Về thăm con gái làng chài

11/07/2006 21:19 GMT+7

Những tia nắng cuối chiều êm dịu hòa cùng những đợt sóng đưa chuyến ghe cuối cùng về bến. Khu chợ nhỏ làng chài xã Hàm Ninh (Phú Quốc, Kiên Giang) bỗng chốc trở nên náo nhiệt với cuộc trao đổi mua bán của các mối lái và khách du lịch. Dường như cái không gian nhỏ này đã trở thành điểm tụ họp chung của nhiều đoàn khách từ khắp nơi về tham quan, không chỉ vì hàng hóa tươi ngon, giá cả "mềm" mà còn vì cái cách cư xử chân tình, dễ thương của chị em miền biển - những con người cần cù lam lũ trước cái nắng, gió, sóng từ khơi xa đầy vị mặn biển trời...

Tóc dài "đi bạn"

Men theo lối triền đê ra biển, hàng trăm con ghe nhỏ tấp bờ san sát nhau... Cánh phụ nữ - từ thiếu nữ đến trung niên - vội vàng thu dọn "chiến lợi phẩm" vừa mang từ ngoài khơi trở về, rồi đan lại lưới hoặc phụ một tay sửa chữa ghe thuyền, chuẩn bị cho hành trình thường lệ vào sáng sớm ngày mai.

Trên một chiếc ghe, một cô gái đang gỡ lưới những con còi biên mai, hàu vừa trông thấy khách đã nhanh nhảu mở lời mời mọc. Ánh mắt cô rạng ngời dù sau một ngày vất vả cùng mẻ lưới. Vẻ mặt tươi tắn, Nhỏ (tên cô gái) chìa ngay "sản phẩm" trong lòng bàn tay, giới thiệu: "Đây là con còi biên mai, còn tươi sống, nhà em vừa mới bắt được. Con này đem về xào nấu rất ngon ngọt...". Vui chuyện, khách hỏi về công việc thì Nhỏ nhanh nhảu đáp: "Sáng nào em cũng chuẩn bị đầy đủ các vật dụng và cùng gia đình đi đánh bắt, chiều về thì phụ giúp gỡ lưới. Khi nào lưới rách em phải ngồi đan lại nhưng không phải cứ đan xong là có thể đánh bắt được, vì lưới càng cũ thì chẳng thu hoạch được gì...". Nhỏ hài hước thêm: "Lưới mới vừa chắc tốt vừa thơm, con mồi mới tìm đến; chứ không như cái lưới “xào đi xào lại” này, tụi nó quen mùi cắn nát chui đi gần hết rồi!".

Nhỏ không phải là cô gái duy nhất đi biển, rồi về gỡ lưới "kiêm" luôn cả việc buôn bán sản phẩm từ biển khơi tại làng chài, mà hầu như những bé gái vùng này cứ lên 9-10 tuổi thì đều đã một lần thử "đùa vui" cùng sóng biển. Chị Thu kể: "Hồi nhỏ, ngày đầu tiên theo ba má ra thuyền, mình thích lắm. Thế là mình xin đi. Vừa ra xa được một tí, sóng đánh mình đã say choáng váng, nôn mửa xanh cả mặt... Nhưng chỉ sau vài lần bị như vậy là bình thường ngay!". Dường như đối với từng đứa trẻ ở làng chài Hàm Ninh, ai chưa lần nào "nôn mửa mật xanh mật vàng"  thì không phải dân vùng biển.

Làm quen với biển từ khi còn rất nhỏ...

Những người phụ nữ như Nhỏ, Thu đi biển được mọi người ví là "đi bạn". Con số phụ nữ đi biển cũng rất hiếm, chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi, bởi nhiều lẽ: chị em phụ nữ không khỏe được như thanh niên trai tráng và không có khả năng đương đầu với sóng to gió lớn. Phụ nữ chỉ lo việc "hậu cần". Thế nhưng, nhiều chủ ghe vốn liếng có hạn nên ai có vợ, chị em gái thì cũng tham gia "đi bạn" cùng; tiết kiệm chi phí thuê người.

