Các kỹ sư của Đại học Illinois vừa thay thế loại mực thông thường với phiên bản mực phân tử nano bạc để biến cây bút bình thường thành công cụ hiệu quả trong việc tạo ra bản mạch điện tử trên các bề mặt linh hoạt, từ giấy đến đủ loại bề mặt khác. Ý tưởng sử dụng bút bi đã được đưa ra sau khi nhóm do giáo sư Jennifer Lewis tìm kiếm các phương pháp tạo điện cực vừa dễ áp dụng mà giá thành lại rẻ. Trong quá trình nghiên cứu, đội ngũ chuyên gia phát hiện khả năng khác thường của cây bút bi, chỉ cần thay mực viết bình thường bằng loại mực đặc biệt được pha trộn trong phòng thí nghiệm. Hỗn hợp mực mới, cấu tạo từ phân tử nano bạc, dung dịch hòa tan và một ít polymer, hoàn toàn có khả năng dẫn điện.
Nhóm của Lewis đã bỏ vài tháng để thực hiện các cuộc thí nghiệm chứng minh rằng dùng bút bi viết mực nano vẫn tạo ra được các bản mạch điện tử một cách dễ dàng, rẻ tiền mà có thể sử dụng bất cứ nơi đâu. Họ đã dùng bút bi vẽ các bản mạch cho hệ thống mạng ánh sáng, ăng-ten 3D cho thiết bị sử dụng công nghệ xác nhận bằng sóng vô tuyến… “Với thiết bị này, giới hạn duy nhất chính là sự tưởng tượng của bạn”, Lewis nói với trang tin MSNBC.
Lần đầu tiên nhóm giới thiệu cây bút xài mực đặc biệt là khi một người tham quan phòng thí nghiệm rút ra danh thiếp và yêu cầu họ biến nó thành thiết bị đi-ốt phát quang. Lewis liền vẽ một bản mạch điện tử, lắp nguồn pin 9-volt với vật liệu điện trở, vẽ thêm 2 điện cực và trình làng “đèn LED” mới dưới vẻ bề ngoài là danh thiếp. Tất cả được thực hiện trong vòng 5 phút.
Trong chuyên san Advanced Materials, đội ngũ chuyên gia cho hay cây viết có giá thành khoảng 50 USD, với chi phí không đến 1 USD cho mỗi lần dùng. Bên cạnh đó mực lại không bay hơi như loại mực thông thường. Dự kiến thiết bị này sẽ có thể nhanh chóng bày bán trên thị trường trong vòng 1 đến 2 năm nữa.
Hạo Nhiên
Bình luận (0)