Vì con cái, tôi trở về...

04/04/2009 11:45 GMT+7

Nhiều người bạn thân biết tin tôi rao bán nhà, bán xe để trở về đã tỏ ra ngạc nhiên, sửng sốt. Họ khuyên tôi nghĩ kỹ lại trước khi quyết định, họ nhắc nhở tôi hãy vì tương lai con cái mà xem lại quyết định vội vã của mình…

Sang Ba Lan từ thập niên 1990, sau mười mấy năm lăn lộn làm ăn ở nhiều nơi trên mảnh đất Đông u này, vợ chồng tôi đã tích góp được số vốn khoảng gần trăm ngàn đôla tiền mặt. Số tiền có thể nhỏ so với không ít người Việt thành đạt cùng thời kỳ nhưng cũng đủ để vợ chồng tôi tạm hài lòng cho công sức lao động đã bỏ ra ngần ấy năm nơi đất khách xứ người.

Nhưng có lẽ tài sản quý giá nhất mà vợ chồng tôi đồng sở hữu trên đất Ba Lan chính là tổ ấm gia đình hạnh phúc được tạo dựng xây đắp khá chuẩn mực trong những năm tháng xa quê: một người chồng năng động, tháo vát, đầy tinh thần trách nhiệm, một người vợ hiền hậu, đảm đang, giỏi giang trong xử thế. Hai đứa con, trai lên 8, gái lên 5 khỏe mạnh, thông minh, học giỏi, ngoan ngoãn vâng lời mẹ cha. Chúng tôi có một căn hộ khiêm nhường ba phòng trong một chung cư, có ôtô và giấy tờ định cư hợp pháp.

Với điều kiện thuận lợi như thế, cuộc sống của tôi có thể sẽ vẹn tròn con đường đi trên đất người. Chúng tôi sẽ nằm trong số không nhiều gia đình người Việt có cùng hoàn cảnh, mặc nhiên coi Ba Lan như quê hương thứ hai của mình.

Thế nhưng tôi sớm nhận ra điều đó lấn cấn trong từ “hội nhập”. Có lẽ từ khi đứa con gái nhỏ 5 tuổi bước chân vào lớp 1 trường người bản xứ. Ngày đầu tiên cháu đến trường và trở về ê a với bài học đầu tiên về Chúa Jesus. Tôi giật mình và không thể giải thích được cho cháu hiểu ngay khi trong nhà mình tại sao còn có bàn thờ Phật Bà Quan m.

Đứa con trai đã học lớp 3, phát âm rành rẽ tiếng Ba Lan nhưng nhiều khi nói tiếng Việt với bố lại ngắc ngứ sai văn phạm. Còn vợ tôi, mỗi lần đến dự các lễ hội của cộng đồng người Việt, cô ấy thích vận những váy áo đồ đầm kiểu cách hơn là chiếc áo dài truyền thống quê hương. Bữa ăn tối sum vầy cả nhà, những món dưa cà mắm muối kho nấu kiểu dân tộc đã vắng dần trên mâm cơm chỉ vì phải ưu tiên hai đứa con quen ăn đồ tây ở trường. Rồi một lần, đứa con lớn tên Huy về nhà hớn hở khoe có thêm tên mới là Tony, hỏi ra mới biết cô giáo ở trường đặt cho để thầy cô, bạn bè người bản xứ dễ gọi…

Tôi thấy rõ một cảm giác mất mát đang ngày càng phủ vào trong tâm trí. Tổ ấm gia đình được coi như vẹn toàn hạnh phúc của tôi giờ đây có nguy cơ rạn nứt. Nó đang từ từ bị đánh cắp đi những gì đó rất đỗi thân thương, gần gũi mà vợ chồng tôi đã lưu giữ được từ lúc bơ vơ mới sang xứ người. Nói cho cùng cuộc sống tha phương nơi đất khách đã tạo nên sự xâm nhập tự nhiên của thực tế xã hội, khó có thể giữ gìn, ngăn chặn nổi.

Sau mười mấy năm ở xa đất nước, chưa bao giờ tôi lại dành nhiều thời gian nghĩ về cội nguồn đến thế. Canh cánh trong lòng người làm cha như tôi giờ đây là nỗi niềm mong mỏi tha thiết cho những đứa con mình được ăn học, lớn lên và trưởng thành ngay trên quê hương đất Việt.

Sau hai tháng trời về nước trước tìm hiểu, chuẩn bị sắp xếp mọi thứ chu đáo, tôi quay sang đón vợ con. Trong bữa cơm chia tay mọi người quen biết, tôi rất xúc động và chỉ nói ngắn gọn được một câu: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.

Nhưng tôi không phải nói ngược đâu. Đã đến lúc tôi quyết định trở về nước, cũng chính là vì tương lai con cái mà thôi!

Theo Việt Lan / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.