CSGT TP.HCM xử phạt người vi phạm - Ảnh: Đ.Huy |
>> Vi phạm luật giao thông có thể bị hạ danh hiệu thi đua
Quy định này được nêu tại Dự thảo lần 4 thông tư (TT) sửa đổi, bổ sung TT 38/2010 của Bộ Công an về việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT). Cơ quan chủ trì soạn thảo - Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VII), Bộ Công an, cho biết việc sửa đổi TT38 nhằm phù hợp với quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính đã có hiệu lực từ ngày 1.7.2013 và đảm bảo tính răn đe trong xử lý các trường hợp vi phạm trật tự ATGT.
Tổng cục VII cho biết, qua gần 3 năm thực hiện TT38, công an các địa phương đã gửi hơn 1,5 triệu thông báo vi phạm đến công an cấp xã, phường, thị trấn nơi người vi phạm cư trú, công tác, học tập để theo dõi giáo dục. Tổng cục VII nhận định cách làm này đã mang lại những hiệu quả tích cực, giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân. Vì vậy, trong lần sửa đổi TT38, Tổng cục VII tiếp tục đề nghị quy định cho phép hằng tuần, Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67), Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội, công an các tỉnh, thành phố được lập danh sách các trường hợp vi phạm giao thông thuộc diện phải gửi thông báo (bằng văn bản hoặc thư điện tử) để “điểm danh” trên báo, đài truyền hình, truyền thanh địa phương. Riêng những trường hợp vi phạm nghiêm trọng như chống người thi hành công vụ hoặc sử dụng rượu, bia, chất ma túy… rồi điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông thì bản danh sách cá nhân vi phạm với đầy đủ thông tin còn phải được gửi về Ủy ban ATGT quốc gia để cơ quan này tổ chức phối hợp thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông T.Ư, đồng thời gửi về Tổng cục VII để theo dõi.
Ai sẽ bị bêu tên ?
|
Theo dự thảo sửa đổi TT38, có rất nhiều lỗi vi phạm thuộc diện phải gửi thông báo về nơi cư trú, như: không có giấy phép điều khiển phương tiện hoặc có nhưng không phù hợp loại phương tiện đang điều khiển; sử dụng giấy phép không do cơ quan có thẩm quyền cấp; sửa chữa, tẩy xóa giấy phép điều khiển phương tiện; trốn tránh nghĩa vụ cứu nạn khi có điều kiện; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, vật chứng có liên quan đến vụ tai nạn giao thông; lợi dụng tai nạn giao thông để xâm phạm sức khỏe, tài sản của người bị nạn (hôi của); chống đối, cản trở việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Ngoài ra, những người vi phạm hành chính tới mức bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ hoặc bị tước quyền sử dụng giấy phép lái tàu, bằng và chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, người lái phương tiện thủy có thời hạn, cũng bị gửi văn bản thông báo vi phạm.
Người vi phạm sẽ bị lập biên bản với đầy đủ thông tin về địa chỉ cư trú (số nhà, đường phố, thôn, ấp, xã, phường, thị trấn, quận, huyện,…), đơn vị công tác, học tập. Thông báo vi phạm được thể hiện bằng văn bản sẽ được đơn vị ra quyết định xử phạt gửi tới công an xã/phường/thị trấn nơi người vi phạm cư trú, công tác, học tập hoặc nơi tổ chức đặt trụ sở làm việc. Thông báo này phải được gửi ngay sau khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Không xuất trình được GPLX...
Để đảm bảo hiệu quả của bản thông báo, dự thảo nhấn mạnh: khi nhận được thông báo vi phạm, công an xã/phường/thị trấn có trách nhiệm vào sổ theo dõi và chuyển thông báo vi phạm đó đến tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, ấp, bản… nơi cư trú của người vi phạm, nơi tổ chức đặt trụ sở làm việc hoặc đến cơ quan, đơn vị, trường học để nhắc nhở, giáo dục.
