Chỉ cần hòa là đi tiếp nên không có gì lạ khi ở trận đấu ngày 2.11, U.23 Myanmar bố trí đội hình thấp, chơi chắc chắn, chủ yếu chờ cơ hội phản công và sai lầm của đối thủ.
Highlight U.23 Việt Nam 1 - 0 U.23 Myanmar: Vào VCK với tư cách đội đầu bảng |
Trong khi ấy, U.23 Việt Nam cũng cho thấy sự thận trọng, dù kiểm soát bóng nhiều hơn và cũng tấn công nhiều hơn (nhưng với nhịp độ không cao).
Niềm vui của U.23 Việt Nam |
VFF |
Chất lượng của hầu hết các đợt lên bóng của U.23 Việt Nam trong hơn nửa đầu hiệp 1 cũng không như trông đợi. Dễ thấy một vài cầu thủ có biểu hiện tâm lý thi đấu chưa được tốt thể hiện qua những tình huống phạm lỗi không đáng; nhiều pha xử lý tình huống khá lúng túng, thiếu sự ăn ý trong di chuyển và tiếp ứng, dẫn tới sai số trong xử lý bóng cũng như các đường chuyền nhịp cuối.
Các cầu thủ Myanmar đã không thành công |
VFF |
Phải tới cuối hiệp đấu thứ nhất, U.23 Việt Nam mới có được 2-3 tình huống lên bóng tấn công ở nhịp độ khá cao, và được thực hiện với độ chính xác tốt hơn, nhưng bộ đôi tiền đạo Xuân Tú – Văn Đạt chưa cho thấy sự sắc sảo, đồng thời tuyến 2 chưa có được sự tiếp ứng cần thiết để tận dụng các đường bóng bật ra hoặc duy trì áp lực tấn công.
Hồ Thanh Minh (số 16) - cầu thủ dân tộc đã tỏa sáng |
VFF |
Sang hiệp 2, chất lượng tấn công của U.23 Việt Nam mới được cải thiện khi các cầu thủ phối hợp ăn ý hơn và những tình huống cũng được xử lý với độ chuẩn xác cao hơn. Các cầu thủ có nền tảng kỹ thuật tốt như Hai Long, Hoàng Anh được BHL khuyến khích thực hiện các tình huống đột phá để buộc hàng thủ đối phương sai sót.
Bàn thắng mở tỷ số của Thanh Minh được thực hiện trong một tình huống đá phạt của Hai Long – người được ví như một… “Quang Hải mới” ở hàng tiền vệ, cũng sau một pha phạm lỗi của đội bạn khi Hoàng Anh dẫn bóng đột phá. Cũng nhờ bàn thắng này mà lối chơi của U.23 Việt Nam trở nên nhịp nhàng, thanh thoát hơn. Tuy nhiên, suýt chút nữa sự mất tập trung của hàng thủ đã khiến đội bạn có cơ hội gỡ hòa ở cuối trận.
U.23 Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ khi giành tấm vé tham dự VCK châu Á 2022 (vào tháng 6.2022 tại Uzbekistan). Nhưng trên một chừng mực nào đó, chỉ nên nhìn nhận đây là một sự khởi đầu mới. Cũng trong năm tới, U.23 Việt Nam còn được hy vọng sẽ bảo vệ được tấm huy chương vàng SEA Games 31 (vào tháng 5) và tham dự Á vận hội (Asian Games) tại Hàng Châu, Trung Quốc (vào tháng 9).
Thật khó để hình dung tới khi ấy, liệu những Hai Long, Hoàng Anh, Văn Xuân, Thanh Minh… của U.23 Việt Nam hiện tại có thể hiện được như những gì các đàn anh như Quang Hải, Tiến Linh, Văn Đức, Đức Chinh, Công Phượng, Văn Thanh, Xuân Trường… tại VCK U.23 châu Á, rồi Asiad vài năm trước đó hay không. Họ cũng có thể chính là nòng cốt của đội tuyển Việt Nam trong vài năm tới, khi bóng đá Việt Nam bước vào chiến dịch hiện thực hoá “giấc mơ World Cup 2026”.
Chuyện thành công hay không tại các đấu trường tương lai còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố. Chỉ có một điều chắc chắn, HLV Park Hang-seo cùng các cộng sự sẽ còn nhiều việc phải làm để tiếp tục nâng chất lứa cầu thủ này (đặc biệt về kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu), tương tự như những gì từng làm hồi 3 năm trước để tạo nên một chuỗi những kỳ tích, góp phần làm thay đổi vị thế của bóng đá Việt Nam.
Bình luận (0)