Về một chương đen tối trong lịch sử nhân loại

04/07/2022 18:52 GMT+7

Gương mặt loài Homo Sapiens (NXB Hội Nhà văn, 2022) của tác giả Trần Như Luận là cuốn tiểu thuyết lấy đề tài và cảm hứng từ lịch sử đất nước Congo.

Trần Như Luận là một nhà văn Việt Nam đương đại hoàn toàn sống ở Việt Nam nhưng ông đã viết tiểu thuyết Gương mặt loài Homo Sapiens dài 370 trang về lịch sử nước Congo thuộc châu Phi giai đoạn từ năm 1940 đến năm 1964 với những chi tiết chân thực, sống động như người trong cuộc.

Câu chuyện bắt đầu từ những năm 1940 khi mà cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 (1941 - 1945) bắt đầu diễn ra cho đến khi kết thúc với tội ác tày trời của chủ nghĩa phát xít mà đứng đầu là Adolf Hitler. Cùng với đó là cuộc xâm lăng của chủ nghĩa thực dân Bỉ vào đất nước Congo (nay là nước Cộng hòa Dân chủ Congo).

Về một chương đen tối trong lịch sử nhân loại - Ảnh 1.

Tiểu thuyết Gương mặt loài Homo Sapiens (NXB Hội Nhà văn, 2022) của tác giả Trần Như Luận

HTS


Là một tác phẩm văn học được sáng tác dựa trên những cứ liệu lịch sử nên các nhân vật và sự kiện được đề cập đến trong nội dung sách được hư cấu theo kiểu 7 thực 3 hư. Bạn đọc dễ dàng tìm thấy ở Gương mặt loài Homo Sapiens những trang viết miêu tả sự áp bức, bóc lột dã man kinh hoàng của chủ nghĩa thực dân Bỉ đối với người dân thuộc địa Congo. Đó chính là lời tố cáo đanh thép đầy sức thuyết phục của ngòi bút Trần Như Luận trước tội ác tột cùng của chủ nghĩa thực dân. Qua những trang hồi ký của nhân vật chính Po Martin, thực trạng áp bức, bất công đó đã được vạch trần: “Đồng loại Homo Sapiens quá lạm dụng vũ lực và khí giới. Khi nắm quyền hành và vũ khí trong tay, chúng trở nên quá lộng hành. Chúng coi đồng loại chẳng ra gì. Muốn cướp là cướp, muốn bắt là bắt, muốn bắn bỏ là bắn bỏ” (trang 63).

Vấn đề đặt ra ở đây là, dù là thực dân thống trị hay người dân thuộc địa bị áp bức thì cũng đều là giống người được trưởng thành từ một loài động vật bậc cao rất tinh khôn, rất gần với loài người, đó là loài Homo Sapiens. Vì thế mà từ tên sách còn đặt ra một vấn đề khác: Sự phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa Apartheid. Ở đây không đơn giản là học thuyết về sự đề cao giống người da trắng (được xem là con người thượng đẳng) và kỳ thị giống người da đen (được xem là con người hạ đẳng) mà từ đó chủ nghĩa phát xít đã lấy làm cơ sở lý luận để mở những cuộc chiến tranh xâm lược khắp thế giới với những cuộc giết chóc ghê rợn, trong đó có cả chiến dịch bài trừ người Do Thái. Chúng gây ra nạn đói tràn lan khắp thế giới trong đó có cả đất nước Việt Nam xa xôi thuộc Đông Nam Á. Nhân vật Po Martin đã có những trang viết cháy bỏng lòng căm phẫn về tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật ở Việt Nam trong chuyến đi thực tế ở Việt Nam vào năm 1945: “Tôi cực lực lên án cả thực dân Pháp lẫn phát xít Nhật, những kẻ phải chịu trách nhiệm về nạn đói tại Việt Nam kéo dài từ tháng 10 năm 1944 đến hết tháng 5 năm 1945. Tính ra trong 8 tháng đã có 2 triệu người Việt Nam chết đói” (trang 282). Ở chi tiết này, tác giả Trần Như Luận đã rất khéo léo dẫn dắt câu chuyện từ Congo châu Phi xa xôi về đất nước Việt Nam và nhờ đó mà tiếng nói lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân trong Gương mặt loài Homo Sapiens càng lan tỏa rộng rãi hơn.

