Vật lý trị liệu - phục hồi vận động sau chấn thương

22/11/2018 08:00 GMT+7

Để lấy lại phong độ sau khi chấn thương, người chơi thể thao chuyên nghiệp hay nghiệp dư đều cần được tập phục hồi chức năng theo chương trình bài bản.

Trong cuộc sống hằng ngày, tỷ lệ tai nạn do chấn thương thể thao chiếm khoảng 70% và nguyên nhân thường gặp là do người chơi thể thao không chuyên hoặc chơi những bộ môn không phù hợp, dẫn đến các chấn thương về khớp, dây chằng hay phần mềm cơ quan vận động.
Khớp gối và khớp vai dễ chấn thương
Anh N.A.T (38 tuổi, ngụ TP.Đà Nẵng) đến khám tại Khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng (VLTL-PHCN), Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng và được các bác sĩ thăm khám với các triệu chứng như teo cơ (đo chu vi đùi chỉ còn 5/10), co rút cơ mặt sau khớp gối, duỗi khớp gối bị hạn chế. Anh T. cho biết trước đó, anh vừa phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng chéo trước đầu gối, sau khi xuất viện anh đã tự tập luyện tại nhà mà không có sự hướng dẫn về chuyên môn. Do việc co gập và duỗi khớp gối cũng như đi lại vẫn còn khó khăn nên anh phải dùng nạng để di chuyển. Qua gần 1 tháng tập luyện phục hồi chức năng, trị liệu bằng phương pháp siêu âm và điện xung trị liệu, hoạt động trị liệu khớp gối theo chỉ định của bác sĩ, anh đã đi lại gần bình thường (đạt 95%) và gập duỗi gối tối đa.
Theo các bác sĩ VLTL-PHCN, nếu tập luyện thể thao không đúng cách, tùy theo từng bộ môn sẽ dễ dẫn đến chấn thương khớp gối hoặc khớp vai. Điển hình như người chơi tennis, cầu lông thường bị chấn thương khớp vai, dẫn đến tổn thương chóp xoay, sụn viền… Bên cạnh đó, chấn thương khớp gối chiếm tỷ lệ cao nhất trong các chấn thương thể thao, thường hay gặp nhất ở những người chơi đá bóng, người trẻ tuổi.
Kỹ thuật viên đang siêu âm trị liệu cho bệnh nhân
Kỹ thuật viên đang siêu âm trị liệu cho bệnh nhân P.T
Nguyên tắc hỗ trợ điều trị VLTL-PHCN
Tỷ lệ tàn tật do tai nạn, chấn thương để lại các di chứng nặng nề không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, công việc và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, đồng thời tạo gánh nặng gia đình, xã hội. Với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất để người bệnh phục hồi tối đa và tránh nguy cơ tái chấn thương, ngoài các phương pháp điều trị VLTL-PHCN được xây dựng chi tiết (xác định chính xác dạng chấn thương, mức độ nghiêm trọng, chơi môn thể thao gì…), người bệnh còn phải tuân thủ tuyệt đối mọi chỉ định của bác sĩ, bên cạnh đó sự phối hợp chặt chẽ giữa bản thân người bệnh, gia đình, các chuyên gia VLTL-PHCN hoặc các bác sĩ chấn thương chỉnh hình cũng rất quan trọng.
Sau chấn thương, dù phẫu thuật hay không, người bệnh cũng phải dành thời gian nghỉ ngơi để mô bị tổn thương bắt đầu quá trình lành sinh lý. Chương trình chung tập luyện phục hồi chức năng theo các bước sau :
- Giảm đau, giảm sưng và bảo vệ không cho tổn thương thêm.
- Duy trì tầm vận động khớp, ngừa teo cơ.
- Tập sức mạnh cơ, sức bền cơ và tim mạch.
- Phục hồi phản xạ bản thể; phục hồi sự nhanh nhẹn; phục hồi các kỹ năng, động tác thường gặp.
- Phục hồi bằng những phương pháp như di động cơ, di động khớp, điện trị liệu, nhiệt trị liệu, siêu âm trị liệu …
- Phục hồi chức năng các hoạt động tinh tế bàn tay, chân sau bất động.
- Tư vấn để phòng ngừa chấn thương và tái chấn thương thể thao: sử dụng dụng cụ hỗ trợ và bảo vệ thích hợp, không bao giờ “cố gắng tập luyện khi đã bị đau”, biết cách làm nóng và kéo dãn, làm “nguội” thích hợp trước và sau khi chơi thể thao.
Người điều trị được trang bị những phương tiện tập VLTL như: Máy kéo dãn cột sống, đèn hồng ngoại, máy siêu âm, máy điện xung… và đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên trình độ chuyên môn, tay nghề cao. Khoa VLTL-PHCN Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cung cấp những phương pháp điều trị tối ưu nhằm cải thiện tối đa chức năng giúp người bệnh sớm hòa nhập vào cộng đồng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.