Để lấy lại phong độ sau khi bị chấn thương, người chơi thể thao cần được tập vật lý trị liệu và theo một chương trình phục hồi chức năng bài bản.
|
Một chấn thương có thể dẫn đến nhiều thay đổi đáng kể đối với vận động viên ở các hệ vận động, hô hấp, tim mạch và cả tâm lý. Dù được điều trị bằng phẫu thuật hay không, để có thể tiếp tục chơi thể thao, mọi vận động viên cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư đều phải tuân theo một chương trình phục hồi chức năng phù hợp.
Đòi hỏi cao
Đối với người chơi thể thao sau chấn thương, mục tiêu của phục hồi chức năng là tạo điều kiện tốt nhất để họ tìm lại phong độ trước đó và tránh nguy cơ tái chấn thương. Do đòi hỏi cao hơn hẳn so với người bình thường nên chương trình phục hồi chức năng dành cho vận động viên cần được xây dựng chi tiết (dạng chấn thương, độ nghiêm trọng, chơi môn thể thao gì...).
Toàn bộ chương trình phục hồi chức năng là sự phối hợp chặt chẽ giữa bản thân vận động viên, gia đình, huấn luyện viên, chuyên gia vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, bác sĩ chấn thương chỉnh hình, chuyên gia dinh dưỡng, tâm lý, thể lực... Từ chương trình tập luyện cơ bản ban đầu, chuyên gia vật lý trị liệu sẽ theo dõi sát sao đáp ứng cơ thể của bệnh nhân để có những thay đổi phù hợp. Một điều quan trọng là vận động viên và huấn luyện viên cần phải tuân thủ tuyệt đối mọi chỉ định của bác sĩ và lời dặn của các chuyên gia trong đội phục hồi. Quay lại tập luyện hoặc thi đấu sớm, thực hiện những động tác chưa được cho phép... đều vi phạm vào “nguyên tắc vàng” của phục hồi chức năng là bảo vệ sự lành thương và có thể dẫn đến hậu quả xấu như tái chấn thương ở mức độ nặng nề hơn.
Các giai đoạn tập luyện
Sau chấn thương, dù phẫu thuật hay không cũng phải dành thời gian để mô bị tổn thương bắt đầu quá trình lành sinh lý. Chương trình chung tập luyện phục hồi chức năng theo các bước sau: giảm đau, giảm sưng và bảo vệ không cho tổn thương thêm; phục hồi tầm vận động khớp và sức mạnh cơ; phục hồi sức bền cơ và tim mạch; phục hồi phản xạ bản thể; phục hồi sự nhanh nhẹn; phục hồi các kỹ năng, động tác thường gặp; rèn luyện kỹ các tư thế và cách vận động an toàn của môn thể thao mình tham gia để từng bước tập luyện và thi đấu trở lại. Bệnh nhân sẽ được phục hồi bằng những phương pháp như di động cơ, di động khớp, điện trị liệu, nhiệt trị liệu, thủy trị liệu, các bài tập vận động trị liệu, dụng cụ nâng đỡ và hỗ trợ, chế độ dinh dưỡng và tư vấn tâm lý.
Vận động viên nên được hướng dẫn một số nguyên tắc chung để phòng ngừa chấn thương và tái chấn thương thể thao như: nắm vững và tuân thủ luật chơi, sử dụng dụng cụ hỗ trợ và bảo vệ thích hợp, không bao giờ “ráng tập luyện khi đã bị đau”, biết cách làm nóng và kéo giãn (là 2 bước riêng biệt) đúng cách trước khi chơi, làm “nguội” thích hợp sau khi chơi.
Lê Khánh Điền
(Tổng thư ký Hội Vật lý trị liệu TP.HCM)
Bình luận (0)