Về đâu?

04/10/2011 09:44 GMT+7

Chỉ vì một lời khích bác, thách thức, bị cáo đã đâm chết anh rể. Sau cái chết oan uổng ấy là sự mất mát, đớn đau không gì bù đắp được của hai bên gia đình; là sự côi cút, thiệt thòi, không biết về đâu của hai đứa trẻ mất cha…

Tòa tuyên phạt H.V.H (SN 1991) 14 năm tù, thấp hơn đề nghị của VKSND TPHCM đến 6 năm. Bước thấp bước cao ra khỏi phòng xử án, cha và chị của H. quay lại líu ríu cám ơn phía thông gia. “Được vậy là may mắn cho nó và gia đình bác. Chúng tôi cũng đã cố gắng hết sức, nếu cần giúp gì thêm, gia đình bác cứ gọi…’’ - anh trai người bị hại nói. Nhìn qua em dâu đang đưa tay quệt nước mắt, anh thở dài: “Dù sao người chết cũng không thể sống lại, lo là lo cho tương lai của hai đứa nhỏ…”.

Từ một lời thách thức

Không nghề nghiệp, từ Tiền Giang, H. lên TPHCM ở nhờ nhà vợ chồng người chị ruột và được anh Đ.V.D (anh rể) dẫn đi phụ làm gia công cửa sắt. Trưa 19-12-2010, cả hai đi làm cho công trình ở quận Bình Tân. Do thiếu sắt và máy khoan, anh D. kêu H. về nhà lấy.
 
Ở quê mới lên không rành đường, H. bị lạc. Trong khi đó, đợi lâu không thấy H., anh D. tự về nhà lấy máy khoan, trong lòng không khỏi bực mình vì nghĩ có lẽ H. lại chở bạn gái đi chơi, bỏ bê công việc. Rồi H. cũng quay lại, tuy nhiên anh D. không nói gì.

 
Minh họa: Nguyễn Tài

Sau khi làm xong, chủ công trình mời nhậu, đến 21 giờ, hai anh em mới về nhà. Lúc này, anh D. la mắng H. về chuyện ham chơi, không lo làm ăn đồng thời có những lời lẽ xúc phạm đến bạn gái của H.
 
Đang cầm cây kéo trong tay, H. lớn tiếng: “Anh tin là tôi đâm chết anh không?”. Anh D. thách thức: “Có giỏi thì đâm đi!”. H. bước lại chỗ anh D. ngồi, tay cầm kéo đâm mạnh vào vách tường, cách đầu anh D. khoảng 30 cm để hù dọa rồi bỏ đi.
 
Nổi giận trước hành vi đe dọa của H., anh D. đứng lên ưỡn ngực thách và lần này H. đã hùng hổ bước tới đâm mạnh vào ngực trái của anh D. Nhát kéo duy nhất đó làm đứt quai động mạch chủ, cướp đi sinh mạng người anh rể.
Nỗi đau người ở lại

Nhất thời phạm tội

Trong phần tranh luận, VKSND TPHCM đề nghị xét xử bị cáo theo điểm n, khoản 1 điều 93, phạm tội với tình tiết tăng nặng là có tính chất côn đồ, mức án 20 năm tù. Tuy nhiên, HĐXX nhận định trong vụ án này có một phần lỗi của nạn nhân khi có những lời lẽ khích bác, thách thức khiến bị cáo có hành vi bộc phát, nhất thời phạm tội (khoản 2 điều 93 BLHS, có mức án từ 7 đến 15 năm).
 
Bị cáo thành khẩn, chưa tiền án tiền sự, gia đình bị cáo đã đóng góp 50 triệu đồng tiền mai táng và được gia đình người bị hại bãi nại. Đó là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. 

Giờ nghị án, hai bên gia đình kéo nhau ra trước cửa phòng xử nói chuyện. Kể từ sau cái chết của anh D., đây là lần đầu tiên họ gặp và trò chuyện cùng nhau.
 
