Về tội tuyên truyền chống Nhà nước

18/07/2009 00:27 GMT+7

Việc giữ vững hòa bình, an ninh và trật tự xã hội đất nước, chống khủng bố là lợi ích thiết yếu của mọi quốc gia. Mặc dù có không ít quan điểm cho rằng mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm và họ đã dựa vào Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị (ICCPR) để bảo vệ cho luận điểm của mình.

Tuy nhiên khoản 3 Điều 19 của Công ước Quốc tế về quyền dân sự, chính trị đã quy định rất rõ việc hành xử quyền tự do phát biểu quan điểm (quy định tại khoản 2 Điều 19) đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn pháp luật vì nhu cầu: Tôn trọng những quyền tự do và thanh danh người khác; Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý.

Tương tự, quyền hội họp có tính cách hòa bình cũng có thể bị giới hạn bởi luật pháp, vì các nhu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý hay những quyền tự do của người khác (Điều 21).

Như vậy, mặc dù quyền tự do ngôn luận và quyền hội họp có tính cách hòa bình... được thế giới thừa nhận nhưng một khi các quyền này ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng của quốc gia nào thì quốc gia đó có quyền giới hạn các quyền tự do ngôn luận và hội họp có tính cách hòa bình... nêu trên.

Bên cạnh đó, Điều 20 của Công ước Quốc tế về quyền dân sự, chính trị cũng nghiêm cấm mọi hình thức tuyên truyền, cổ vũä chiến tranh, cũng như mọi hình thức gieo rắc căm hờn, xúi giục kỳ thị, hiềm khích, kích thích bạo động giữa các quốc gia, các chủng tộc tôn giáo.

Như thế nào là hành vi đe dọa đến an ninh quốc gia? Như thế nào là ảnh hưởng đến trật tự công cộng? Tuyên bố của Hội nghị Nhân quyền thế giới tại Viên (Áo) năm 1993 cũng đã nêu rõ cần phải tính đến các đặc thù quốc gia và khu vực cũng như những nền tảng khác nhau về văn hóa, lịch sử và tôn giáo của mỗi quốc gia trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Do đó, một hành vi, phát ngôn ở quốc gia này có thể không bị coi là hành vi đe dọa an ninh quốc gia và vi phạm trật tự an toàn xã hội nhưng ở một quốc gia khác thì hoàn toàn có thể bị coi là đe dọa an ninh quốc gia, vi phạm trật tự công cộng. Xét riêng đến quốc gia Việt Nam, chúng ta có thể thấy rằng, nét đặc thù của Việt Nam lại càng mang tính đặc biệt khi Việt Nam phải trải qua nhiều năm tháng chiến tranh chống ngoại xâm mới giành lại được hòa bình, độc lập và tự do dân tộc; đến nay các lực lượng thù địch chưa từ bỏ tham vọng chính trị, đã và đang thành lập tổ chức từ nước ngoài, nuôi dưỡng và cấu kết với các phần tử trong nước, tiến hành thâm nhập vào Việt Nam nhằm lật đổ Nhà nước Việt Nam.

Để giúp tăng cường sự hiểu biết và ủng hộ trong việc đấu tranh chống những âm mưu và hành động của những tổ chức, cá nhân mưu đồ khủng bố gây bạo loạn, lật đổ Nhà nước, phá hoại cuộc sống bình yên của người dân. Bài viết xin sơ lược về nội dung và các đặc điểm cơ bản của tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được quy định tại Điều 88 của Bộ luật Hình sự năm 1999, mà vừa qua Cơ quan An ninh điều tra Việt Nam đã bắt giữ một số đối tượng có hành vi vi phạm tội danh này, câu kết với một số phần tử ở nước ngoài hoạt động với mục đích lật đổ, chống Nhà nước Việt Nam.

Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999 quy định: “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”:

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

A) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

B) Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân;

C) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Phạm tội trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Theo quy định của điều luật, thì tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thể hiện qua những hành vi sau đây:

- Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, như là: hành vi xuyên tạc, đả kích các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý cán bộ, nói xấu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nói xấu lãnh tụ, cán bộ, công chức Nhà nước... người phạm tội có thể lợi dụng những hiện tượng tiêu cực, khoét sâu những khó khăn trước mắt, thổi phồng những khuyết điểm trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội, làm cho người khác không tin vào chế độ, vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của bộ máy Nhà nước, giảm sút ý chí trong lao động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân, là hành vi sử dụng những luận điệu chiến tranh tâm lý của địch để tuyên truyền, kích động, xuyên tạc,... đánh vào tâm lý của nhân dân, tạo ra sự sợ hãi, tư tưởng cầu an hoặc bịa đặt, tung tin thất thiệt gây hoang mang, nghi ngờ trong nhân dân. Hình thức tuyên truyền có thể là truyền miệng, phao tin, thông qua hội thảo bài giảng, bài viết trên báo...

- Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là hành vi: sản xuất (viết, in, vẽ, chụp ảnh...), cất giấu, lưu hành, những sách báo, phim, tranh ảnh, thơ ca truyền đơn, kịch bản và những văn hóa phẩm khác có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Mục đích người phạm tội khi thực hiện các hành vi tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa, phá hoại sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trong xã hội, xâm phạm sự vững mạnh của chính quyền nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Việc xử lý hình sự tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ được xem xét với người từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự, thực hiện tội phạm một cách có chủ ý với mong muốn là nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 88 Bộ luật Hình sự 1999, quy định hai khung hình phạt:

+ Khung 1: Quy định hình phạt tù từ ba năm đến mười hai năm áp dụng đối với người thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 điều luật này.

+ Khung 2: Quy định hình phạt tù từ 10 năm đến 20 năm áp dụng đối với người phạm tội trong các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng như: sử dụng thủ đoạn xảo quyệt, phạm tội có tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng...

Ở Việt Nam, quyền tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến của công dân được pháp luật bảo đảm và được thực hiện trên thực tế. Tuy nhiên, với những hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận vi phạm pháp luật, thì việc xử lý những người vi phạm pháp luật là cần thiết và là việc làm bình thường mà các quốc gia trên thế giới thực hiện. Mặt khác, đây hoàn toàn là công việc nội bộ của Việt Nam, được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục của pháp luật Việt Nam, và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Quốc tế về quyền dân sự, chính trị.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.