Vợ chồng anh Đinh Văn Chỉnh, đơn vị 70, thị trấn Nông trường Mộc Châu mấy năm lại đây trở nên khấm khá, kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Anh Chỉnh tươi cười, “tất cả cũng nhờ con bò sữa”.
|
Tháo cổng trại, anh dắt một “cô” bò có mã số 48.045 ra khỏi chuồng. Cô bò quẫy đuôi, thong dong trên lối mòn ra bãi ngô như trên sàn catwalk. Vuốt ve nàng bò, Chỉnh hớn hở, “đương kim hoa hậu đấy các anh chị à. Vương miện hoa hậu năm ngoái tới những 51 triệu đồng”.
Có kinh nghiệm, lại mát tay, nên trong lần thứ năm tham dự “cuộc thi nhan sắc” của bò, anh Chỉnh có tới ba trong số 17 cô bò của gia đình vượt qua vòng sơ loại của Ban tổ chức.
Anh Chỉnh cho biết, sau khi được lựa chọn, trước đợt thi ba tháng, ba cô bò ngày nào cũng dắt bò tập đi cho dạn người. Hằng này phải tắm, chải để lông đuôi bồng lên, lông toàn thân sạch, khoang trắng đen rõ ràng.
“Tiêu chuẩn bò vắt sữa phải có chất lượng, sản lượng cao (khoảng 40 lít/ngày), ngoại hình phải đạt ngoài hình phẩm giống của giống bò đó. Ngoài ra, đầu cổ bò thanh, dáng hình êm, nhỏ phía trước, to phía sau, bầu vú to, nhưng chân phải thẳng đứng, không đi vòng kiềng”- anh Chỉnh phác họa chân dung hoa hậu.
Vào “lò” của chị Vũ Thị Đáng, ở đơn vị 70, việc chăm sóc, luyện tập cho các thí sinh cũng tất bật không kém. Chị Đáng cho biết, năm nay là năm thứ 9 gia đình chị tham dự cuộc thi tuyển chọn bò giống tốt. Các thí sinh của hộ chị Đáng từng giành Vương miện, giải nhất, giải nhì các năm trước.
“Năm nay trong tổng đàn hơn 30 con, có tới bốn “cô” lọt vào vòng chung khảo, tham dự các hạng: bò vắt sữa, bò hậu bị, bê ăn sữa”.
Theo chủ “lò” này, ngoài việc huấn luyện đi lại, chăm chút lông, đuôi, còn làm móng cho bò. Các thí sinh ngoài khẩu phần thông thường, được ăn tăng thêm tinh bột, cỏ Alfalfa nhập từ Mỹ để tăng lượng đạm.
Ghé vào trang trại “vua bò” Nguyễn Văn Quất, ở đơn vị 85, với lượng bò hơn 115 con, cũng có hai thí sinh góp mặt tại ngày hội sắc đẹp năm nay.
Ngoài công việc tất bật vắt tới 1,2-1,3 tấn sữa mỗi ngày, các thành viên trong gia đình ông Quất, cũng được phân công chăm chút cho hai “cục cưng” của mình, hòng kiếm giải trong cuộc thi tới.
Theo Ban tổ chức, do số lượng, và giá trị giải thưởng tăng lên từng năm, nên nhiều “lò” đều muốn nuôi “gà nòi” để dự thi.
Qua vòng sơ loại năm nay, có hơn 110 thí sinh được chọn lựa từ đàn bò hơn 10 nghìn con của trên 500 hộ chăn nuôi tại Nông trường Mộc Châu dự thi hoa hậu.
Muốn mở rộng “sân chơi”
Ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu chia sẻ, có lần lãnh đạo tỉnh nhà công tác ở một địa phương phía Nam, thấy họ cũng tổ chức cuộc thi Hoa hậu Bò sữa, liền gọi điện về cho ông để hỏi về vấn đề “bản quyền”.
Ông Chiến cười, báo lại là lãnh đạo yên tâm vì “Cty đã đăng ký bản quyền ở Cục sở hữu trí tuệ rồi, nên không thể ai đánh cắp bản quyền Hoa hậu Bò sữa Mộc Châu được đâu”.
Biết bản quyền thuộc về mình, nhưng theo lãnh đạo Cty, Mộc Châu không muốn hoa hậu bò sữa là sân chơi của riêng mình.
Ông Chiến nói, để tổ chức một cuộc thi hoa hậu bò sữa quy mô cả nước thì rất khó, nhưng vùng thì có thể làm được. Với cuộc thi ở Mộc Châu hằng năm, chúng tôi muốn hỗ trợ các hộ nuôi bò ở Ba Vì (Hà Nội), Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) có thể đem những “cô” bò ưu tú nhất của mình đi thi.
“Ý định là thế, nhưng năm nay, điều kiện chưa cho phép nên chưa thực hiện được. Tôi sẽ nuôi ý tưởng này, và sẽ thực hiện trong những năm tới, để người nuôi bò có một ngày hội đầy ý nghĩa, cùng chia sẻ niềm vui, kinh nghiệm quý với nhau”- ông Chiến tâm sự.
Theo Nguyên An / Tiền Phong
>> Nhập thêm bò sữa giống từ Úc
>> Sữa tươi ngon nhờ... nông dân được học cách nuôi bò sữa
>> Lập nghiệp bằng nghề bò sữa
>> Nuôi bò sữa: Hướng đi cho thanh niên nông thôn
Bình luận (0)