Mẹ của anh D. tuổi cao, sức yếu, không thể từ Quảng Nam vào dự phiên tòa, chỉ có anh và chị của anh D. đại diện. Cha của H. tóc đã bạc trắng, mặc chiếc áo sờn rách, cũ kỹ, xoắn đôi bàn tay gân guốc vào nhau ngập ngừng hồi lâu mới nói được lời xin lỗi đồng thời cám ơn gia đình thông gia đã đứng ra bãi nại, xin giảm án cho H.
 
“Chúng tôi đau lòng vì cái chết của D. nhưng càng buồn hơn trước cách cư xử của gia đình bên ấy… Hai bác không một lần ra thăm hỏi mẹ chúng tôi, còn vợ D. thì ở được mấy bữa rồi cũng đi luôn từ đó đến nay…” - anh của anh D. lên tiếng trách.
 
Nghe anh nói, H.T.T, vợ anh D., chỉ biết khóc. Sau cái chết của chồng, T. đưa hai con trai (3 và 5 tuổi) về quê chồng nương náu. Tuy nhiên, theo lời T., hằng ngày ra vào nhìn di ảnh chồng trên bàn thờ, chứng kiến những giọt nước mắt đớn đau vì mất con của mẹ chồng, cô cảm thấy mình có tội, nỗi đau vì thế càng giằng xé tâm can.
 
“Ngày xảy ra vụ án, chứng kiến cảnh chồng bị em trai mình đâm và gục xuống bên vũng máu, em chết lặng, không nhớ nổi cả tên của mình nói gì đến chuyện phải làm sao để cầm máu cho anh? Gia đình chồng có ý trách em như vậy...’’ - T. nghẹn ngào.
 
Cũng vì nỗi đau quá lớn nên dù không cố ý, phía gia đình chồng của T. khó tránh khỏi có những lời trách cứ, thậm chí dằn hắt khiến người đứng giữa như T. không biết phải làm sao cho phải. Thêm vào đó, nghĩ đến đứa em tội lỗi phải đối diện với sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật trong khi cha mẹ T. đã già, cuộc sống lại khó khăn, không thể thường xuyên từ Tiền Giang lên TPHCM thăm nuôi… Tính tới tính lui, T. lẳng lặng ôm hai con về Tiền Giang giao cho cha mẹ chăm sóc, còn mình lên TPHCM làm việc để có tiền nuôi con và tiện thăm nuôi em.
 
“Mất con nhưng hằng ngày được trông thấy cháu cũng nguôi ngoai phần nào, đằng này, em ôm cả hai đứa nhỏ bỏ đi, không một lần quay lại khiến mẹ càng thêm hụt hẫng. Em nên để đứa lớn lại cho bà nội đỡ hiu quạnh, cháu đã 5 tuổi, từ bây giờ cho cháu đi mẫu giáo ở đó rồi sang năm vào lớp 1 luôn. Nếu sợ anh em nó xa nhau buồn, ba mẹ con cùng về sống với mẹ, em vẫn có thể đi làm. Mẹ con, bà cháu nương tựa nhau; mấy anh chị cùng đóng góp nuôi cháu ăn học nên người…
 
Để hai đứa nhỏ về quê ngoại như bây giờ, vừa sống xa mẹ, môi trường xung quanh lại đầy sông rạch, ông bà ngoại đã già làm sao chăm sóc nổi cho cả hai đứa nhỏ…?’’. Nén nỗi đau và cả sự hận thù thường tình, anh chị của D. bàn bạc với T. phương án tốt nhất cho hai đứa cháu côi cút. 

T. lau nước mắt nhè nhẹ gật đầu, không hứa hẹn điều gì. Câu nói sau cùng tôi nghe được từ chị của D. là: “Còn hơn tháng nữa đến ngày giáp năm của D., ba mẹ con cố thu xếp mà về để vong linh chồng em không tủi…”.

Về đâu để tốt nhất cho hai con? Chắc chắn T. vẫn luôn trăn trở với câu hỏi ấy...

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.