Venice và những mối tình gondola

24/01/2009 11:45 GMT+7

Tôi đến với thành phố nước Venice vào một ngày đầu Xuân lạnh tê tái, sau khi trải qua 15 tiếng đồng hồ ngồi xe đò từ Pháp sang. Như để đền bù cho chuyến đi dài mệt nhọc, Venice hiện ra lãng mạn, ngộ nghĩnh và thân thiện.

Từ bến xe tôi đi bộ chừng mười phút thì đến khách sạn nằm nép mình trong một con hẻm nhỏ. Mang tiếng là khách sạn hai sao nhưng phòng tôi bé tẹo, với chiếc giường xinh xắn và chiếc TV nhỏ .

Người đàn ông trung niên làm công việc tiếp tân vui vẻ chỉ đường cho tôi ra quảng trường Saint Marco, khu trung tâm Venice. Ông kết luận đơn giản: “Không lạc được đâu, vì khắp nơi là các mũi tên chỉ đường ghi rõ “Saint Marco”. Nhưng từ đó trở về lại khách sạn mới là vấn đề, nhưng cô chỉ cần hỏi, dân Venice chúng tôi hiếu khách lắm!”.

Thuỷ tinh và mặt nạ Venice

Háo hức, tôi bước vội ra đường, ngay trước mặt tôi là cửa hàng bán đồ lưu niệm bằng thuỷ tinh Venice. Có thể thuỷ tinh của Áo là số một trên thế giới về chất lượng, nhưng thuỷ tinh ở Venice hút hồn tôi ở tính sáng tạo tuyệt vời của các nghệ nhân Italia. Những món nữ trang lấp lánh, những tấm tranh sắc sảo, những đồ trang trí độc đáo.

Tôi quyết định mua cho mẹ một đôi bông tai thuỷ tinh cực đẹp có kiểu dáng khá trẻ trung với ý đồ “đen tối”: nếu mẹ chê không hợp tuổi, tôi sẽ thừa hưởng nó. Sát bên tiệm thuỷ tinh là vô số các shop bán những món đặc biệt chỉ có ở Venice như mặt nạ carnival, các bộ quần áo hoá trang dành cho lễ hội, các loại trang phục lụa tơ tằm, các mô hình thu nhỏ của ghe gondola…

Mặt nạ carnival được làm bằng thạch cao hoặc sứ, trang trí độc đáo bằng các hoạ tiết cầu kỳ, bên phần trán của mặt nạ thường dát vàng rực rỡ. Mỗi một mặt nạ là một kiểu trang trí khác nhau vô cùng đa dạng nhưng có cùng một đặc điểm là lộng lẫy, choáng ngợp và vương giả. Tôi mua vài mặt nạ bé bỏng, cao chỉ… 10 cm.

Những chiếc mặt nạ này chỉ để làm quà, dùng trang trí trong những căn phòng nhỏ. Giá trung bình là 10 euro. Mặt nạ kích thước càng lớn, giá càng cao nhưng cũng đẹp hơn và mang hồn Venice hơn.

Kênh lớn

Không muốn sa đà vào chuyện mua sắm, tôi quyết tâm thẳng tiến ra quảng trường Saint Marco. Băng qua các con hẻm lớn nhỏ và những chiếc cầu xinh xinh, tôi đến Kênh Lớn (Grand Canal) lúc mặt trời đỏ ối đang trườn dần xuống biển.

Đứng trên chiếc cầu lớn bắc ngang kênh, nhìn sang hai bên bờ, những mái nhà ngói hồng, tường bằng gạch nung đỏ dường như cũng đang chìm dần xuống sóng nước dập dìu. Venice được xây trên hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, được chống đỡ bởi hàng triệu cây cọc đóng sâu xuống lòng đất.

Đã xem phóng sự về Venice trên TV, nhưng có tận mắt nhìn thành phố hoàn toàn được nước bao phủ khắp nơi, cảm thấy chân mình dường như cũng bồng bềnh, tôi mới thấm thía cho phong cách kiến trúc độc nhất vô nhị của thành phố này. Hai bên kênh đào là vô số các cung điện cổ từ thế kỷ thứ 13 với các mái vòm vương giả, lộng lẫy, huy hoàng.

