Đổi mới trong nghiên cứu lịch sử
Trong hội thảo về nhân vật lịch sử Phạm Thận Duật do Hội Khoa học lịch sử VN tổ chức ngày 11.6 tại Hà Nội, nhà sử học Dương Trung Quốc đã tiết lộ cuộc đối thoại trước đây với người thầy của mình - GS Nguyễn Hồng Phong.
Chân dung nhân vật lịch sử Phạm Thận Duật |
Gia đình cung cấp |
Theo đó, ông Quốc đã hỏi vì sao GS Nguyễn Hồng Phong lại say mê nhân vật Phạm Thận Duật thế. Ông Nguyễn Hồng Phong khi đó chia sẻ: năm 1986 là năm mốc của Đổi mới. Đó cũng là mốc cởi trói phần nào cho suy nghĩ về một thời kỳ lịch sử đầy hấp dẫn nhưng cũng đầy mặc cảm và định kiến.
Việc gắn tri thức, tìm tòi kỹ thuật, khảo cứu với sáng tạo tri thức và thực hành chính trị đã đưa Phạm Thận Duật trở thành một trong số ít các quan chức, học giả ở VN cuối thế kỷ 19 có tư tưởng “kỹ trị”.
- TS Vũ Đức Liêm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
“Đột phá khẩu chính là nhân vật Phạm Thận Duật. Cho dù chúng ta vẫn không quên những ông vua yêu nước như Thành Thái, Duy Tân và những ông quan yêu nước như Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, nhưng phải nói lúc đó mặc cảm với triều Nguyễn là rất lớn, nhất là đối với giới quan lại”, ông Dương Trung Quốc nhớ lại. Cũng theo ông Quốc, cuốn sách nghiên cứu về Phạm Thận Duật ra đời vào 1989 cũng là mốc khởi động cho những đổi mới trong sử học.
TS Vũ Đức Liêm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đánh giá hoàn cảnh VN nửa sau thế kỷ 19 là một thời khắc chuyển giao biến động, là thời kỳ các nhân vật lịch sử sinh ra và được đào tạo trong thế giới cũ phải đấu tranh tìm chỗ đứng trong thế giới mới cũng như giải pháp cho thách thức mới. Theo TS Liêm, Phạm Thận Duật nằm trong số ít các trí thức cấp tiến ở thế kỷ 19. Đó là những người mà thế giới quan, phương thức tư duy và thực hành tri thức cho thấy các nỗ lực kết nối mạnh mẽ với khung cảnh thời đại.
Theo TS Liêm, việc gắn tri thức, tìm tòi kỹ thuật, khảo cứu với sáng tạo tri thức và thực hành chính trị đã đưa Phạm Thận Duật trở thành một trong số ít các quan chức, học giả ở VN cuối thế kỷ 19 có tư tưởng “kỹ trị”. Dấu ấn của ông hiện diện trên nhiều lĩnh vực, từ kỹ thuật đê điều tới biên soạn địa chí, từ tìm hiểu “dân tộc học” tới “ngôn ngữ học”, từ bang giao tới tổ chức hệ thống an ninh quốc phòng…
TS Phạm Thị Thúy, Khoa VN học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, lại đánh giá ông Phạm Thận Duật là nhà VN học tiêu biểu của thế kỷ 19. TS Thúy phân tích tác phẩm ông để lại như Hưng Hóa ký lược và Hà đê tấu tập để thấy điều đó. Chẳng hạn, trong Hà đê tấu tập, chỉ thông qua các bản tấu về công việc đê điều, trị thủy của một viên quan có thể hình dung vùng quê chiêm trũng đồng bằng Bắc bộ. Hưng Hóa ký lược lại có các ghi chép cụ thể, tỉ mỉ về phong tục tập quán và mô tả cả những đặc tính riêng biệt của các dân tộc ít người ở đây như người Phổ, người Xá Cẩu, người Sóc thích nằm gần bếp; người A Xá thích vẽ mực dưới cằm... Cách ghi chép này khách quan, theo đúng phương pháp điều tra dân tộc học.
Chính sách ngoại giao, biên viễn
GS-TS Nguyễn Văn Kim, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng qua những ghi chép trong Hưng Hóa ký lược, có thể thấy Phạm Thận Duật đã không quản ngại khó khăn, gian khổ dấn thân đến miền lam chướng, thực thi một cách linh hoạt, sáng tạo các chủ trương, chính sách của triều Nguyễn nhằm giữ vững vùng biên cương của đất nước. Ông Kim cho rằng từ một Nho sĩ văn quan, được giao trị nhậm ở những vùng trọng yếu luôn bị các thế lực quấy phá, ông đã xông pha nơi biên ải và kiêm quản chức năng của một võ quan.
GS-TS Kim cho biết Phạm Thận Duật đã tiến hành mộ binh, vận lương, đích thân cầm quân xông pha ra trận vì mục tiêu cuối cùng là trấn áp, ổn định tình hình an ninh trật tự, bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Trong Hưng Hóa ký lược, ông cũng ghi rõ số lượng các đội quân đóng trên từng địa bàn trong vùng.
Phạm Thận Duật nhậm chức tại Hưng Hóa trong bối cảnh bên kia biên giới, nhà Thanh cũng đang phải tập trung binh lực chống lại các cuộc bạo động của nông dân xảy ra ở nhiều tỉnh thành phía nam, trong đó các các tỉnh biên giới. Phong trào Thái Bình Thiên Quốc (1851 - 1864) diễn ra tại các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây đã có ảnh hưởng không nhỏ, gây ra tình trạng bất ổn đối với các vùng biên giới của Đại Nam. Chắc chắn trong thời gian này, Phạm Thận Duật đã phải tập trung nhiều sức lực để đối phó với các hiện tượng cướp bóc, quấy rối của các đội quân này khi họ tràn qua biên giới vào nước ta.
TS Nguyễn Nhã lại chia sẻ câu chuyện ông Phạm Thận Duật là người thuộc nhóm Chủ chiến sau khi vua Tự Đức mất. Nhóm này có người đứng đầu là Tôn Thất Thuyết - Thượng thư Bộ Binh, Nguyễn Văn Tường - Thượng thư Bộ Lại cùng Phạm Thận Duật - Thượng thư Bộ Hộ. “Nhóm Chủ chiến nắm vững Viện Cơ Mật. Đầu năm 1884, nhóm đã giúp vua Kiến Phúc ra Dụ cho các thôn xã thành lập các đội “hương bính” để tự bảo vệ các địa phương mình, sau này đã tích cực tham gia phong trào Cần Vương”, TS Nguyễn Nhã nêu quan điểm.
Bình luận (0)