Vàng tăng điên loạn, nhiều kỉ lục bị phá

25/02/2020 07:34 GMT+7

Ngày 24.2 ghi nhận phiên giao dịch lịch sử của vàng khi đã tăng phi mã từ mức 46 triệu đồng/lượng lên sát 50 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 8%.

Thị trường đã trải qua những thời khắc biến động đầy “kịch tính” khi giá liên tục phá vỡ kỷ lục cách đây 9 năm mới lập trước đó chưa đến một ngày.

Tăng hơn 3 triệu/lượng/ngày

Vàng tăng mạnh do dịch bệnh thì có thể sẽ giảm mạnh nếu dịch được kiểm soát, lúc này kim loại quý sẽ quay đầu. Đợt sóng tăng giá lần này chỉ dành cho những tay chơi vàng chuyên nghiệp, người dân nên cảnh giác để không rơi vào tình cảnh người mua cuối cùng, ôm giá cao.   

Ông Trần Thanh Hải

Tại thị trường miền Bắc, đầu giờ sáng 24.2, giá vàng của Công ty vàng SJC Hà Nội được niêm yết giao dịch ở mức 46,3 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,82 triệu đồng/lượng (bán ra), chênh lệch 520.000 đồng/lượng. Cùng thời điểm, Tập đoàn vàng bạc Phú Quý niêm yết giá 45,9 triệu đồng (mua vào) và 46,5 triệu đồng (bán ra). Đến chiều cùng ngày, các công ty vàng đua nhau đẩy giá lên đỉnh điểm. Tập đoàn vàng bạc Phú Quý niêm yết giá 48 triệu/lượng (mua vào) và bán ra 49,7 triệu đồng/lượng. Có thời điểm giá vàng lên 50 triệu đồng/lượng. Trước giờ đóng cửa buổi chiều, Tập đoàn Doji niêm yết mức 47,7 triệu/lượng (mua vào) và 49,2 triệu/lượng (bán ra).
Đà tăng mạnh mẽ của vàng khiến giao dịch tại các cửa hàng vàng của Hà Nội diễn ra khá sôi động. Tuy nhiên, đa phần nhà đầu tư đều bán chốt lãi hơn là mua vào, do lo ngại rủi ro.
Trong khi đó, tại TP.HCM, nơi thị trường vàng luôn diễn ra sôi động, cũng trở nên kịch tính vào hôm qua. Đầu giờ chiều 24.2, tại trụ sở Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM) khá đông người tới mua vàng khi giá tăng liên tục. Cầm phiếu có số thứ tự 1.170, ông L.H.L (Q.3) sốt ruột nói với người phụ nữ đi cùng: “Chưa đầy 10 phút mà giá đã tăng 300.000 đồng/lượng, không biết đến lượt mình giá sẽ nhảy lên đến bao nhiêu”.
Trên bảng điện lúc đó, giá vàng miếng SJC đang nhảy từ mức giá 47,6 triệu đồng/lượng sang 47,7 triệu đồng/lượng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Những khách hàng có mặt ở đây đều trong tâm trạng như vậy, sợ mua không kịp, vàng lại nhảy giá.
Chỉ tính riêng chiều 24.2, giá vàng miếng SJC đã tăng 2,95 triệu đồng/lượng so với giá cuối tuần qua, Công ty SJC mua vào 47,8 triệu đồng/lượng, bán ra 49 - 49,02 triệu đồng/lượng. Các đơn vị kinh doanh vàng liên tục thay đổi giá trong ngày, cứ khoảng 5 - 10 phút đổi một lần theo chiều hướng tăng. Eximbank thay đổi giá vàng hơn 30 lần trong ngày, giá mua lên 47,7 triệu đồng/lượng, bán ra 49,7 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao kỷ lục của vàng miếng SJC từ trước đến nay, phá vỡ mức đỉnh lập hồi năm 2011. Đến chiều, Eximbank giảm giá bán xuống 49,3 triệu đồng/lượng, tăng giá mua lên 48 triệu đồng/lượng.

Có hiện tượng găm hàng đẩy giá

Kim loại quý trong nước đã có mức giá tăng mạnh, 8% mỗi lượng chỉ trong ngày trong khi vàng thế giới chỉ tăng 40 USD/ounce (tương đương 1,12 triệu đồng/lượng), lên 1.685 USD/ounce. Đặc biệt, sáng 24.2, giá vàng thế giới gần như đứng yên sau khi tăng lên 1.662 USD/ounce thì giá trong nước vẫn tăng mạnh vượt qua 47 triệu đồng/lượng. Đến đầu giờ chiều, vàng SJC tăng mạnh vượt các mức 48, 49 và lên sát 50 triệu đồng/lượng khi giá thế giới tăng cao.
Đại diện Công ty SJC cho biết người mua vàng miếng trong ngày 24.2 tăng mạnh hơn nhiều so với trước đó, trong khi không ai bán là nguyên nhân đẩy giá vàng tăng đột biến. Đặc biệt, người mua vài lượng đến vài chục lượng khá nhiều khiến số lượng vàng miếng bán ra trong ngày 24.2 còn cao hơn cả ngày Thần tài hồi đầu tháng 2.
Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB) nhận xét thị trường vàng trong ngày 24.2 có hiện tượng găm hàng đẩy giá cao hơn. Chỉ chưa đầy 2 tháng, giá vàng thế giới tăng hơn 11,2%, trong khi giá vàng trong nước “nhanh nhảu” tăng nhanh hơn lên 14,6%. Mọi người đều biết giá vàng tăng do tính bất định của dịch bệnh Covid-19 gây ra thế nhưng thị trường vàng trong nước có những dấu hiệu bất thường.
“Giá vàng SJC đang cao hơn thế giới gần 2 triệu đồng, giá mua và bán vàng miếng SJC chênh lệch từ 1 - 2 triệu đồng/lượng trong phiên hôm qua là điều rất ít xảy ra những năm gần đây. Tất nhiên nhu cầu mua vàng tăng cao khi thị trường chứng khoán trong và ngoài nước đỏ rực, các đơn vị cho rằng nguồn cung không có đẩy giá vàng tăng. Nhưng nhìn vào giá mua của các đơn vị kinh doanh ở mức cao hơn cả giá thế giới khoảng 600.000 đồng/lượng cho thấy các đơn vị vẫn muốn mua gom vàng”, ông Hải nói thẳng và lưu ý giá vàng đợt này tăng phá đỉnh đã lập vào năm 2011, nhưng kịch bản lần này hoàn toàn khác.
Cụ thể, năm 2011, Nghị định 24 quản lý thị trường vàng chưa có, thị trường rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung, chênh lệch giá tăng cao, ngay tức thì có một lượng vàng vay mượn trên thị trường bán ra can thiệp kéo giá giảm nhanh. Còn hiện nay Nghị định 24 quản lý thị trường vàng ra đời, vàng do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Trong bối cảnh cung vàng khan hiếm, Ngân hàng Nhà nước nên có những động thái can thiệp thị trường. Nếu để mức chênh lệch giá trong và ngoài nước quá cao sẽ ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối, ở đây cụ thể là giá USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.