"Đi bạn", không có nghĩa phải am hiểu việc đánh bắt, nhưng hầu hết mỗi cư dân tại làng chài Hàm Ninh khi sinh ra đều mang trong mình dòng máu, năng khiếu đánh bắt mà họ nghe qua từ kinh nghiệm của người đi trước. Họ luôn sát cánh giúp đỡ nhau, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đánh bắt từng loại hải sản. "Mình có yêu sông nước, có nếm vị mặn, có "chơi" với sóng thì mới bám trụ với nghề. Nhiều người cứ nghĩ biển động thì ngư dân sẽ ở nhà nhưng thực tế không phải vậy. Biển động có nhiều dạng, ví dụ con nước xoáy nhỏ, biển hơi động, thì chắc rằng cuộc đánh bắt ngày hôm đó sẽ rất thành công, đầy lưới. Đó là do cua, ghẹ và còi trồi lên chạy đi nơi khác. Còn từ tháng 8 trở đi, có đợt gió bấc thổi ngược từ biển vào, làm biển động mạnh, sóng to, báo hiệu cho các loại thuyền ghe nhỏ nên cập bờ sớm. Thời điểm đó, các thuyền sẽ di dời về bến lớn ở An Thới, thậm chí dọc ven con đê này cũng rất nhiều ghe thuyền trú ngụ...", chị Thu vừa nói vừa chỉ tay ra con đê tấp nập thuyền bè về chợ.

"Vui lòng khách đến..."

Ngoài vai trò "đi bạn", phụ nữ làng chài còn là một hậu phương vững chắc cho gia đình, cho cả đoàn ghe. Nhìn Nguyệt khá già dặn so với cái tuổi 22, bởi: "Em lập gia đình được mấy năm rồi. Hằng ngày cứ 5h sáng là em phải chuẩn bị đâu vào đó cho chồng đi biển. Thời gian còn lại em lo cho con cái, lo công việc trong nhà. Buổi chiều từ 16h, em ra biển phụ mọi người tháo lưới để đem bỏ mối cho các chủ vựa. Ngày nào cũng vậy, chỉ khác đôi chút về mặt thời gian là ra khơi sớm hay muộn và về lúc nào mà thôi". Dân làng chài - dù là phụ nữ - vẫn có cái hào sảng của biển khơi.

Kịp chở hàng ra buổi chợ chiều

Nguyệt là người khá nhanh nhẹn, tinh tế trong việc kinh doanh nhưng cũng rất trung thực và chiều lòng khách. Thuyền cập bến, những loại hải sản tươi sống được Nguyệt nhanh tay tháo gỡ để đem đi cho kịp chợ chiều. Nhiều đoàn du khách đến tham quan muốn đem sản phẩm biển về làm quà, Nguyệt chọn kỹ lưỡng và đóng hộp cho họ với giá rất "mềm" so với ngoài chợ. Cách buôn bán chân tình của những phụ nữ như Nguyệt góp phần thu hút khách du lịch đổ về làng chài để tìm mua quà và nghe những câu chuyện của ngư dân. Nơi đây tạo cho họ có cảm giác thân thuộc như vừa trở về một chốn thân quen. Đâu đó vang lên tiếng cười sảng khoái của một "khách mày râu", phá tan không khí im ắng buổi chiều tà trên con đê của biển: "Nhìn này, cả túi ghẹ mấy chục con mà giá chỉ có 100.000 đồng, rẻ không? Mọi người tới chỗ cô mặc áo đỏ đang bán, vẫn còn. Đấy đấy...".

Nhiều đoàn khách đến rồi đi, rồi lại đến... còn các chị em vẫn lặng lẽ tiếp tục công việc thường ngày. Đối với họ, công việc cũng chính là tình yêu, là hơi thở cuộc sống từ nhiều đời truyền lại.

Châu Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.