Vào buổi sáng, ngày Điền ra đi

01/07/2009 00:08 GMT+7

Sáng sớm ngày 30.6.2009, tôi nhận được 3 tin nhắn của đạo diễn Đinh Anh Dũng, Trịnh Vĩnh Trinh và tin nhắn sớm nhất đến vào lúc 4:38:19 từ số máy của Huỳnh Phúc Điền thường sử dụng. Tôi đoán là tin nhắn của Hải Anh, vợ Phúc Điền. Cả 3 tin dữ đều cùng một nội dung: Huỳnh Phúc Điền qua đời vào lúc 3 giờ sáng. Nghe đọc bài

Đối với những người có quan hệ mật thiết với Điền như chúng tôi, tin này không bất ngờ nhưng cũng làm cho tôi sửng sốt và đau đớn.

Không bất ngờ vì chúng tôi biết bệnh tình của Điền từ rất lâu, từ Duyên Dáng Việt Nam (DDVN)  19 với chủ đề Phố tại Nhà hát Hòa Bình. Buổi họp đầu tiên đó với chúng tôi ở Báo Thanh Niên, Điền đã báo cho chúng tôi biết mình đã mắc căn bệnh ung thư gan được phát hiện bởi các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tôi lạ lùng là khi nghe tin này, những người xung quanh thì sửng sốt mà Điền vẫn làm việc chăm chỉ như không có chuyện gì xảy ra. Tôi phát hiện ra ở người đạo diễn trẻ tài hoa một ý chí sống mãnh liệt. Trong khi chúng tôi lo lắng cho Điền thì anh lại tỏ ra vững vàng và bình tĩnh.

Cái chủ đề Phố đi từ cổ xưa đến chiến tranh hòa bình  do anh đạo điễn đã làm cho người xem chiêm nghiệm ngất ngây ở cả chiều sâu của kịch bản lẫn sân khấu. Anh Trung Dung, một Việt kiều Mỹ, người trí thức nổi tiếng về phần mềm ở San Jose nói với tôi rằng: “Tôi chưa xem được một chương trình nghệ thuật nào của Việt Nam có một dẫn dắt sâu lắng và hay đến như vậy!”.

Tôi nhớ lại, từ DDVN lần thứ 8, anh Lê Nhược Thủy giới thiệu Điền với tôi: “Tay này có thể sẽ là đạo diễn hay cho DDVN đây!”. Tôi biết lúc đó, Điền làm đạo diễn chủ yếu cho các video clip.

Dáng người thấp nhỏ, anh trao đổi với tôi có khi chậm rãi có khi sôi nổi tùy theo cảm hứng mà anh có được trong đầu.

Rồi DDVN 13 ở Lan Anh. Lần đầu tiên sân khấu nước với những kỹ thuật kỹ xảo sân khấu đã làm khán giả Việt Nam bất ngờ. Tôi nhớ đó là lần đầu tiên ca sĩ - nhạc sĩ Đức Huy và Trịnh Nam Sơn về hát ở Việt Nam qua DDVN. Khi tôi sang Mỹ, chị Hoa - bạn của anh Hoàng Kiều - xem DDVN 13 qua DVD đã nói rằng: “Tôi tưởng đó là một sân khấu ở một nước nào tân tiến lắm, chứ không phải ở Việt Nam”. Tôi cười và nói với chị: “Việt Nam bây giờ có nhiều chuyện mới lạ lắm!”. Người đạo diễn chương trình đó rất trẻ, trên dưới 30 tuổi và được đào tạo từ nghề diễn viên ở trong nước.

Tôi nhớ lại DDVN ở Úc có sự cộng tác tổ chức tích cực của Vietnam Airlines, chúng tôi và Huỳnh Phúc Điền cộng sự với nhau rất tâm đắc. Nên nhớ rằng khi ra nước ngoài, những người tổ chức và thực hiện chương trình gặp khó khăn gấp trăm lần việc tổ chức trong nước. Các nhà hát có tiếng tăm, họ không cho mình xê dịch, đục đẽo hoặc muốn làm gì thì làm trên sân khấu đã định hình sẵn của họ. Chủ đề chương trình ở Úc có tên Xa và gần đã được kiều bào và người nước ngoài tán thưởng nhiệt liệt. Xem xong chương trình, có kiều bào tên Vi Khang đã viết lên tâm sự: “Tôi tự hào muốn nói to với cô người Hoa, anh chàng người Úc bên cạnh tôi rằng họ đang may mắn được thưởng thức một mâm cỗ thịnh soạn, một bức tranh đầy màu sắc của văn hóa Việt Nam. Rằng trên sân khấu kia là một phần tâm hồn Việt Nam quê hương tôi đó. Một Việt Nam hiền hòa, giàu văn hóa, giàu truyền thống nhưng cũng hiện đại và mong muốn hòa mình ra thế giới.

...Mà hình như đó không phải là những cảm xúc của mình tôi. Tôi đã thấy cả khán phòng nán lại, với tin yêu và thán phục ngập tràn trong ánh mắt, trong nụ cười, trong những tràng pháo tay không dứt...”.