Thông qua lời của nhân vật thông tuệ, nhà sử học lớn của Congo Po Martin, Gương mặt loài Homo Sapiens đã đặt ra một vấn đề rất lớn: “Động vật thượng đẳng (Homo Sapiens - người viết bài) hóa ra là như thế sao” (trang 63). Vì những nội dung và ý nghĩa được nêu trên mà Gương mặt loài Homo Sapiens không chỉ mang hơi hướng của một cuốn tiểu thuyết lịch sử mà hơn thế, nó còn là một cuốn tiểu thuyết luận đề, luận đề về chủ nghĩa thực dân và luận đề về tệ nạn kỳ thị chủng tộc mà thực chất là chủ nghĩa Apartheid đã từng rất phổ biến trên thế giới và hiện vẫn còn rơi rớt ở nhiều nước.

Tuy nhiên nội dung và ý nghĩa của tiểu thuyết Gương mặt loài Homo Sapiens không chỉ có thế. Trong cuốn tiểu thuyết này, với những cứ liệu lịch sử đáng tin cậy, tác giả Trần Như Luận còn vạch trần tội ác của chủ nghĩa phát xít như là một kẻ đồng hành, đồng lõa cùng chủ nghĩa Apartheid mà đứng đầu là tên trùm quốc xã Adolf Hitler, trong đó nổi bật là chủ nghĩa bài Do Thái (tiếng Anh: Antisemitism). Câu chuyện của Trần Như Luận đưa người đọc đến với số phận của nhận vật Anne, người thiếu nữ Do Thái xinh đẹp, người yêu của nhân vật chính Po Martin. Cô và cả gia đình gồm 9 người đã bị lính Đức bắt vào trại tập trung và dùng hơi ngạt giết chết trong đau đớn. Tiểu thuyết của Trần Như Luận cũng cho biết từ cái chết của cô gái Anne: “Người ta đã nghĩ sai khi cho rằng Anne là biểu tượng của 6 triệu người Do Thái bị bức hại cho đến chết. Thực ra cuộc đời và cái chết của Anne chỉ là số phận của một cá nhân riêng lẻ; nhưng số phận thảm khốc ấy đã diễn ra tới 6 triệu lần” (trang 287).

Từ đó độc giả cũng thấy thêm một ưu điểm nữa của Gương mặt loài Homo Sapiens là tính hiện thực trong tác phẩm đã được tác giả tuân thủ một cách nghiêm nhặt. Vì thế, Gương mặt loài Homo Sapiens là một tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực phê phán thời đương đại. Ở đó ngòi bút tiểu thuyết của Trần Như Luận đã thông qua tội ác của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa Apartheid và chủ nghĩa phát xít để nhằm nói lên rằng, loài người dù là động vật bậc cao nhất trong thế giới động vật nhưng sự dã man của một số tầng lớp người trong đó là hết sức khủng khiếp, khủng khiếp hơn cả những loài vật dã man nhất như hổ báo.

