"Thị trường vàng như bong bóng, bóp chỗ này sẽ lồi chỗ khác"
Hơn 1 tháng qua, giá vàng miếng SJC đứng yên, trong khi giá vàng nhẫn liên tục biến động theo giá vàng thế giới. Chênh lệch giữa giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC thu hẹp khá nhiều so với thời điểm trước khi Ngân hàng Nhà nước triển khai bán vàng bình ổn từ ngày 3.6.
Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia vàng Trần Duy Phương phân tích, những ngày gần đây, giá vàng nhẫn tăng do tác động từ giá vàng thế giới tăng mạnh. Vàng miếng SJC đang trong diện bình ổn của Ngân hàng Nhà nước nên khó tăng, giảm theo giá vàng thế giới.
"Vàng nhẫn tăng giá là bình thường. Trong bối cảnh mua vàng SJC khá khó khăn và cũng khó có lời, mua vàng nhẫn vẫn là lựa chọn tốt nhất. Tỷ suất sinh lời của vàng nhẫn cao hơn vàng SJC, biên độ giá mua bán của vàng nhẫn cũng thấp hơn giá của vàng SJC", ông Phương nói.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng, việc giá vàng nhẫn đuổi sát giá vàng miếng SJC có phần bất thường. Vị này phân tích, vàng nhẫn không có tính thanh khoản cao như vàng miếng, do đó giá vàng nhẫn thường chênh lệch nhiều so với giá vàng miếng.
Biến động vàng ngày 10.7: Chỉ còn giá vàng nhẫn tăng/giảm
Ví von hiện nay "thị trường vàng giống như quả bong bóng, bóp chỗ này sẽ lồi sang chỗ khác", theo ông Hiếu, ở thời điểm hiện tại, vàng miếng rất khó mua, người dân không mua được vàng miếng nên đã chuyển sang mua vàng nhẫn.
Nếu Ngân hàng Nhà nước không đáp ứng nhu cầu của người dân về vàng miếng, họ sẽ chuyển sang mua vàng nhẫn để tích trữ. Đây là một trong những lý do khiến giá vàng nhẫn tăng như những ngày gần đây và sẽ tiếp tục tăng nếu không có sự quản lý.
Giá vàng nhẫn có thể lên 79 - 80 triệu đồng/lượng?
Về diễn biến giá vàng thời gian tới, ông Phương dự báo, giá vàng thế giới đến cuối năm nay có khả năng tăng mạnh lên 2.500 USD/ounce do tác động từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ và các quốc gia thuộc nhóm G7 cắt giảm lãi suất, cũng như tình hình căng thẳng địa chính trị.
Việc giá vàng thế giới tăng mạnh sẽ tác động lên giá vàng SJC và vàng nhẫn 4 số 9. Mức tăng giá của vàng nhẫn sẽ nhiều hơn vàng SJC, có khả năng lên 79 - 80 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng SJC có khả năng cũng tăng lên 81 - 82 triệu đồng/lượng.
"Giải pháp bình ổn thị trường vàng đã rất thành công khi chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá vàng thế giới giảm đáng kể, từ khoảng 18 triệu đồng/lượng xuống còn 3 - 4 triệu đồng/lượng như hiện nay. Động thái của Ngân hàng Nhà nước tạo tâm lý giữ vàng không sinh lợi, không có sóng.
Khả năng cao, khi giá vàng SJC "chợ đen" co hẹp lại so với giá vàng SJC chính thống, việc bình ổn của Ngân hàng Nhà nước xem như thành công. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước có thể trả lại thị trường vàng SJC cho thị trường quyết định. Lúc này, Ngân hàng Nhà nước sẽ làm vai trò giám sát, can thiệp kịp thời khi có biến động bất thường", ông Phương nói.
Nhìn nhận từ góc độ đầu tư, ông Hiếu cho rằng, hiện tại đầu tư vào vàng có tính rủi ro. Mức độ rủi ro với nhà đầu tư như thế nào phụ thuộc vào sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, chủ yếu nhìn nhận ở 2 yếu tố giá và nguồn cung.
Nhờ giải pháp bình ổn của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng SJC đã giảm từ 92 triệu đồng/lượng xuống gần 77 triệu đồng/lượng như hiện nay. Tuy nhiên, bình ổn cần thêm điều kiện đủ là nguồn cung phải dồi dào.
Chính nguồn cung vàng SJC hạn chế đã đẩy nhu cầu vàng nhẫn lên cao, từ đó đẩy giá lên. "Nếu giá vàng nhẫn tiếp tục lên cao, vàng nhẫn cũng có thể sẽ được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước quan tâm, đưa vào quản lý như vàng miếng chứ không để bán tự do như hiện nay. Người mua vàng nhẫn cần cân nhắc cẩn thận", ông Hiếu bày tỏ quan điểm.
Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng T.Ư toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới, đánh giá: các chính sách quản lý và điều tiết thị trường vàng tại Việt Nam có những đặc điểm riêng.
Các nhà hoạch định chính sách tại Việt Nam đang đưa ra nhiều chỉ đạo để giảm mức chênh lệch giá vàng nhằm giữ giá vàng trong nước phù hợp với giá vàng thế giới, cũng như ổn định thị trường vàng trong nước.
Bất kỳ chính sách nào được sửa đổi giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu vàng vào Việt Nam nhằm tăng nguồn cung và giúp thu hẹp chênh lệch giá đều được hoan nghênh.
"Chính phủ Việt Nam nên xem xét cho phép nhập khẩu vàng nhiều hơn như một giải pháp khả thi để tăng nguồn cung nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và ổn định thị trường vàng", ông Shaokai Fan nhấn mạnh.
Sáng nay 10.7, giá vàng nhẫn 4 số 9 tăng nhẹ 50.000 đồng mỗi lượng. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) mua vào 74,5 triệu đồng/lượng, bán ra 76,05 triệu đồng/lượng. Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) mua vào 74,3 triệu đồng/lượng, bán ra 75,9 triệu đồng/lượng…
Giá vàng nhẫn đang thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 1 triệu đồng/lượng. Giá mua vào vàng miếng SJC ở mức 74,98 triệu đồng/lượng, bán ra 76,98 triệu đồng/lượng.
Hơn 1 tháng nay, giá vàng miếng SJC không thay đổi và đắt hơn giá vàng thế giới 4,3 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn đắt hơn giá vàng thế giới khoảng 3,3 triệu đồng/lượng.
Bình luận (0)