“Có nhiều lãnh đạo hỏi, sao Nam Định phải xây nhiều bể bơi thế. Chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm là xây thêm bể bơi có mái che vừa để thi đấu đại hội và sau này phục vụ nhân dân vì Nam Định đã là đô thị loại 1”, ông Đỗ Thanh Xuân - Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết tại cuộc họp báo ngày hôm qua.
|
Báo Thanh Niên đặt vấn đề: “Nhìn bài học từ Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình sau khi tổ chức những giải thể thao lớn đã không được sử dụng đúng công năng. Vậy, khi đại hội kết thúc (Nam Định (NĐ) là địa phương đăng cai chính Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7), NĐ sẽ làm gì để tránh lãng phí bởi kinh phí xây dựng các công trình lên tới hơn 1.000 tỉ đồng?”. Ông Xuân trả lời: “NĐ không nghèo nhưng đúng là gặp nhiều khó khăn về đầu tư công. Do đó, ngoài cải tạo 17 điểm thi đấu, NĐ chỉ xây mới 3 công trình gồm: nhà thi đấu đa năng với kinh phí do T.Ư cấp là 855 tỉ đồng; bể bơi có mái che với tổng mức đầu tư 150 tỉ đồng bằng nguồn ngân sách tỉnh; nhà thi đấu đa năng Trường CĐ Xây dựng với nguồn vốn hoàn toàn của Bộ GD-ĐT. Tỉnh vừa phê duyệt kế hoạch khai thác các công trình nói trên sau đại hội. Tôi xin khẳng định là NĐ sẽ không lấy ngân sách nhà nước để duy tu, bảo dưỡng mà sẽ sử dụng tối đa công năng để đảm bảo nguồn thu. Không chỉ tổ chức các hoạt động thể thao mà công trình này còn là nơi diễn ra các chương trình văn hóa, ca nhạc và kể cả... đám cưới”.
Còn ông Bạch Ngọc Chiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh NĐ cho hay: “Để lo được nguồn kinh phí tổ chức đại hội, NĐ cũng rất vất vả. Nhưng dù thế nào, chúng tôi cũng cố gắng làm cho đàng hoàng tử tế trên nguyên tắc tiết kiệm. Cái gì cần tiêu thì mới tiêu. Còn cái gì không cần mà rẻ cũng nhất quyết không làm. NĐ sẽ sử dụng hợp lý nhất các địa điểm được xây mới hoặc được cải tạo. Nếu thấy không hợp lý, báo chí có thể lên tiếng góp ý”.
Phóng viên Thanh Niên cùng nhiều đồng nghiệp đã bày tỏ mối quan ngại và đưa một loạt câu hỏi cho lãnh đạo ngành thể thao về những sự cố vừa xảy ra như Nhà thi đấu đa năng tỉnh Thái Bình trị giá hơn 650 tỉ đồng bị dột khi tổ chức môn cầu lông, Nhà thi đấu tỉnh Hà Nam xây tốn hơn 1.000 tỉ đồng nhưng không kịp tiến độ, môn bóng bàn không bốc thăm được vì tranh chấp VĐV, nhiều địa phương chạy theo thành tích khi mượn VĐV đơn vị khác... Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT nói: “Quan điểm của chúng tôi là hạn chế thành tích ảo và nghiêm cấm việc mua bán VĐV để lấy thành tích trước mắt. Ban tổ chức cũng ban hành điều lệ, trong đó quy định rõ VĐV phải đạt 3 tiêu chuẩn mới được phép thi đấu tại đại hội, ví dụ như phải có hộ khẩu, phải có chứng nhận của ngành, có hợp đồng sử dụng hay chuyển nhượng. Trên thực tế, ở VN hiện tại có 3 dạng VĐV: VĐV thuộc các địa phương, VĐV do các doanh nghiệp quản lý và VĐV tự do (do CLB bị giải thể). Vì thế, mặc dù hạn chế việc chạy theo thành tích ảo nhưng chúng tôi cũng vẫn muốn tạo điều kiện cho tất cả các VĐV thi đấu ở đại hội lần này”.
Lễ khai mạc, bế mạc tốn 13 tỉ đồng Ngân sách nhà nước chi hơn 13 tỉ đồng cho lễ khai mạc vào ngày 6.12 tại sân Thiên Trường (TP.Nam Định) và bế mạc ngày 16.12 tại Nhà thi đấu đa năng của tỉnh. Ban tổ chức đã kết hợp với Công an tỉnh và Ban Chỉ huy quân sự tỉnh lập kế hoạch bảo vệ và giữ an ninh trật tự trong hai ngày này. Vì kinh phí cho y tế và phòng chống doping quá hạn hẹp nên ban tổ chức chỉ lấy 30 mẫu xét nghiệm doping của 30 VĐV đoạt HCV ở 4 môn: điền kinh, bơi lội, cử tạ, thể dục dụng cụ. |
Lan Phương
>> Nhiều 'dấu lặng' tại môn cầu lông Đại hội TDTT toàn quốc
>> Chạy đua thành tích ở Đại hội TDTT toàn quốc
>> Giải U.21 Báo Thanh Niên 2013 là giải Đại hội TDTT toàn quốc 2014
Bình luận (0)