Vào hợp tác xã để đổi đời

13/10/2006 22:17 GMT+7

Không giấu vui mừng, Pơloong Nia bộc bạch với chúng tôi sau cái bắt tay thật chặt: "Lần đầu tiên được nhận lương 800.000 đồng/tháng đấy. Cứ như là mơ!".

Đó không chỉ là niềm vui của riêng Nia mà của cả 56 thành viên Hợp tác xã Thanh niên xung phong (HTX TNXP) Tây Giang, Quảng Nam. Họ là những thanh niên (TN) dám đứng ra vay vốn ngân hàng thành lập hợp tác xã với niềm tin được đổi đời.

"TN ở đây học cao nhất cũng chỉ hết cấp 2 nên đi xin việc khó quá. Đành ở nhà lên rẫy trồng bắp, vào rừng kiếm con thú. Chẳng biết lương là gì. Giờ có việc, được nhận lương, vất vả mấy mình cũng chịu được" - Bhnước Bhling - chàng TN Cơtu tâm sự. Bhling cũng như các TN khác trong trong HTX đều khấp khởi niềm hy vọng sẽ được đổi đời, thoát khỏi tình trạng nhàn rỗi, không có việc làm hiện tại. "Đại bản doanh", nơi lập nghiệp của 56 TN Cơtu "đời mới" huyện miền núi Tây Giang là 3 ha đất tại thôn Ahu, xã Atiêng, Tây Giang (Quảng Nam), một xe ủi, một xe múc và một xe tải. 

Đây là mô hình HTX TNXP lần đầu tiên được thành lập ở Quảng Nam và miền Trung đã giải quyết được thực trạng "khát" việc làm cho TN địa phương. Các TN tự đứng ra vay ngân hàng với mức 10 triệu đồng/người góp vốn thành lập HTX. Ngoài công việc hằng ngày như chăm sóc vườn ươm, cung cấp lao động cho các công trình xây dựng, thu gom rác thải, chăn nuôi trang trại theo kiểu "lấy ngắn nuôi dài" là cả một kế hoạch kinh doanh lâu dài. Bắt đầu là hợp đồng cung cấp nguồn nguyên liệu giấy từ cây nứa vốn có rất nhiều ở rừng núi Tây Giang vừa được ký kết với HTX Đông Phú (Quế Sơn, Quảng Nam). Để có thể cung cấp nguồn nguyên liệu qua xử lý, các TN sẽ được đào tạo kỹ thuật và cung ứng thiết bị, chuyển giao công nghệ từ đối tác. Ngoài ra, một lớp đào tạo nghề mộc cho 30 TN sẽ được phối hợp với Trung tâm dạy nghề tỉnh Quảng Nam tổ chức. Rất khả quan, anh Nguyễn Văn Cường, Chủ nhiệm HTX chia sẻ: "Chúng tôi có thế mạnh hơn các HTX khác ở chỗ có nguồn lao động tập trung, sức trẻ. Nếu tất cả hợp đồng kinh doanh thuận lợi, mức lương cho một TN có trình độ lao động phổ thông sẽ không dừng lại ở 800.000 đồng".

Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Bhriu Liếc thì cởi mở: "Mô hình HTX này đã tập hợp TN trong độ tuổi lao động và giải quyết việc làm phù hợp với trình độ của họ. Ngoài ra, còn tạo điều kiện để TN học bổ túc văn hóa, đào tạo nghề cơ bản và áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Về lâu dài, sẽ nhân rộng mô hình này tại địa phương". Được biết, huyện vừa ký hợp đồng trồng 8.550 ha gỗ nguyên liệu với 2 đối tác. Đến khi dự án hoàn thành, HTX sẽ được hưởng lợi 50%. Đây là dự án tạo công ăn việc làm lâu dài và khá thiết thực vì gắn với rừng luôn là thế mạnh của TN địa phương.  

Những ngày đầu mới vào HTX, Pơloong Nia, Bhling cũng như nhiều bạn trẻ khác còn khá bỡ ngỡ. Chuyển từ lối sống tự do vào khuôn phép, làm quen với môi trường sống tập trung là điều không dễ dàng. "Ban đầu, chúng tôi phải "cầm tay chỉ việc" - anh Cường nhớ lại - "Đơn giản như việc anh em không thể tự do ra suối bắt cá, rồi không quen làm việc, sinh hoạt theo giờ giấc, nội quy... nên có người xin rút. Còn bây giờ ai cũng hiểu ra và quyết tâm làm ăn để thay đổi cuộc sống". Thậm chí, thứ bảy, chủ nhật được về phép nhưng có người ở lại vì: "Ở đây vui hơn. Về lại uống rượu!". Chắc đấy không phải là lý do duy nhất khi hiện tại, còn đến 300 hồ sơ của TN địa phương chờ được vào HTX.

V.P.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.