Giá vàng tại các doanh nghiệp, ngân hàng kinh doanh vàng miếng thay đổi chóng mặt. Chỉ trong một buổi sáng, Eximbank đã đổi giá vàng hơn 70 lần trong tổng cộng 100 lần đổi giá trong ngày.
Cơn hỗn loạn giá vàng dịu lại trong đầu giờ chiều 4.7 còn 36,4 - 36,6 triệu đồng/lượng nhưng sau đó bùng phát tăng mạnh từ lên 36,45 - 37 triệu đồng/lượng vào cuối ngày. Đối với vàng miếng loại nhỏ 1 chỉ, 2 chỉ... giá được đẩy lên 36,4 - 37,04 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng gần 1,2 triệu đồng/lượng so với giá cuối tuần qua và tăng tổng cộng 3,6 triệu đồng/lượng trong 1 tháng, tương đương 10,7%.
Doanh nghiệp vàng đẩy giá
Giới kinh doanh vàng trong nước không khỏi bàng hoàng trước mức giá này. Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty kinh doanh nữ trang New Partners Jewelry, nhận xét sự tăng một cách thái quá của vàng trong ngày 4.7 trở nên khó hiểu, bất thường khi lực mua không quá lớn, người dân không xếp hàng đông như trước đây. Giá vàng thế giới hôm qua cũng chỉ tăng trong biên độ từ 1 - 8 USD/ounce trong ngày, giá cuối ngày lên 1.350 USD/ounce (tăng 6 USD/ounce so với giá cuối tuần qua) nên đây không phải là lý do kéo giá vàng SJC tăng nhanh như vậy.
|
|
Bà Trần Như My - Giám đốc kinh doanh vàng Tập đoàn đá quý Doji - cho biết: “Các đơn vị kinh doanh vàng phía nam tăng giá từ đầu ngày kéo theo các đơn vị khác cũng phải tăng giá theo. Nhu cầu trên thị trường hiện nay có tăng so với lúc trước nhưng không đến mức quá đột biến để vàng tăng nhanh như vậy.
Lý giải tại sao vàng tăng mạnh, ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư và kinh doanh vàng VN (VGB) - phân tích: 2 năm nay, nguồn cung vàng từ Ngân hàng Nhà nước không còn nữa. Thị trường tự điều tiết nên chỉ cần xuất hiện một nhu cầu nhỏ cũng đủ làm giá tăng lên. Gần đây, quy định siết về tỷ lệ ký quỹ trên thị trường chứng khoán làm cho nhà đầu tư chuyển dòng tiền sang vàng khi dự đoán xu hướng tăng giá. Nên dù nhu cầu không nhiều nhưng cung không có thì chỉ cần lực cầu nhỏ cũng đủ làm giá tăng. Khi thấy giá vàng liên tục tăng trong 2 tuần trở lại đây, tâm lý mọi người muốn sớm tham gia thị trường này.
Trong ngắn hạn, ông Trần Thanh Hải cho rằng giá vàng sẽ còn tăng nhưng lập mức 40 triệu đồng/lượng hay 60 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá USD ổn định là điều khó có thể xảy ra. Bà Trần Như My cho rằng, giá vàng biến động bất thường như hiện nay nên việc nắm giữ vàng ở mức giá cao cần thận trọng. Từ sau vụ Brexit, giá vàng thế giới đang dần ổn định sau khi tăng 27%, giá vàng trong nước tăng 12%.
Rủi ro lướt sóng vàng
Theo TS Lê Đạt Chí, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, vào ngày 13.6, trước thời điểm Fed họp để xem xét có tăng lãi suất đồng USD hay không, giá vàng thế giới đã tăng lên mức hơn 1.280 USD/ounce thì giá vàng trong nước cũng tăng lên mức 34,2 triệu đồng/lượng. Nay giá vàng thế giới tăng lên 1.350 USD/ounce thì giá vàng trong nước lên tới 37 triệu đồng/lượng.