Con Kênh Lớn là đường huyết mạch, hình chữ S uống cong, chảy vắt ngang Venice thơ mộng. Vào buổi hoàng hôn, mặt nước phản chiếu ánh đỏ của ráng chiều, hắt lên những dinh thự bằng đá cẩm thạch theo kiến trúc Gothic, sóng vỗ nhẹ vào bờ làm chao liệng những chiếc ghe gondola đang neo cột trên bến.


 Một trong những con kênh nhỏ.


Những mối tình gondola

Và rồi sau một hồi đi loanh quoanh theo những mũi tên chỉ đường, tôi cũng đến được quảng trường Saint Marco khi trời vừa tắt hẳn những sợi nắng cuối cùng. Mặc dù vậy, quảng trường vẫn hiện ra trong ánh đèn đêm lung linh và huyền ảo. Saint Marco được xây dựng trải dài qua nhiều thế kỷ nên các phong cách kiến trúc không đồng bộ dù vẫn có vẻ hài hoà chung. Từng chi tiết nhỏ, từng hoạ tiết, từng viên gạch, từng phiến đá… tất cả đều được các nghệ sĩ thực hiện chăm chút, công phu, tỉ mỉ và đầy chất sáng tạo.

Mùi càphê Cappuccino, mùi phômai nóng chảy trên các bánh pizza, mùi kem vani… từ các nhà hàng bay ra thơm lừng. Tôi chợt nhớ mình còn chưa ăn buổi trưa nên chọn đại một nhà hàng be bé chui vào. Còn sớm nên khách chỉ có tôi và một bàn khác. Người phục vụ lịch sự hỏi tôi có muốn ngồi ở ngoài trời, sát bên mé sông cho lãng mạn không. Đang là mùa Đông nên cái giá cho sự lãng mạn không bị tính thêm tiền.

Nếu mùa Hè thì khác. Khách du lịch nào cũng muốn ngồi ngoài trời ngắm những chiếc ghe gondola bồng bềnh lướt qua, giá đắt hơn là phải. Tôi quyết định chọn ngồi ngoài trời. Dù sao đến Venice vào đầu Xuân lạnh lẽo đã là dại dột, nhưng tôi không có chọn lựa khác. Người khách ngồi bàn bên kia cũng đơn độc nên nói với sang sẽ mời tôi một món tráng miệng. Ông ta dân địa phương, người Venice đích thị.

Tôi ôm túi sang bàn ông ngồi cùng cho vui. Dù biết cũng nên cẩn thận với những người mới gặp tình cờ, nhưng e dè quá sẽ làm mình mất dịp trò chuyện thú vị. Ông hỏi tôi đã thuê ghe gondola dạo quanh Venice chưa. Giá của một lần thuê ghe bao nhiêu tôi chưa rõ, chắc chắn rất xa xỉ với một người đi du lịch bụi, đến Venice bằng xe đò đêm và xài tiền theo kiểu Việt Nam như tôi.

Quê ngoại tôi vùng sông Mê Kông, tôi ngồi xuồng ba lá lướt qua những tán dừa nước cũng lãng mạn chán chê rồi. Gondola không cần thiết nữa, vả lại tôi đi một mình, Venice dù lãng mạn lắm cũng “chỉ thế mà thôi!”. Cười phá lên trước tường trình dài dòng của tôi, ông ta cho biết hàng năm cho cả ngàn phụ nữ cô đơn trên khắp thế giới đến Venice mộng mơ với ước nguyện tìm được một mối tình.

Họ thuê ghe gondola có những anh chèo ghe vạm vỡ, đẹp trai và duyên dáng. Thế là một mối tình gondola giữa những nữ du khách tỉ phú cô đơn và các chàng chèo ghe người Venice nghèo nàn ra đời. Vấn đề là mối tình bồng bềnh ấy kéo dài bao lâu. Tôi hỏi, thắc mắc thật sự. Ông bạn mới quen lại cười phá lên, bảo không thấy có tài liệu nào thống kê, thôi thì cứ mong một kết thúc có hậu.

