật sự là "vua hồ tiêu" của thế giới nhưng lại phát triển rất bấp bênh. Chính vì vậy tôi tập trung tâm sức vào phát triển cây này theo một hướng khác biệt. Đó là trồng tiêu theo chuẩn hữu cơ và GlobalGAP và được cấp chứng nhận vào cuối năm 2017.
Bên cạnh vùng nguyên liệu chất lượng cao, Bầu Mây còn phát triển sản phẩm cho từng đối tượng cụ thể và ra mắt bộ sản phẩm tiêu 6 cấp độ cay, như tiêu sữa dành cho đối tượng trẻ em và những người thích ăn tiêu nhưng không ăn được cay, tiêu tươi, tiêu chanh muối, tiêu một nắng, tiêu không hạt, tiêu sấy giòn… Mỗi loại tiêu có công dụng và tác dụng khác nhau phục vụ cho một nhóm đối tượng khách hàng cũng như một số món ăn. Ví dụ như tiêu chanh muối sẽ dành cho các món ăn như thịt gà, hải sản; còn tiêu sấy giòn có độ cay cao nhất sẽ phù hợp với món nướng. "Tôi muốn sản phẩm của mình phải thật sự khác biệt và đáp ứng tốt nhất nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Hiện tại, sản phẩm đã xuất khẩu đến nhiều thị trường cao cấp như: Nhật Bản, Singapore, Úc… với mức giá rất khác biệt. Tiêu không chỉ là loại cây gia vị mà còn có tác dụng làm dược liệu và cả mỹ phẩm. Chính vì vậy, nếu biết cách đầu tư nghiên cứu, phát triển, giá trị mang về của nó sẽ rất lớn và đa dạng", ông Nhâm tâm huyết.
Trong số những sản phẩm tiêu nổi bật trên thị trường gần đây cũng phải kể đến mặt hàng tiêu sấy lạnh của Phúc Sinh, một trong những đơn vị xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất Việt Nam. Cuối năm 2019, khi ngành hồ tiêu Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong cơn khủng hoảng thừa thì Công ty cổ phần Phúc Sinh (Phúc Sinh Group) chính thức tung ra sản phẩm tiêu sấy lạnh tại thị trường Việt Nam. Nói về nguyên cớ ra đời sản phẩm này, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group, kể trong quá trình xuất khẩu, ông nhận thấy ngành công nghiệp gia vị Việt Nam còn để trống các phân khúc sản phẩm chế biến từ hồ tiêu. Vì vậy công ty đã đầu tư 50 tỉ đồng cho nghiên cứu khoa học và kết quả cho ra đời sản phẩm tiêu sấy lạnh. Đây là công nghệ mới lần đầu tiên do Phúc Sinh cung cấp trên thị trường thế giới lẫn Việt Nam. Theo đó, những hạt tiêu xanh ngon nhất được lựa chọn thu hoạch, bảo quản theo quy trình chặt chẽ và chế biến sâu ngay tại nhà máy.
Vinh quang lắm nhưng ngành tiêu cũng không thiếu những giai đoạn khó khăn. Điển hình như sau năm 2017 hoàng kim, thị trường trong nước rơi vào cuộc khủng hoảng thừa, hạt tiêu của Việt Nam cũng liên tục bị thế giới đặc biệt là các thị trường cao cấp như: EU, Nhật Bản Mỹ… cảnh báo về chất lượng.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), nhìn nhận những năm qua thị trường hạt tiêu thế giới bị khủng hoảng thừa khiến giá giảm mạnh. Tại Việt Nam, có thời điểm giá tiêu chỉ còn 35.000 - 40.000 đồng/kg khiến người nông dân không còn động lực sản xuất và duy trì nên đã chuyển sang những loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, nhiều nhất là sầu riêng. Diện tích trồng tiêu theo đó cũng giảm mạnh. Nếu năm 2020 còn trên 130.000 ha thì đến cuối năm 2023 chỉ còn khoảng 120.000 ha. Bên cạnh đó, nắng nóng gay gắt kéo dài do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino cũng ảnh hưởng đến năng suất. Những yếu tố đó khiến sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm nay giảm đáng kể. Trên thế giới thì lượng hàng tồn kho của các nước giảm. Đó là những lý do khiến giá hạt tiêu tăng trở lại. "Do diện tích trồng tiêu sụt giảm mạnh và hiệu quả kinh tế không bằng những loại cây khác nên nguồn cung hạt tiêu vẫn tiếp tục hạn chế trong khoảng 3 năm tới", bà Liên dự báo.
Để tồn tại và phát triển, ngành hồ tiêu bắt buộc phải bắt tay vào công cuộc chuyển đổi theo hướng bền vững và an toàn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu mới của khách hàng thế giới. Chương trình Nhóm đối tác công tư về phát triển bền vững hồ tiêu Việt Nam giữa Cục Bảo vệ thực vật, Cục Lâm nghiệp, VPSA, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững tại Việt Nam (IDH) đã đề ra những mục tiêu cụ thể cho chiến lược này. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, sẽ hướng dẫn cho người nông dân sản xuất hồ tiêu theo các tiêu chuẩn về bền vững với môi trường và tự nhiên. Cụ thể, đến năm 2025 có 70% hồ tiêu xuất khẩu đạt yêu cầu về dư lượng của nước nhập khẩu; 25.000 nông dân trồng tiêu được tập huấn, đào tạo về bảo vệ thực vật; 75.000 tấn hồ tiêu đạt yêu cầu về sản xuất bền vững và 25% nông dân sản xuất hồ tiêu tăng thêm 20% thu nhập. Thế nhưng đến cuối năm 2023 Việt Nam đã có đến 120.000 tấn hạt tiêu sản xuất đạt tiêu chuẩn bền vững, vượt 60% so với chỉ tiêu đề ra trước thời hạn 2 năm. Bên cạnh đó, có 8.000 nông dân đã được đào tạo và cung cấp dịch vụ nông nghiệp; thu nhập của nông dân trồng tiêu tăng thêm 10%. Ngoài ra, ngành hồ tiêu Việt Nam còn giảm 15% lượng nước sử dụng, qua đó giúp giảm phát thải khí nhà kính.
Với sự tích cực chuyển đổi trên, ngành hồ tiêu Việt Nam đang tích cực đáp ứng tốt hơn các nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng toàn cầu và ngôi "vua hồ tiêu" thế giới vẫn vững như bàn thạch.
Bình luận (0)