Anh đã nhiều lần được chọn để xây dựng nhà VN tại triển lãm thế giới Expo. Xin cho biết nét kiến trúc Việt đã được anh thể hiện trong các ngôi nhà đó như thế nào?
Các công trình tham gia Expo thường là thể hiện những nét độc đáo về kiến trúc, về văn hóa và khoa học kỹ thuật của quốc gia đó với thế giới. Các nước thường đầu tư đến cả hàng chục triệu USD, thậm chí lên cả hơn trăm triệu USD để làm nổi bật văn hóa, khoa học kỹ thuật của nước họ. Chúng ta có ít chi phí hơn nên phải chọn những vật liệu rẻ tiền, dễ tạo được nét độc đáo nhưng vẫn mang đủ bản sắc, văn hóa Việt.
Chất liệu tre có hầu hết khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định chọn tre vì có thể làm được những công trình có chi phí hợp lý so với túi tiền của nhà đầu tư bỏ ra mà vẫn tạo ra được ấn tượng về kiến trúc. Khách hàng đều hài lòng với chất liệu này.
Anh đánh giá thế nào về việc đưa kiến trúc Việt vào các sáng tác của nhiều KTS nổi tiếng? Liệu điều đó có tạo thành xu hướng sáng tác kiến trúc trong nước không?
Nếu đưa được kiến trúc Việt vào sáng tác của mình thì đó là điều tốt. Tuy nhiên muốn tạo thành xu hướng sáng tác thì cần được “tiêu hóa” thành ngôn ngữ kiến trúc riêng, phù hợp với văn hóa, phong thổ của VN. Có như thế mới đủ sức tồn tại lâu dài và phát triển thành xu hướng.
KTS Hoàng Thúc Hào, KTS Nguyễn Hoàng Mạnh đều đã chọn đưa các nét kiến trúc bản địa vào các công trình của mình. Chẳng hạn, ông Hào chọn các kỹ thuật đan tre, tường đất của người dân tộc vùng núi phía bắc, ông Nguyễn Hoàng Mạnh đưa các nét kiến trúc đình làng Bắc bộ vào công trình. Điều này, theo anh có phải là chạy theo hình thức chủ nghĩa không?
Học các kỹ thuật truyền thống là điều đáng quý, tuy nhiên, như ở châu Âu hay ở Nhật, các kiến trúc truyền thống này có thể tồn tại hàng trăm năm, thậm chí là nghìn năm. Do đó làm sao tạo ra được công trình bền vững theo nghĩa đen với thời gian như ở Nhật hay châu Âu làm tôi quan tâm hơn. Vì thế các KTS nên thừa kế “gien di truyền” của kiến trúc Việt, đồng thời cần ứng dụng thêm kỹ thuật hiện đại để tạo ra những công trình bền vững mới thực sự cống hiến cho kiến trúc VN có được những công trình tầm cỡ thế giới.
Một khó khăn mà nhiều người chia sẻ khi sử dụng các kỹ thuật xây dựng địa phương là khó tìm thợ cũng như thợ ít có tính kỷ luật, hay thích làm theo ý mình. Điều này có cản trở việc đưa các nét kiến trúc VN xây dựng trên diện rộng, những công trình lớn không, thưa anh?
Tôi nghĩ ở VN lại có thuận lợi là giá nhân công khá phù hợp nên có thể làm các công trình mang tính chất thủ công cao. Các nước phát triển họ sẽ làm những công trình như thế khó hơn do có giá nhân công cao.
KTS Võ Trọng Nghĩa và cộng sự từng đoạt nhiều giải thưởng kiến trúc nổi tiếng của thế giới như Giải thưởng Kiến trúc thế giới (International Architecture Awards) 2017/Nhà hội nghị Naman Conference Hall; Giải danh dự của Hiệp hội Kiến trúc sư thế giới (The UIA Award) 2017/Nhà trẻ Farming Kindergarten; Giải vàng Kiến trúc châu Á (The ARCASIA awards) 2017/Nhà hàng Sơn La; Giải thưởng Kiến trúc Xanh của Mỹ (The Green Good Design, USA) 2017/Khách sạn Atlas Hotel; Giải thưởng Kiến trúc Xanh của Mỹ (The Green Good Design, USA) 2017/Nhà cộng đồng làng Sen; Giải thưởng Kiến trúc Xanh của Mỹ (The Green Good Design, USA) 2017/Nhà triển lãm The Lantern; Giải xuất sắc Thiết kế châu Á (Design for Asia)/Công trình khu nghỉ dưỡng Naman Retreat; Huy chương vàng Giải thưởng Kiến trúc châu Á (The ARCASIA awards) 2016/Nhà trẻ Farming Kindergarten; Giải danh dự Kiến trúc châu Á (The ARCASIA awards) 2016/Nhà cho cây; Giải thưởng Kiến trúc Xanh của Mỹ (The Green Good Design, USA) 2016/Vườn treo The Babylon - Naman Retreat; Giải thưởng Kiến trúc Xanh của Mỹ (The Green Good Design, USA) 2016/Nhà hội nghị đảo Kim Cương, Giải thưởng Kiến trúc Xanh của Mỹ (The Green Good Design, USA) 2016/Nhà VN - Vietnam Pavilion in EXPO Milano 2015...
|
Bình luận (0)