Còn tác giả, nhà báo kỳ cựu Hoàng Đông Tà ở Sydney thì viết: “Sydney 2 giờ sáng ngày 2.11.2005. Sau 3 giờ yên lặng thưởng thức buổi trình diễn, khi bản DDVN được tất cả các nghệ sĩ đồng cất lên như một lời hẹn tái ngộ, và khán giả bên ngoài bịn rịn đứng lên vỗ tay tạm biệt... trong tâm trí tôi bỗng thoáng hiện lời Corneille trong Le Cid. Des coups.

Năm chục năm rồi, tôi không chắc là nhớ đúng lời của Corneille, nhưng tôi không hề nghi ngờ cảm nghĩ của tôi đối với buổi trình diễn Xa và gần - DDVN tại đại sảnh Tòa thị chính Sydney hôm nay. Và tôi nghĩ, mượn lời kịch của Corneille để diễn tả thành công này có lẽ cũng không quá ngoa. Đòn thử không ngờ lại đáng là đòn bậc thầy...”.
Tôi nói dông dài về DDVN ở Úc qua nhiều Việt kiều khó tính nhất để thấy rằng tay đạo diễn mà tôi chọn từ DDVN 8 là không hề nhầm.

Tôi nhớ những tiết mục ở đó khi hai chàng trai Đàm Vĩnh Hưng và Quang Dũng song ca, hàng ngàn khán giả trong Xa và gần ngẩn ngơ. Tôi nhớ tất cả các tiết mục hôm nay đều để lại cho khán giả những âm hưởng sâu sắc, lâu dài...

Từ đầu năm đến nay, tôi chưa viết bài báo nào. Đây là bài báo đầu tiên tôi lại viết về Điền, về sự ra đi của anh, một đạo diễn tài năng ở tuổi 40. Anh ra đi ở vào lúc tuổi quá trẻ và còn sung mãn lắm.

Tôi  nhớ đến những con người tốt, tài năng, đức độ ra đi ở khoảng thời gian gần đây mà tôi có dịp được biết, được chung sống và làm việc với họ. Giáo sư Vĩnh Linh, người từng ở tù chung với chúng tôi, anh là người tù trí thức kiên cường bậc nhất trước 1975 mà tôi được gặp trong nhà tù của chế độ cũ, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, nhạc sĩ Bảo Phúc...

Và nay, đến lượt Điền, người “phù thủy” tài hoa của showbiz Việt. Tôi không ngờ cuộc đời lại bất công đến như vậy. Những người có nhiều cống hiến cho đời, làm nhiều việc tốt cho đời, được nhiều người yêu quý lại bỏ chúng ta mà ra đi đột ngột như vậy. Ra đi trong lúc đời còn cần họ đến như vậy.

Gần 3 giờ sáng ngày 30.6, sau thời gian dài điều trị bệnh nan y tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), đạo diễn Huỳnh Phúc Điền đã từ trần tại nhà riêng, hưởng dương 40 tuổi.

Huỳnh Phúc Điền sinh ngày 26.6.1970 tại Vĩnh Long, tốt nghiệp khóa 9 (1985-1989) khoa Diễn viên trường Nghệ thuật - Sân khấu 2 (nay là trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM). Anh bắt đầu viết kịch bản từ năm 18 tuổi và giành giải vàng Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1991 với vở Cõi tình.

Ai cũng biết Huỳnh Phúc Điền là một "phù thủy" tài hoa của giới showbiz Việt. Những show diễn của anh đều có đẳng cấp cao, với hình ảnh mới mẻ và lạ mắt. Những nghệ sĩ, ca sĩ bước ra từ những sô diễn của anh hầu như đều vượt lên một tầm vóc cao hơn. Có thể kể hàng loạt thành công của anh như: Duyên Dáng Việt Nam (9 kỳ 8, 9, 10, 12, 13, 16, 17, 19 và ở Úc), Hoa hậu Việt Nam, Mai Vàng, Làn sóng xanh, live show của hàng loạt ca sĩ ngôi sao như Mỹ Tâm, Quang Dũng, Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Lam Trường...
 
Lễ nhập quan diễn ra lúc 12 giờ 30 ngày 30.6 (mồng 8 tháng 5 (nhuận), năm Kỷ Sửu). Lễ viếng bắt đầu từ 14 giờ ngày 30.6 tại tư gia (số 17/22 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, Q.1, TP.HCM). Lễ động quan lúc 6 giờ sáng thứ bảy 4.7 (12.5 (nhuận), năm Kỷ Sửu). An táng tại nghĩa trang Công viên Bình Dương.

Theo ý nguyện của đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, toàn bộ tiền phúng điếu trong tang lễ của anh sẽ được tặng cho bệnh nhân nghèo bị ung thư gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy - TP.HCM.

Báo Thanh Niên xin thành thật chia buồn cùng tang quyến.

Nguyễn Công Khế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.