'Về nhà đi con' dạy gì cho giới trẻ?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
16/05/2019 16:26 GMT+7

Về nhà đi con , phim truyền hình đang công chiếu đang gây sốt với khán giả Việt. Những câu chuyện xoay quanh gia đình 3 cô con gái Huệ, Thư, Dương cuốn hút nhiều người trẻ. Có gì ở bộ phim này khiến nhiều người mê như thế?

Về nhà đi con, câu chuyện sống động về gia đình

Nguyễn Trần Châu Mỹ, 22 tuổi, sinh viên năm cuối khoa Luật kinh tế, Trường ĐH Mở TP.HCM, cho hay cô không bỏ sót tập nào của Về nhà đi con. “Tôi không có cảm giác đây là các diễn viên đang đóng vai họ là những người thân trong một gia đình. Bởi họ diễn quá đạt, giống như là chị em ruột thịt, cha con, chỉ là những chuyện đời thường trong một gia đình mà sao hấp dẫn đến thế”, Mỹ nói.
“Nếu nói thích, thì tôi thích hết các nhân vật trong phim, còn thích nhất, chắc là cô em út Ánh Dương. Những hành động, những lời nói của cô em út đều có ý nghĩa sâu sắc. Ánh Dương cá tính, mạnh mẽ, tuy miệng luôn nói to và chống đối gia đình nhưng hành động thì luôn thể hiện sự yêu thương gia đình của cô ấy là số 1. Ánh Dương làm tất cả vì bố, làm mọi cách để giúp đỡ hai chị trong gia đình mình”, Mỹ chia sẻ.
 
Nguyễn Trần Châu Mỹ đặc biệt thích Về nhà đi con Ảnh nhân vật cung cấp
Với nữ sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM, Về nhà đi con có tính giáo dục nhiều với người trẻ: “Một bộ phim phản ánh đúng thực trạng hiện nay của xã hội, với những con người ngoài xã hội thực tế. Thông điệp xuyên suốt trong phim đó là gia đình là tất cả, sự yêu thương của bố mẹ đối với các con là duy nhất. Dù đi đâu làm gì sự yêu thương của gia đình là vô bờ bến. Dù các con có thể sai lầm, vấp ngã tới đâu, nhưng luôn có vòng tay cha mẹ bao dung và nói “Về nhà đi con”.
Chị Phan Xuân, đang công tác tại UBND xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, Thái Bình, cho biết xem Về nhà đi con cho chị học được các kinh nghiệm sống, cách ứng xử với cha mẹ, biết được cha mẹ yêu thương mình nhiều như thế nào, dù đôi khi có nói nặng lời, hay đánh mắng mình, thì cũng xuất phát từ lòng yêu thương.
“Tôi xem Về nhà đi con và đồng cảm với các nhân vật trong phim. Với Huệ, tôi cảm thương lòng hiếu thảo, thương bố, thương các em của bạn ấy, bạn luôn biết hy sinh hạnh phúc của bản thân mình cho người thân. Với Thư, mặc dù sống rất thực tế, nhưng cũng bắt nguồn từ lòng thương bố, thương các chị, luôn muốn cuộc sống đầy đủ vật chất nhưng cô ấy không hiểu rằng để kiếm được tiền của người khác là không hề đơn giản, vì vậy đã vấp ngã không ít lần”, chị Xuân chia sẻ.

Xem Về nhà đi con, tôi càng thương bố nhiều hơn

Nguyễn Thu Nga, 23 tuổi, nhân viên lễ tân khách sạn trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM, bộc bạch, Về nhà đi con là một trong những phim truyền hình Việt Nam hiếm hoi mà cô theo dõi thời gian qua. “Tôi không mấy xem phim truyền hình, vì thứ nhất mình không có nhiều thời gian để theo dõi, thứ hai nhiều phim truyền hình Việt trước đây khiến mình thất vọng nhiều. Tuy nhiên Về nhà đi con, lời thoại hiện đại, tình huống sâu sát với đời thật, nhân vật như bước ra từ đời thật, không “giáo điều” nên xem có cảm giác thú vị”, Ngân chia sẻ.
Nga cũng là con út trong gia đình có 2 chị em gái, một thời gian tuổi thơ cô từng giận bố vì bố luôn mong cô là con trai, không bao giờ dành thời gian đưa hai chị em cô đi chơi hay chiều chuộng con gái út trong nhà như nhiều ông bố khác vẫn làm. Xem Về nhà đi con, cô càng thấm thía và thương bố nhiều hơn. “Bố luôn yêu thương các con, luôn là người ngóng đợi các con trở về, dù các con có sai trái như thế nào bố vẫn luôn là người vị tha, bao dung. Bây giờ tôi đã tốt nghiệp đại học, tôi đã đi làm tự chủ cuộc sống, bố vẫn luôn âm thầm quan tâm tới tôi, luôn sợ tôi sống thiếu thốn, làm việc quá vất vả”, Nga xúc động.
Với Lâm Thị Ngọc Diệu, sinh viên năm cuối khoa quản trị kinh doanh, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Về nhà đi con là bộ phim cuốn hút nhiều người trẻ, trong đó có cô. “Về nhà đi con thu hút tôi, bởi diễn viên Bảo Thanh và Như Quỳnh là những diễn viên tôi yêu thích. Đây cũng là bộ phim chủ đề gia đình nhưng gia đình ấy thiếu vắng bóng hình của người mẹ. Trong khi đó, gia đình tôi, bố đi làm suốt nên hầu như suốt thời gian còn lại, chỉ có mẹ tôi ở nhà quán xuyến nhà cửa, chăm sóc các con. Vậy thì một mái ấm, nếu như thiếu vắng đi vòng tay người mẹ sẽ như thế nào, tôi luôn tò mò, đó cũng là lý do tôi theo dõi phim. Thứ ba, tôi thật sự ấn tượng với Dương, con gái út của gia đình, có thể bạn ấy bằng tuổi tôi nên tôi thấy phim gần gũi, thực tế”, Diệu nói.
Ngọc Diệu cho hay cô học được nhiều điều từ mỗi tập phim gần gũi này Ảnh nhân vật cung cấp
Theo Diệu, Về nhà đi con cho những người trẻ như cô bài học về sự chia sẻ, đừng nên sống ích kỷ cho bản thân mình: “Huệ, Anh Thư và Ánh Dương trong Về nhà đi con luôn có cách thể hiện tình cảm với bố mẹ rất rõ ràng, yêu thương, xúc động, trong khi đó, tôi thấy khá là ít bạn trẻ hôm nay có thể làm được những điều ý nghĩa như vậy cho cha mẹ, người thân. Mỗi ngày xem phim, tôi hiểu ra rằng, mình phải đặt vị trí của mình vào cha mẹ, để hiểu được cha mẹ mình hơn. Đôi khi những gì mình nhìn thấy, không hoàn toàn đúng. Hãy đặt cảm xúc của mình vào người khác, để hiểu hơn những người bên cạnh”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.