|
Băng rừng, vượt suối là chuyện thường
Mờ sáng, anh Hồng (thôn Phù Hội, Thạch Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) đã ăn no và chuẩn bị cơm nắm để lên đường tìm mật ong rừng. Những con khe nổi tiếng là xa và nguy hiểm: Khe Lim Boong, Giàn Thấp, Giàn Cao, Đuôi Cá, Cầu Nang, Khe Khoái; hay những mái núi xa lắc không còn gì lạ lẫm đối với anh. Để tìm được tổ ong mật, người đi phải có đôi mắt quan sát tốt nhất. Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong nghề lấy mật, anh Hồng chia sẻ: “Đến thời gian làm tổ, ong thường hay đi lấy nước. Vì thế, tui (tôi) thường đi dọc các khe suối, thấy ong xuống lấy nước phải tinh mắt xác định hướng bay của chúng và theo chân hướng ong bay mà tìm tổ”. Thường thì một người trong nhóm được cử đi tìm tổ ong, để đỡ là mất thời gian của tất cả mọi người. Sau đó báo cho cả nhóm khoảng 2-4 người cùng tới vắt mật. Lấy được mật ong là cả một quy trình dài, đòi hỏi tất cả mọi người cùng phối hợp nhuần nhuyễn, chính xác từ tất cả các công đoạn.
Ong làm tổ nhiều nhất từ tháng 3 đến tháng 6. Người dân thường chọn những ngày thời tiết thường nắng ráo, đường rừng thường dễ đi, việc trèo cây để đánh mật cũng dễ dàng hơn. Chừng 8 giờ sáng, nắng đã lên cao, công việc đi lấy mật đã chuẩn bị sẵn sàng. “Đồ nghề” của người đi rừng không thể thiếu can nhựa, dây thừng, cây rựa, bó đuốc được làm từ lá khô và cơm nắm để ăn khi đói lòng. Sải những bước chân dài, rắn chắc, vượt qua 5 mái núi trong vòng 2 giờ đồng hồ, cuối cùng họ cũng đã tới gốc cây có tổ ong mật trên cành cao. Có lẽ do tính chất nghề đòi hỏi sức khỏe dẻo dai, tinh nhạy, có kinh nghiệm leo trèo cây rừng nên hầu hết những người đi lấy mật thường là đàn ông tuổi trung niên hay trai tráng khỏe mạnh.
Bó đuốc khô đã được chuẩn bị sẵn, người leo lên cây lấy mật có trách nhiệm dùng bó đuốc đã được hun khói, hơ đều xung quanh tổ ong. Khói nghi ngút bao phủ lấy tổ làm ong hoảng sợ và ngạt thở nên chúng bay đi nơi khác, nhờ thế công việc vắt mật bắt đầu được tiến hành khá dễ dàng và nhanh chóng. Tổ ong rừng có độ mướt lớn, đường kính càng rộng, độ sa càng nhiều thì cho mật càng nhiều. Có khi may mắn, một tổ ong rừng có thể vắt được 2 can 4 lít mật đầy, hoặc tìm thấy 2 tổ ong cùng ngày. Nhiều hôm, để có thể vắt hết mật và vì đường xa, cả nhóm phải ở lại qua đêm trong rừng.
Vất vả là vậy nhưng bù lại nghề lấy mật mang cho người dân một nguồn thu nhập khá lớn. Mật lấy về thường được lường vào chai thủy tinh 700 ml và đem phơi nắng hoặc bán tươi với giá từ 300-400 nghìn đồng. Vì mật ong rừng vừa hiếm lại vừa có lợi cho sức khỏe nên thường được nhiều người tin mua. Vì thế, lượng mật lấy được thường tiêu thụ trực tiếp ở địa phương, rất ít khi dư thừa khi mang ra chợ bán.
“Không dễ kiếm cơm như người ta vẫn nghĩ”
Mật ong rừng bán rất được giá nhưng việc lấy mật không phải lúc nào cũng may mắn. Không ít lần, cả nhóm anh Hồng phải băng khe suối, vượt từng mái rừng để tìm tổ ong nhưng không thấy. Mệt sức nhiều ngày, thậm chí còn bị sốt rét khiến họ hốc hác, có người phải nằm viện. Đó là chưa kể những tai nạn trên đường đi khi thời tiết không thuận tiện. Vì thế, số tiền kiếm được từ bán mật có khi không đủ để lo viện phí khiến nhiều người không dám mơ tưởng đến mật ong rừng.
Chú Huế, một người trong nhóm tâm sự: “Có hôm, tụi tôi vượt 5 mái rừng để đánh mật, nhưng chưa kịp đánh thì đã bị ong mật vùng bay, đuổi theo cả 4 người đi rừng. Biết không thể vắt mật được nên tụi tôi phải tản ra mỗi người chạy một mái. Bỏ công một ngày đi đường mệt nhọc, cả 4 người tự tìm đường về nhà và thật may mắn là không ai bị lạc đường rừng”.
Anh Hồng cầm chắc can mật mới vắt. Bàn tay anh vẫn còn dấu 5 vết cắn của ong dần suýt làm anh mất mạng trong lần lấy mật trước. Ánh mắt anh vừa vui, vừa cúi buồn chia sẻ: “Lấy mật không dễ kiếm cơm như người ta vẫn thường nghĩ. Nhưng biết thế nào được, nếu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng thì vợ con tui lấy gì để ăn no, con tui lấy tiền đâu để đi học”.
Nguyễn Quỳnh Anh
Bình luận (0)