Trao đổi với chúng tôi ông Nguyễn Tuấn Khải, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sữa Quốc tế cho biết, sản lượng và giá cả thu mua của công ty vẫn được giữ ổn định. Trung bình mỗi ngày công ty thu mua 17 tấn sữa tươi của những hộ đã ký hợp đồng (giá 8.000 đồng/kg). “Nhiều bà con nông dân trước đây bán sữa cho các công ty khác chấp nhận bán sữa cho chúng tôi với giá rẻ từ 3.000-4.000 đồng/kg. Chúng tôi đang tìm mọi cách hỗ trợ khó khăn giúp bà con nông dân bằng cách cố gắng thu mua thêm 20% lượng sữa tươi và chỉ ưu tiên những hộ nuôi bò sữa ở Ba Vì”, ông Khải cho biết. |
Không chỉ có nông dân Ba Vì gặp nạn, tình trạng ế sữa đã lan đến Phù Đổng, huyện Gia Lâm nơi có 500 hộ nuôi bò sữa. Sữa tươi vắt từ bò ra chẳng có tí liên quan nào đến melamine nhưng cũng vẫn gặp hạn vì vắt ra không biết bán cho ai. Tại xã Phù Đổng, mấy ngày nay, sữa của bà con nông dân không bán được bày tràn lan ra mặt đường. Ông Hoàng Trọng Nguyên, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi bò sữa Phù Đổng ứa nước mắt: "Đây là cuộc khủng hoảng sữa lớn nhất trong hơn 10 năm nuôi bò sữa. Trung bình mỗi ngày 700 con bò sữa "sản xuất" gần 10 tấn sữa. Cắt giảm 50% sữa thu mua, rồi đây nông dân sẽ ra sao? Sữa không có chỗ chứa, chỉ còn cách đem đổ xuống sông Đuống".
Trước đó, nhiều gia đình đang hy vọng sẽ xoá đói giảm nghèo nhờ nuôi bò sữa nên đã chấp nhận vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi bò với giá từ 25-30 triệu đồng/con. Gia đình nào nuôi ít cũng từ 1-2 con, người nhiều nuôi tới 5-6 con. "Chúng tôi đang hy vọng làm giàu từ bò sữa nhưng tình hình như thế này, nhiều gia đình sẽ bị phá sản vì nợ ngân hàng" - bác Mạnh, nông dân đến từ huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) buồn bã nói. Trong khi chờ các cấp chính quyền vào cuộc, người nông dân các vùng chăn nuôi bò sữa tìm đến các công ty sữa như Vinamilk, sữa Quốc tế, Elovi... với hy vọng bán được phần nào hay phần đấy. Nhưng theo ông Hoàng Trọng Nguyên: "Các công ty đều trả lời: nguồn cung đã đủ".
Thu Hằng
Bình luận (0)