Vật vờ nghiên cứu khoa học- Kỳ 3: Quá nhiều trói buộc

06/12/2012 03:45 GMT+7

Đánh giá nguyên nhân nghiên cứu khoa học của Việt Nam kém phát triển dù mức đầu tư của ngân sách không nhỏ, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải xem lại chính sách tạo động lực cho các nhà khoa học.

Thiếu cơ chế khuyến khích

Đánh giá về những nguyên nhân khiến hoạt động nghiên cứu trong các trường ĐH của Việt Nam yếu kém, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Nguyễn Quân, thừa nhận: “Các trường ĐH không đủ nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, ngay cả trường trọng điểm thì kinh phí nghiên cứu khoa học (NCKH) dành cho cán bộ giảng dạy chỉ có vài ba tỉ đồng mỗi năm. Các trường ĐH không có biên chế làm khoa học chuyên nghiệp, vì vậy nghiên cứu được coi là hoạt động làm thêm của cán bộ giảng dạy”.

 Học viên cao học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM thí nghiệm về công nghệ nâng cao xử lý chất thải
Học viên cao học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM thí nghiệm về công nghệ nâng cao xử lý chất thải - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Giáo sư nước ngoài chỉ lo nghiên cứu khoa học, lương đủ sống và lo cho gia đình. Còn ở Việt Nam ngoài việc làm nghiên cứu còn phải làm nhiều việc khác để có tiền nuôi gia đình nữa

PGS-TS Dương Anh Đức
Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM

Các trường ĐH còn thiếu cả cơ chế khuyến khích giảng viên làm nghiên cứu. Theo ông Tạ Đức Thịnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GD-ĐT), nguyên nhân quan trọng nhất là thiếu cơ chế, chính sách tạo động lực, khuyến khích giảng viên tham gia NCKH, đặc biệt là trong những lĩnh vực khó và phức tạp. Cũng theo ông Thịnh, quy định về định mức thời gian NCKH với giảng viên hiện nay chưa phải là nhiều nhưng không phải giảng viên nào cũng thực hiện được do khối lượng giờ dạy lớn, quá tải, nhất là đối với người dạy các môn khoa học cơ bản và khoa học xã hội.

TS Lê Văn Luyện, Học viện Ngân hàng, bức xúc: “Chúng ta chưa có một cơ chế thúc đẩy và khuyến khích các nhà khoa học tại trường ĐH, cơ sở nghiên cứu tham gia vào hoạt động thực tiễn ở các doanh nghiệp. Các công trình nghiên cứu sau khi nghiệm thu cũng không có cơ quan nào quản lý và đưa vào ứng dụng. Không thể đòi hỏi các nhà khoa học, các trường ĐH vừa tự làm, tự nghiên cứu vì họ không có cơ sở vật chất trong tay, họ cũng không có doanh nghiệp của mình để thử nghiệm hay ứng dụng các nghiên cứu. Càng không thể yêu cầu họ nghiên cứu xong rồi đi vận động các doanh nghiệp ứng dụng, nhất là các công trình khoa học về quản lý kinh tế”.

Chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng nhận định một trong những nguyên nhân chính gây nên sự thiếu hụt nhân tài khoa học là do chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng. Điều này dẫn đến kết quả là học sinh, sinh viên giỏi ít chọn con đường NCKH. Số ít người giỏi đam mê khoa học đều du học và không nhiều người trở về nước.

 PGS-TS Thái Bá Cần, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng: “Cơ chế cấp phát kinh phí hiện nay đôi khi khiến giảng viên chỉ nghiên cứu ảo để đối phó và không có giá trị. Khi đó họ thường chọn đề tài nghiên cứu theo hướng an toàn cho mình: dễ để thực hiện ngay hoặc đã làm rồi triển khai thêm cho chắc để được duyệt cấp kinh phí hoặc cấp mà không bị trả lại”. TS Cần nói thêm: “Thực tế số tiền từ ngân sách dành cho NCKH hiện nay rất ít, đã vậy khi sử dụng lại rất lãng phí, việc cấp phát lại dàn trải nên càng không có hiệu quả”.

 

Những vướng mắc

Theo các chuyên gia, việc phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho KHCN còn nhiều bất cập bởi chưa dựa trên các tiêu chí cạnh tranh minh bạch cũng như nền tảng của nhu cầu thực tiễn. Tuy nhà nước có chủ trương ưu tiên phát triển hoạt động KHCN nhưng quản lý và phân bổ bất cập nên 2% ngân sách dành cho hoạt động này thường không sử dụng được hết, đành phải trả lại.

