Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH nhìn nhận, đầu tư nguồn lực cho giảm nghèo hiện chưa có sự thống nhất và còn khác biệt lớn giữa số liệu của các bộ ngành về nguồn lực ngân sách dành cho giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012. Số liệu của Bộ LĐ-TB-XH cho biết tổng vốn huy động cho mục tiêu giảm nghèo năm 2005 - 2012 là 671.797 tỉ đồng, trong khi theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính thì hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách và chương trình giảm nghèo khoảng 734.000 tỉ đồng. Còn số liệu của Bộ KH-ĐT cho biết vốn ODA đã giải ngân là 36.000 tỉ đồng, nhưng chưa tách rõ số liệu nguồn vốn của chương trình dự án tác động trực tiếp đến giảm nghèo. “Như vậy là không thống nhất và có sự chênh lệch rất lớn giữa các loại số liệu. Lý do là vì chưa có sự thống nhất giữa các bộ về tiêu chí phân loại nguồn vốn. Nguồn nào được coi là trực tiếp đầu tư cho giảm nghèo, nguồn nào là đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội chung trong đó có tác động đến giảm nghèo”, bà Chuyền nói.
Mặc dù chính sách giảm nghèo đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm 1,8 - 2% hộ nghèo của cả nước năm 2013 (từ 9,6% năm 2012 xuống còn khoảng 7,6 - 7,8% năm 2013), thế nhưng do một số chính sách ban hành không có quy định ràng buộc, cho không dẫn đến tâm lý ỷ lại, không tạo động lực để người nghèo thoát nghèo, gây bất bình trong dư luận.
Liên quan đến vấn đề này, ông Giàng Seo Phử, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho hay hiện có trên dưới 200 chính sách về dân tộc miền núi của các bộ, ngành và Chính phủ ban hành. “Dù tất cả các chính sách này đều cần thiết, tác động đến người nghèo, nhưng về mặt cơ chế, quản lý như vậy là bất hợp lý", ông Phử bày tỏ. Từ thực tế đi giám sát ở địa phương, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thế Phương nói: “Mỗi tháng, hộ nghèo được hỗ trợ 30.000 đồng tiền điện. Ở những vùng sâu vùng xa, để nhận được số tiền ít ỏi này, những hộ nghèo phải bỏ tiền đi xe ôm, chưa kể chi phí đi lại, ăn ở... Tính ra còn nhiều hơn số tiền được nhận. Vì vậy, nên xóa bớt chính sách này họ đỡ phải đi nhận, chỉ nên hỗ trợ cái gì thiếu, còn cứ cho không người nghèo dễ ỷ lại”.
Ủng hộ quan điểm này, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý khi thiết kế chính sách phải làm sao có chính sách phù hợp để hạn chế tái nghèo và giảm nghèo bền vững. Ông yêu cầu giảm dần các chính sách hỗ trợ mang tính trợ cấp, xác định lại từng đối tượng: cho không, đối tượng cho vay, đối tượng hỗ trợ. Đặc biệt, tách đối tượng không thể thoát nghèo thành đối tượng được bảo trợ xã hội.
Thu Hằng
Bình luận (0)