Những trang viết của Gương mặt loài Homo Sapiens còn cho bạn đọc thấy một thực tế rất khác về những người da đen châu Phi ở Congo. Họ bị áp bức nặng nề bởi chủ nghĩa thực dân Bỉ nhưng tinh thần quật cường, ý chí phản kháng chống lại thực dân để xây dựng một nước Congo độc lập, dân chủ luôn trỗi dậy ở một bộ phận những người dân và trí thức yêu nước. Trong đó tiêu biểu là nhân vật Patrice Lumumba, một thanh niên trí thức trẻ, một người anh hùng dân tộc của Congo, sau này trở thành vị thủ tướng đầu tiên của Congo độc lập đã nói những lời đầy tin tưởng: “Nhất định châu Phi sẽ viết nên lịch sử riêng của nó. Đó sẽ là lịch sử ở phía bắc và phía nam của sa mạc Sahara, một lịch sử vinh quang và thấm đẫm nhân phẩm, chứ không phải lịch sử của sự cắn răng chịu đựng nỗi lăng nhục triền miên” (trang 192).

Chính vì tinh thần quật cường và giàu tư tưởng nhân bản ấy nên tuy sống trong nghèo khổ, lạc hậu và xa lạ với văn minh phương Tây nhưng đời sống tâm hồn của các bộ tộc Congo lại rất trong sáng và đẹp đẽ. Họ đã làm nên cuộc sống của một xã hội loài người thu nhỏ mà ngày nay con người của xã hội văn minh đang mơ ước: “Ở đấy không hề có nạn bắt bớ, giam cầm và tàn sát nhau như tại Somaliland thuộc Ý, hoặc tại Pháp và Hà Lan. Không hề có mối thâm thù giữa người Đức và người Pháp do Hitler đầy hoang tưởng dựng lên, đẩy hàng triệu thanh niên vào cuộc chiến tranh phi nghĩa. Không hề có tình trạng dùng vũ lực cướp nước rồi bỏ dân bản địa chết đói đối với bọn Đức Quốc xã tại Hà Lan và bọn phát xít Nhật tại Việt Nam” (trang 315). Tương tự, trong hồi ký của nhân vật Po Martin cũng đưa ra những tư tưởng rất tiến bộ về cách ứng xử giữa người với người để triệt tiêu chiến tranh: “Bạn có bao giờ mong muốn ai đó đối xử dã man với bạn không? Đương nhiên là không. Vậy thì, tôi mong bạn đừng bao giờ đối xử dã man với bất cứ ai. Những kẻ manh tâm hành động dã man không xứng đáng là người đâu. Họ là ác quỷ đấy” (trang 322).

Những trang viết như thế đã làm sáng lên cuốn tiểu thuyết Gương mặt loài Homo Sapiens của Trần Như Luận. Nó làm cho người đọc không rơi vào bi quan mà đã tạo nên một niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người. Đó cũng là chất lãng mạn đáng kể của Trần Như Luận trong cuốn tiểu thuyết này.

Đọc Gương mặt loài Homo Sapiens ban đầu độc giả sẽ có cảm nhận đây là một cuốn sách khó đọc và khô khan nhưng càng đọc bạn sẽ càng bị cuốn hút. Cuốn hút vì sự hấp dẫn của một nội dung vô cùng phong phú của loài Homo Sapiens như là một chương đen tối trong lịch sử nhân loại được nén chặt trong 370 trang sách. Cuốn sách còn cuốn hút người đọc vì lối dẫn chuyện điềm đạm, tự tin, chủ động của tác giả. Mặt khác, lối hành văn ngắn gọn, ý tại ngôn ngoại được xây dựng bởi một bố cục hợp lý là một trong những thế mạnh của Trần Như Luận ở tác phẩm này.

Trước khi Gương mặt loài Homo Sapiens ra đời, nhà văn người Bình Định Trần Như Luận đã là tác giả của 7 đầu sách được xuất bản. Anh làm thơ, viết truyện ngắn, truyện dài, biên khảo và có thế mạnh về tiểu thuyết. Gương mặt loài Homo Sapiens là cuốn tiểu thuyết thứ 3 trong gia tài sáng tác văn học của anh. Đây thực sự là một cuốn tiểu thuyết thành công không chỉ vì đề tài mới lạ mang tính nhân bản cao mà còn vì những giá trị về nội dung và ý nghĩa mà cuốn sách mang lại cho bạn đọc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.