Trò chuyện vui vẻ với ông nhưng tôi vẫn cảnh giác chẳng dám nhận món tráng miệng ông mời, sợ… có thuốc mê! Và rồi chúng tôi chia tay, chẳng ai biết tên ai. Tôi lại lang thang tìm đường quay lại khách sạn trong đêm Đông lạnh giá. Đúng là quá dại dột khi đến Venice một mình, lại vào mùa Đông. Suốt dọc đường tôi toàn gặp các cặp tình nhân ôm nhau thắm thiết, trông họ ấm cúng và hạnh phúc quá đỗi. Chẳng biết trong số họ có cặp nào xuất xứ từ mối tình gondola?

Bình minh ở Saint Marco

Sáng hôm sau tôi lại đến quảng trường Saint Marco lúc trời còn tờ mờ, trên sông dày đặc sương bay bảng lảng, những chiếc ghe gondola neo đậu bập bềnh, cảnh trí thật huyền ảo, thực thực hư hư. Quảng trường có đại sảnh vương giả với hàng cột dài chạy dọc theo hành lang. Bên trong hành lang ấy là các shop thời trang, quà lưu niệm, nhà hàng, tiệm cà phê….

Quảng trường còn có tháp đồng hồ cao ngạo nghễ, hai bên là tượng người Moaris luôn gõ chuông báo hiệu mỗi giờ. Saint Marco được các dãy nhà vây quanh thành hình chữ nhật với kiến trúc sinh động và đẹp mắt. Ngoài ra, đàn bồ câu mấy ngàn con đang đậu đen nghịt chờ du khách cho ăn là điểm nhấn tuyệt vời cho quảng trường của thành phố Venice. Tôi mua một ít hạt đậu, rải ra và tức thì những chú chim hoà bình sà đến ríu rít tìm mồi.

Tôi biết, chỉ với hai đêm ngắn ngủi lưu lại Venice sẽ chẳng đủ cho tôi chiêm ngưỡng thành phố độc đáo này. Có lẽ phải mất trọn 365 ngày mới mong tham quan đủ mọi ngóc ngách, mới đến được các đảo nhỏ là xưởng thổi thuỷ tinh xem các nghệ nhân trổ tài, mới vào được các dinh thự có vườn hoa rực rỡ…

Các thiên phóng sự truyền hình về Venice năm nào cũng được làm, vậy mà năm nào cũng có những điều mới lạ. Rất nhiều khách du lịch thú nhận dù đã đến đây trên dưới mười lần nhưng lần nào cũng phát hiện ra những điều thú vị mới. Thôi thì tôi chỉ biết tận dụng tối đa thời gian ít ỏi để tận hưởng Venice theo cách riêng của mình. Này là cung điện Catola có kiến trúc Gothic tuyệt mỹ từ thế kỷ thứ 16, nay cung điện được dùng làm nhà trưng bày mỹ thuật.

Cung điện dường như được dát vàng nguyên chất và nạm các loại đá quý vào các cây cột bằng cẩm thạch vững bền. Cung Catola được xem là một công trình mẫu mực thời kỳ đầu của phong trào Phục hưng. Này là các công trình kiến trúc đa dạng nằm dọc theo con Kênh Lớn: Cung điện, nhà thờ, biệt thự… Này là cầu Than Thở, này là những hẻm nhỏ rêu phong, này là những chiếc cầu hình vòng cung oằn lên điệu đà, này là nước, này là ghe, này là những đôi tình nhân, này là những nụ hôn đắm đuối…

Có đến Venice tôi mới tin rằng cảnh trí làm nên tình yêu. Vẻ lãng mạn, huyền ảo, mơ màng của Venice làm tê liệt những tính toán thiệt hơn và đẩy người ta chỉ sống với cảm xúc, vốn luôn bất biến và chẳng bền vững.

Sau chuyến đi tôi đã viết truyện ngắn “Đổ thừa Venice” (Tập “Bồ câu chung mái vòm”) với triết lý này. Vậy bạn hãy đến Venice với hy vọng tìm cho mình một tình yêu lãng mạn, nhưng dù kết thúc có hậu hay không cũng đừng đổ thừa Venice nhé!

Theo Dương Thụy / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.