Vàng SJC bị “đơ”
Giá vàng miếng SJC trong ngày 9.4 biến động theo hướng tăng vào đầu ngày và trượt giảm dần cuối ngày từ 70.000 - 100.000 đồng/lượng. Eximbank mua vàng miếng SJC với giá 54,9 triệu đồng/lượng và bán ra 55,15 triệu đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC giữ giá mua ở mức 54,85 triệu đồng/lượng và bán ra 55,25 - 55,27 triệu đồng/lượng. Riêng vàng nhẫn, nữ trang có cùng chất lượng vàng miếng SJC là 4 số 9 lại có mức 51,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và mua vào 50,8 triệu đồng/lượng.
Mua vàng nhẫn, nữ trang cũng không thoát rủi ro giáViệc giá vàng nhẫn, nữ trang 4 số 9 thấp hơn vàng miếng 4 triệu đồng/lượng và cao hơn thế giới 2,6 triệu đồng/lượng, theo chuyên gia Phan Dũng Khánh, người tiêu dùng thấy giá thấp mà mua vàng nhẫn, nữ trang thì cũng chưa chắc không chịu rủi ro về biến động giá. Thường vàng nhẫn, nữ trang biến động theo giá quốc tế nên nhiều khi còn chịu nhiều rủi ro hơn.
|
Giá vàng SJC biến động chậm hơn thế giới và giữ khoảng cách cao hơn 6,5 triệu đồng/lượng. Còn vàng nhẫn và nữ trang 4 số 9 cao hơn thế giới 2,65 triệu đồng/lượng. Trái với cảnh chợ chiều trong nước, giá vàng trên thị trường quốc tế sôi động tăng tới 1% vào đầu ngày 9.4 khi lên 1.756 USD/ounce. Tuy nhiên, kim loại quý đã không giữ được mức cao và lao dốc mạnh vào buổi chiều (khi thị trường vàng châu Âu mở cửa), bay mất 10 USD/ounce, xuống còn 1.744 USD/ounce, tương đương khoảng 0,44%.
Việc tăng giá này của vàng, theo chuyên gia Phan Dũng Khánh (thỉnh giảng tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) chỉ là tạm thời. Khả năng vàng sẽ giảm chạm mức đáy cách đây 2 tuần là 1.684 USD/ounce. Sự lo ngại lạm phát gia tăng trên thị trường chưa thể xuất hiện vào thời điểm hiện nay khi mới đây Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Power cho rằng sẽ tiếp tục duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Vàng có thể sẽ tăng lại mức 2.000 USD/ounce khi thị trường chứng khoán và bất động sản giảm.
Dự báo giá vàng đang trở nên khó hơn khi các tổ chức nước ngoài đưa ra các mức tăng giảm trái chiều. Tập đoàn quản lý tài sản của Mỹ CPM Group dự đoán vàng có thể tăng trở lại mức 1.995 USD/ounce trong năm nay. Thế nhưng Fitch Ratings lại đưa ra đánh giá tích cực cho kim loại quý trong ngắn hạn, và nâng dự báo giá vàng năm 2021 từ 1.400 USD/ounce lên 1.600 USD/ounce.
Ai được lợi khi giá trong nước cao hơn thế giới ?
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, cho rằng từ trước đến nay, vàng chịu nhiều ảnh hưởng từ USD. Gần đây, tác động từ lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ gia tăng kéo theo đồng bạc xanh tăng giá. Thế nhưng những nguyên nhân đẩy giá vàng tăng cao vẫn còn hiện hữu. Cụ thể, dịch Covid-19 hiện nay đã có vắc xin phòng ngừa nhưng sẽ mất khá nhiều thời gian để chích ngừa, có thể kéo qua năm 2022. Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra 2 gói hỗ trợ kinh tế khủng, về lâu dài sẽ tạo ra lạm phát, và khi lạm phát xuất hiện thì vàng được hỗ trợ tăng giá. Đó là chưa kể những yếu tố chính trị bất ổn gần đây, như quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trước ý kiến cho rằng kỳ vọng giá vàng sẽ còn gia tăng vào cuối năm nên vàng SJC luôn duy trì cao hơn giá thế giới 6,5 - 7 triệu đồng/lượng để ngăn sức mua trên thị trường, ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng các đơn vị kinh doanh vàng chẳng được lợi gì khi để giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới, thực ra họ mua cao thì bán cao. Diễn biến giá vàng là xuống chậm mà lên nhanh. Theo ông Khánh, cần có giải pháp để giải quyết vấn đề này chứ không sẽ ảnh hưởng lên thị trường ngoại tệ. Điều quan trọng hơn ở đây là người tiêu dùng không được lợi gì ở mức giá cao này nếu phải bỏ tiền ra mua. Trong khi đó, ở các nước xung quanh, người dân tìm đến vàng như một kênh phòng thủ. Tình trạng giá vàng trong nước cao hơn thế giới chỉ có lợi cho những người nhập lậu vàng.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2020, trị giá xuất khẩu đá quý, kim loại quý và sản phẩm đạt với 2,67 tỉ USD, tăng mạnh 28,7% so với năm trước. Trong đó xuất sang Hồng Kông khá mạnh là 2,1 tỉ USD, trong khi con số của cùng kỳ năm trước chỉ là 50 triệu USD; xuất sang Thụy Sĩ là 103 triệu USD, giảm mạnh so với con số 1,4 tỉ USD của năm ngoái. Năm 2020, Campuchia xuất khẩu thu về nguồn ngoại tệ 2 tỉ USD, Thái Lan cũng xuất khẩu vàng khá nhiều. Ông Huỳnh Trung Khánh cho biết, hiệp hội cũng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các đơn vị sản xuất kinh doanh vàng nhập khẩu vàng nguyên liệu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như rút gọn mức chênh lệch giá quá lớn hiện nay.
Bình luận (0)