Việc phê duyệt nội dung nghiên cứu đáng lẽ phải do giới khoa học chủ động nhưng lại được quyết định từ trên xuống; kinh phí nghiên cứu được giao cho các bộ ngành khác nhau không dựa trên những tiêu chí rõ ràng; các quy định về thanh quyết toán không hợp lý và mất nhiều thời gian làm nản lòng người nghiên cứu. Chính Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cũng thừa nhận: “Chúng ta vẫn lập kế hoạch, chờ cấp tiền, đến khi có tiền thì có thể đề tài đã lỗi thời, mà KHCN trên thế giới phát triển như vũ bão”.

 Đăng Nguyên

PGS-TS Phạm Đình Nghiệm, Trưởng phòng Quản lý khoa học - dự án Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng nêu ra thực tế: “Hiện nay giảng viên làm NCKH chỉ là niềm đam mê chứ chưa thể sống được bằng lương từ công việc này. Nếu thực hiện nghiêm túc các đề tài, kinh phí được cấp chỉ đủ để trả cho các chi phí nghiên cứu chứ không phải cho công sức của người thực hiện. So với việc đi dạy thấp nhất ở bậc thạc sĩ, giảng viên có thể có thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Chính điều này làm cho giảng viên không hứng thú với NCKH bằng đi giảng dạy”.

TS Nghiệm còn cho rằng, bất cập nằm ở cơ chế duyệt cấp kinh phí: “Sau khi hoàn thành việc nghiên cứu, giảng viên phải dành rất nhiều thời gian để lo chứng từ và giải trình chi tiêu. Quy định chi tiêu của Bộ Tài chính cho nghiên cứu cũng có những mục rất bất hợp lý, chẳng hạn một bài báo cho hội thảo chỉ được trả tối đa 200.000 đồng. Trong khi để có bài báo này, giảng viên phải bỏ ra nhiều tuần để sáng tạo, tìm tòi cái mới”.

GS-TS Nguyễn Thị Cành, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, phân tích: “Do kinh phí đề tài cấp bộ, cấp cơ sở hạn chế (20 - 70 triệu đồng/đề tài) nên các nghiên cứu thực nghiệm khó thực hiện. Cách tiếp cận chủ yếu dựa trên tư liệu quá khứ, tổng hợp lại các ý kiến đã có trước ở đâu đó, thiếu sự nghiên cứu, khám phá, tìm tòi mới”.

Còn PGS-TS Dương Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, tâm tư: “Các giáo sư nước ngoài thường phê bình việc NCKH của Việt Nam. Nhưng giáo sư nước ngoài chỉ lo NCKH, lương đủ sống và lo cho gia đình. Còn ở Việt Nam ngoài việc làm nghiên cứu còn phải làm nhiều việc khác để có tiền nuôi gia đình nữa”. Tương tự, PGS-TS Vũ Hải Quân, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng giảng viên ĐH - người có kiến thức và kinh nghiệm NCKH, thường phải giảng dạy và kiêm nhiệm rất nhiều công việc. Còn nghiên cứu sinh - người đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết một vấn đề khoa học cụ thể, lại không thể tự sống được bằng nguồn kinh phí dự án hoặc thậm chí phải tự bỏ tiền túi ra trả cho các bài báo khoa học.

Vì vậy TS Nghiệm đề xuất: “Để thúc đẩy hoạt động NCKH của giảng viên, một mặt cần phải có chính sách quản lý tài chính linh hoạt hơn, tăng kinh phí. Đồng thời, phải giảm số lượng sinh viên/ giảng viên để bớt giờ dạy cho giảng viên”. TS Ngô Hướng, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng: “Giảng viên cần phải có mức thu nhập tương đối để họ có thể bớt thời gian giảng dạy để nghiên cứu”.

Yêu cầu báo cáo tình hình hợp tác nghiên cứu khoa học

Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi các viện, trường ĐH trực thuộc yêu cầu báo cáo về tình hình và kết quả hợp tác NCKH. Bộ yêu cầu trước ngày 15.12 các ĐH, trường ĐH, học viện, trường CĐ, các viện và trung tâm nghiên cứu trực thuộc báo cáo tình hình và kết quả hợp tác nghiên cứu chung song phương, đa phương từ năm 2000 đến nay. Đồng thời các đơn vị phải đề xuất kế hoạch hợp tác quốc tế, chiến lược phát triển KH-CN đến năm 2020...

Vũ Thơ

Vũ Thơ - Hà Ánh - Đăng Nguyên

>> Vật vờ nghiên cứu khoa học
>> Vật vờ nghiên cứu khoa học - Kỳ 2: Nhiều tiến sĩ, ít phát minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.