Như vậy, giá vàng thế giới tăng thêm khoảng 70 USD/ounce thì giá vàng trong nước tăng gần 3 triệu đồng/lượng. Việc giá vàng trong nước tăng nhanh hơn giá thế giới cho thấy có hiện tượng đầu cơ mạnh. Điều này cũng sẽ tác động gây áp lực lên tỷ giá ngoại tệ trong ngắn hạn. “Cũng như các thị trường khác, vàng có biến động mạnh sẽ thu hút được dòng tiền đầu cơ tham gia. Nhưng giả sử đặt câu hỏi, mua vào lúc này xong thì sẽ ra sao? Dù có đưa ra dự báo thì cũng không ai chắc chắn được giá vàng sẽ tiếp tục tăng. Đó là chưa kể nếu việc giá vàng trong nước tăng giảm ngược chiều thế giới hoặc có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước khiến giá vàng giảm mạnh thì không ai có thể dự báo trước được”, TS Lê Đạt Chí nói.
Nhận định rằng giá vàng thế giới có thể còn tăng nhưng chuyên gia về vàng Phan Dũng Khánh cho biết tốc độ tăng sẽ không còn mạnh nữa. Khi tham gia mua vàng ở thời điểm hiện tại, người mua sẽ gặp nhiều rủi ro khi các ẩn số về giá vàng vẫn luôn hiện hữu. Đặc biệt chính sách quản lý của nhà nước không khuyến khích người dân tích lũy hay kinh doanh vàng sẽ làm gia tăng rủi ro khi kinh doanh sản phẩm này. Khi thị trường biến động mạnh, các công ty đã kéo giãn khoảng cách chênh lệch giữa giá mua và giá bán lên đến 550.000 đồng/lượng khiến lợi nhuận của người mua teo tóp. Trong trường hợp giá vàng giảm nhanh thì mức chênh lệch đó lại làm mức lỗ của người mua bị gia tăng.
Ông Phan Dũng Khánh cho rằng mọi dự báo vẫn chỉ để tham khảo. Đơn cử như trong giai đoạn từ 2008 - 2012 khi giá vàng liên tục tăng nhưng nhiều dự báo còn cho rằng giá vàng thậm chí có thể lên mức 5.000 USD/ounce. Khi đó, giá vàng trong nước tăng lên gần 50 triệu đồng/lượng và có nhiều dự báo cho rằng giá vàng có thể tăng lên gấp đôi. Nhưng giá vàng thế giới chỉ lập đỉnh ở mức 1.921 USD/ounce vào tháng 9.2011 và sau đó giảm không phanh, kéo theo giá vàng trong nước cũng đi xuống đã khiến nhiều người thua lỗ nặng nề. Vì vậy, không thể đổ hết tài sản theo các dự báo về giá cả hàng hóa mà nó còn phụ thuộc vào nhiều biến động bao gồm tình hình kinh tế chính trị xã hội của nhiều nước.
Tâm lý tìm kiếm lợi nhuận từ cơn “sóng” vàng
Ngay khi giá vàng tăng lên hơn 34 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 6 vừa qua, chị Hoa (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) đã nhấp nhổm đứng ngồi không yên nhưng chưa dám mua vào. Đến sáng qua, khi giá vàng trong nước lại vọt lên mức gần 36 triệu đồng/lượng thì chị không thể cầm lòng, vội rút tiền tiết kiệm mua vào bởi “nghe dự báo giá vàng sẽ còn lên mạnh nữa”. Tâm lý tìm kiếm lợi nhuận cao từ cơn “sóng” vàng hiện nay đang lớn dần trong các nhà đầu tư cá nhân. Hiện có cả các dự báo "ngông cuồng" rằng giá vàng sẽ vượt ngưỡng 40 triệu đồng/lượng, thậm chí 60 triệu/lượng.
|
Bình luận (0)