Trái luật
Tổng cục VII cho biết, các thành viên tổ soạn thảo đã đi tới thống nhất coi việc gửi thông báo vi phạm giao thông về nơi cư trú, cơ quan làm việc và thông báo trên báo chí là một biện pháp giáo dục, tuyên truyền hiệu quả. Hơn nữa, quy định này phù hợp tinh thần chỉ đạo trong các nghị quyết của Chính phủ về kiềm chế, đẩy lùi tai nạn giao thông và luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, việc dự thảo đưa ra quy định công an lập danh sách các trường hợp vi phạm trật tự, ATGT gửi đến các cơ quan thông tin truyền thông để thông báo trên báo, đài truyền hình, truyền thanh địa phương là trái với quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13.11.2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (có hiệu lực từ 1.1.2014).
... và điều khiển phương tiện giao thông khi nồng độ cồn trong máu, khí thở vượt quá
quy định cũng bị bêu tên trên báo chí - Ảnh: Ngọc Thắng
“Theo quy định điều 72 luật Xử lý vi phạm hành chính thì có thể hiểu trong lĩnh vực giao thông đường bộ, luật Xử lý vi phạm hành chính không cho phép cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính công bố công khai về việc xử phạt. Đồng thời, Nghị định 171/2013/NĐ-CP cũng không có bất kỳ quy định nào cho phép cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm giao thông đường bộ được quyền công bố công khai việc xử phạt, kể cả trên trang thông tin điện tử của cơ quan đó cũng như các cơ quan truyền thông, báo chí”, luật sư Hậu nói.
Đại tá Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Công an) nhìn nhận điều 72 luật Xử lý vi phạm hành chính không nói tới việc gửi thông báo vi phạm trong lĩnh vực giao thông và cho biết “cơ quan soạn thảo đang tiếp tục nghiên cứu”. Tuy nhiên, ông Quân cho rằng thực tế cho thấy việc gửi thông báo đã đem lại những hiệu quả tích cực nên cần thiết phải được tiếp tục duy trì. Trong khi đó, TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), đặt vấn đề: “Nếu việc gửi thông báo vi phạm giao thông phù hợp, đem lại hiệu quả quản lý cao thì tại sao lại không được đưa vào dự thảo luật Xử lý vi phạm hành chính trước đây và sau đó được Quốc hội thông qua mà không có nội dung này. Phải nhớ rằng luật Xử lý vi phạm hành chính là luật gốc và các nghị định, thông tư hướng dẫn phải căn cứ vào đó để xây dựng quy định, không thể trái luật được”.
Phải cân nhắc Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất của Tổng cục VII và cho rằng việc gửi thông báo vi phạm như vậy mới đảm bảo hiệu quả răn đe. “Nếu chỉ xử phạt tiền thôi thì e rằng nhiều trường hợp vi phạm nghiêm trọng, thuộc về ý thức không có sự chuyển biến”, ông Hiệp nói. Tuy nhiên, ông Hiệp nói không phải trường hợp nào cũng bêu tên trên phương tiện truyền thông đại chúng. “Quan điểm của chúng tôi là nên thực hiện đối với cán bộ, công chức và sẽ không vi phạm với các quy định khác vì đã có luật Cán bộ công chức. Hiện chúng tôi đang phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ, trong đó có việc chấp hành ATGT”. Ông Hiệp cũng cho rằng các quy định sẽ phải cân nhắc đưa vào những lỗi nào thì thông báo về địa phương, lỗi nào thì công bố lên phương tiện thông tin đại chúng, nhưng theo hướng các trường hợp bêu tên là cố tình vi phạm gây ra tai nạn nghiêm trọng. |
Thái Sơn - Thế Văn
>> Mạnh tay với người điều khiển xe đạp điện vi phạm giao thông
>> Xử lý trên 175.000 trường hợp vi phạm giao thông
>> Công an xã, phường có được xử phạt vi phạm giao thông ?
>> Phó thủ tướng nghiêm cấm cán bộ, lãnh đạo xin giúp người vi phạm giao thông
>> Nghịch lý trong xử phạt vi phạm giao thông
Bình luận (0)