|
Vào cao đẳng với điểm cao hơn thủ khoa đại học
27/08/2018 09:26 GMT+7
Năm nay, ở nhiều trường CĐ, số sinh viên nhập học tăng hẳn so với năm trước, số lượng rút hồ sơ do đậu ĐH cũng giảm, điểm đầu vào cao hơn nhiều trường ĐH.
Nhiều học sinh giỏi chọn vào cao đẳng
26,6 là điểm của thí sinh (TS) Võ Thị Huyền, thủ khoa Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM. So với thủ khoa của một số trường ĐH, thì mức điểm này cao hơn. Ví dụ, thủ khoa Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM là 26,25 điểm, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM là 26,4 điểm... Với mức điểm đó, Huyền hoàn toàn có thể đỗ một trường ĐH tốp trên, nhưng đã chọn học CĐ.
PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM, thông tin: “Đến thời điểm này, trường đã tuyển đủ 3.300 chỉ tiêu cho 11 ngành, nhanh hơn so với năm 2017. Năm nay, dù phổ điểm thi THPT quốc gia thấp hơn năm trước, nhưng số lượng TS đạt điểm trên 17 đậu vào trường chiếm 51%, trên 16 điểm chiếm 72%, nhiều TS trên 20 điểm”.
Ông Phan Bửu Toàn, Phó hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, chia sẻ: “Năm 2017, trường cũng tuyển đạt chỉ tiêu, nhưng kéo dài đến hết tháng 8. Năm nay quá nhanh so với năm trước, khi đến 30.7 trường đã ngưng nhận hồ sơ do lượng TS nộp vào quá nhiều. Rất nhiều TS có điểm thi THPT quốc gia đạt 19 - 22 điểm. Có TS 12 năm liền là học sinh giỏi, điểm thi trên 20 nhưng cũng không học ĐH. Số lượng học sinh giỏi (8,0 trở lên) vào trường năm nay chiếm hơn 20%. Điều bất ngờ là một số em sẵn sàng nộp hồ sơ chờ sang năm 2019 vào học tại trường, do năm nay chỉ tiêu đã hết”.
Các trường CĐ: Kỹ thuật Cao Thắng, Công thương TP.HCM, Kỹ nghệ 2... đều đã đủ chỉ tiêu và bắt đầu chương trình học sớm.
Ở một số trường CĐ, thời điểm này năm 2017 còn chật vật, khó khăn chờ đợi TS thì nay đã tạm ổn với mức 60 - 70% chỉ tiêu. Tiến sĩ Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex, cũng cho hay đã có 1.100 sinh viên nhập học trên tổng số 1.500 chỉ tiêu. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, nhận định: “Năm nay trường tuyển được nhanh hơn, gọi nhập học từ trước 12.8. Nếu như năm ngoái các em nhập học rồi rút hồ sơ nhiều để đi học ĐH, thì năm nay rất hiếm, chỉ vài em”.
Phụ huynh ngày càng thực tế, hiểu khả năng của con em
Ông Sự đánh giá: “Có nhiều nguyên nhân khiến năm nay tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khởi sắc. Thứ nhất, nội tại các trường thực hiện khá tốt công tác quảng bá, tư vấn tuyển sinh. Về phía thành phố, thực hiện việc tuyên truyền trên đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí liên tục từ tháng 6.2017 đến nay. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng có những chương trình truyền thông mạnh mẽ khiến cho xã hội, các bậc phụ huynh và TS có nhiều thông tin về học nghề, cũng như có nhận thức rõ hơn, đúng hơn về vấn đề này”.
Ông Sự cũng cho rằng trong mấy năm qua, kỳ thi tay nghề quốc gia thu hút sự quan tâm của xã hội, những người có tay nghề giỏi được nhà nước quan tâm và tôn vinh, các trường thì chủ động gắn kết với doanh nghiệp để đào tạo, giải quyết việc làm tốt... Điều đó khiến phụ huynh có cái nhìn khác về học nghề.
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành cũng nhìn nhận: “Năm nay cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp có sự quan tâm mạnh mẽ, đưa ra kế hoạch truyền thông, quảng bá rất tốt”. Ngoài ra, theo tiến sĩ Thành, những vị phụ huynh của thế hệ TS này đều còn trẻ, có nhận thức tốt và ngày càng thực tế, biết năng lực con mình phù hợp với bậc học nào để lựa chọn ngay từ đầu chứ không chạy theo học ĐH bằng mọi giá.
Bên cạnh đó, theo thạc sĩ Phan Bửu Toàn, còn có lý do là một số khối ngành bậc CĐ đang là điểm nóng nên rất thu hút TS, chẳng hạn như du lịch. Bên cạnh đó, khối kỹ thuật như: công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật cơ khí, cơ điện tử, điện - điện tử có nhu cầu việc làm rất cao; khối y dược như điều dưỡng, dược sĩ không chỉ làm việc trong nước mà còn có cơ hội việc làm tại Đức, Nhật... với mức lương cao.
Bình luận (0)