Đến khu vực BV Nhân dân 115, cả phía đường Sư Vạn Hạnh (trước hai bên cổng vào khoa Cấp cứu) và phía con đường nối từ Sư Vạn Hạnh qua Nguyễn Tri Phương, đập vào mắt người bệnh là cảnh bầy hầy bởi có quá nhiều người bán thức ăn chiếm hết vỉa hè, từ xe hủ tíu, đến xe cơm sườn, gánh bún riêu, xe bánh mì… Ngày nào cũng vậy, cảnh chiên xào, nấu nướng ì xèo, trong một môi trường bụi bặm, đông đúc xe cộ qua lại. Nhiều hàng quán thoải mái đổ nước thải ra đường, nồi niêu xoong chảo để ngổn ngang ngoài lề đường cho ruồi bu... trông giống như một chợ lề đường hơn là cổng một BV lớn của TP.
Muốn rẻ phải chịu bẩn!
Cạnh bên BV Nhân dân 115 là Viện Tim TP, mặc dù lượng hàng rong, xe đẩy có ít hơn, nhưng gần như cũng chiếm hết phần vỉa hè. "Không chỉ buôn bán lộn xộn, mất vệ sinh, mà các xe hàng rong còn cản trở xe cấp cứu ra vào BV Nhân dân 115 và Viện Tim, làm chậm thời gian cấp cứu quan trọng", một bác sĩ của BV bức xúc.
Tương tự, trước BV Ung Bướu (đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh) luôn đông đúc hàng quán, dẫn đến tình trạng kẹt xe thường xuyên. Nhiều người nấu bún riêu, nướng thịt… ngay trên hoặc cạnh miệng cống, nước thải sinh hoạt cũng được đổ ngay miệng cống.
Khu vực đường Nguyễn Chí Thanh và Thuận Kiều đối diện cổng BV Chợ Rẫy, tình trạng buôn bán đồ ăn thức uống cũng nhếch nhác, bầy hầy không kém. Vào một quán cơm gần BV Chợ Rẫy để "thưởng thức" và ghi nhận, chúng tôi nghe một chị đi nuôi bệnh giục người thân: "Ăn đại cho qua bữa đi, nhìn người ta làm là không nuốt được đâu, kinh lắm!".
Trước cổng BV Nhi đồng 2 trên đường Nguyễn Du (Q.1), tình trạng buôn bán hàng rong, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh cũng diễn ra ì xèo suốt ngày. Các hàng ăn, xe đẩy thức ăn không hề được che đậy, người bán thì vô tư "bốc hốt". Thực khách của quán hàng rong khu vực này không chỉ là các ông bố, bà mẹ nuôi con bệnh, mà còn có cả nhân viên văn phòng làm việc tại các tòa nhà cao ốc gần đó.
Khu vực bên cạnh BV Phụ sản Hùng Vương, góc đường Lý Thường Kiệt, thực phẩm được nấu ở một nơi khác rồi đưa đến. Mỗi "chủ quán" bao lấy một gốc cây làm nơi bán, thêm vài cái xô, chậu để nhúng chén đĩa sau khi khách ăn xong rồi đem ra đựng thức ăn cho khách tiếp theo. Đồ ăn dư thừa, chén đĩa dơ để lăn lóc dưới từng gốc cây. Một chị ngoài 40 tuổi nói: "Từ xa đến nuôi bệnh, không có phương tiện đi lại nên cố ăn thôi, chứ mấy chỗ thế này có vệ sinh gì đâu". Nghe thế, cô bán hàng chen ngang: "Chỉ có 15 ngàn đồng một phần cơm mà đòi an toàn thực phẩm ở đâu ra. Muốn vậy vào nhà hàng mà ăn!". BV Phụ sản Từ Dũ nằm ngay trung tâm Q.1, nhưng vỉa hè đường Cống Quỳnh sát BV tình trạng buôn bán thức ăn cũng rất lộn xộn và mất vệ sinh.
Chính quyền kêu khó
Theo ghi nhận của chúng tôi, các BV đều có căn-tin hay điểm bán hàng ăn bên trong, nhưng hầu hết tại đây đồ ăn thức uống đều được bán với giá cao hơn nhiều so với bên ngoài, như căn - tin BV Nhân dân 115, BV Hùng Vương… Trong khi đó, phần lớn người bệnh đến từ các tỉnh xa, là người nghèo nên phải chấp nhận ra ngoài ăn uống. Mặt khác, các căn - tin BV đều không thể đáp ứng hết cho lượng người vào BV. Chính vì vậy, ở đâu có BV là ở đó quán ăn, hàng rong tập trung đông đúc, gây lộn xộn, mất vệ sinh.
Đại úy Nguyễn Văn Mến (Công an P.11, Q.5) đang tuần tra trên một tuyến đường cạnh BV Đại học Y Dược nói với chúng tôi: "Nhìn cảnh nhiều người ngồi ăn bên những gánh hàng rong mà thấy không an tâm về vệ sinh. Khổ lắm, khi thấy có lực lượng tuần tra, họ đẩy xe đi nơi khác. Khi anh em chúng tôi đi qua thì đâu lại vào đấy". Ông Võ Văn Long, Chủ tịch UBND P.12, Q.10 - địa bàn có BV Nhân dân 115 và Viện Tim TP - nhìn nhận: "Tình trạng buôn bán thực phẩm nhếch nhác và mất vệ sinh xung quanh hai đơn vị y tế nói trên diễn ra trong nhiều năm qua. Đây cũng là thực trạng khó giải quyết. Phần lớn những người buôn gánh bán bưng ở khu vực này đến từ nhiều nơi xa xôi, họ bán cả ngày lẫn đêm, cơ quan chức năng không thể có mặt để kiểm soát mãi được".
"Các BV cũng cần tổ chức thêm căn-tin mang tính xã hội, phục vụ ăn uống cho thân nhân nuôi bệnh với giá cả vừa phải, hợp với túi tiền của số đông người đến từ các vùng quê. Vì qua khảo sát của chúng tôi, các căn-tin BV thường bán giá đắt quá", ông Nguyễn Văn Long nói.
Thanh Tùng - Minh Nam - Lê Nga
Bình luận (0)