Vì sao bệnh tật của học sinh ngày càng tăng?

02/11/2007 22:35 GMT+7

Bài 2: Bàn ghế không chuẩn, ánh sáng không đủ, ăn uống không sạch... Đó là những nguyên nhân góp phần gia tăng bệnh tật của học sinh. >> Bài 1: Sâu răng, cận thị, vẹo cột sống và nhiễm giun sán >> Bịt mũi để học

Bàn ghế, ánh sáng đều không tốt

Theo một điều tra của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường tại Hải Phòng, Thái Nguyên, TP.HCM về quy hoạch, thiết kế, xây dựng trường học thì có từ 1/4 đến 3/4 các cơ sở trường học không đạt yêu cầu. Tỷ lệ lớp không đạt yêu cầu về chiếu sáng tự nhiên là 32,1%, về chiếu sáng nhân tạo là 27,6%. Đáng lưu ý là 100% lớp học có bảng viết không đạt yêu cầu; 92% số học sinh phải ngồi học ở những bộ bàn ghế không phù hợp về kích thước.

Tại Hà Nội, điều tra của nhóm chuyên gia thuộc ĐH Y Hà Nội và Sở GD-ĐT Hà Nội ở một số quận, huyện của Hà Nội trong năm học 2004-2005 cho thấy 100% bàn ghế của học sinh (HS) không đúng kích thước, hầu hết đều cao hơn tiêu chuẩn cho phép và tình trạng này đều xảy ra ở ba cấp học từ tiểu học đến trung học phổ thông.  

Hơn 50% học sinh uống nước có nguồn không an toàn

Hiện ngày càng có nhiều trường học tổ chức cho HS học bán trú. Tuy nhiên, việc đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng trong các bữa ăn, nước uống của HS đang ở mức "nguy hiểm". Theo một điều tra của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tại 996 điểm trường khu vực nông thôn thì chỉ có 47,5% điểm trường có cung cấp nước uống cho HS, trong đó các điểm trường mầm non đạt tỷ lệ cao nhất cũng chỉ đạt 69,2%.

Tỷ lệ này rất thấp ở tiểu học: 34,9% và trung học cơ sở: 34,6%. Đã thế, tỷ lệ điểm trường cung cấp nước uống đã tiệt trùng cho HS chỉ đạt 46,4% tổng số điểm trường điều tra, trong đó bậc tiểu học và trung học cơ sở cũng chỉ đạt hơn 30%, dẫn đến tình trạng các em phải uống nước lã khi đến trường.  Cũng điều tra này cho biết, chỉ có 29% số trường có nước cho HS rửa tay sau khi đi đại tiện và tiểu tiện. Chỉ 4,6% số trường có xà phòng cho HS rửa tay. Tại các điểm trường có khu vực rửa tay chỉ có 4,6% HS rửa tay xà phòng sau khi đi tiểu tiện và 11% sau khi đi đại tiện.

34% trường học không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2007 của Trung tâm Y tế dự phòng ở 54 tỉnh thành trên toàn quốc thì hiện có 22,5% tổng số trường tổ chức bếp ăn tập thể cho HS (7.236 trường) nhưng chỉ có 66% số trường đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh; 40,9 số trường có nhân viên nấu ăn được khám sức khỏe định kỳ và chỉ có 25,5% tổng số bếp ăn có phương tiện bảo quản. Như vậy, còn hàng ngàn trường học không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho HS. Đáng lưu ý là tỷ lệ không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho HS lại có xu hướng tăng lên (hơn 1% so với cùng kỳ năm 2006). Chính vì thế mà số vụ ngộ độc thức ăn tăng lên so với năm trước. Nếu năm 2006 chỉ có 4 vụ ngộ độc với 93 HS thì 6 tháng năm nay đã có tới 9 vụ với 299 HS bị ngộ độc.

Không chỉ có việc các bữa ăn của HS không đảm bảo vệ sinh mà hiện nhiều bậc phụ huynh còn lo lắng vì con họ thường xuyên bị đói do thời gian học không hợp lý. Ví dụ, tại Hà Nội học sinh cấp 2 phải đến trường vào 12 giờ 30, các em phải ăn trưa lúc muộn nhất là 11 giờ  và học đến tận 5 giờ 30 chiều. Thời gian học quá dài khiến nhiều HS bị đói vì không được mang theo đồ ăn trong khi nhiều trường không có căn-tin. Đó là chưa nói những HS này sẽ không bao giờ có giấc ngủ trưa.                                    

Áp lực học tập quá lớn

Một công trình nghiên cứu về một số nguy cơ có liên quan đến tỷ lệ cận thị của HS tiểu học và trung học cơ sở của nhóm tác giả thuộc Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường cho thấy gánh nặng học tập đang là mối đe dọa tới sức khỏe của HS. Tại 4 tỉnh-thành phố được điều tra là Hải Phòng, TP.HCM, Thái Nguyên, Lai Châu, tỷ lệ HS tiểu học có tham gia học thêm ở nhà trường là 40,9% (đồng bằng) và 15,7% (miền núi). Đối với HS trung học cơ sở, tỷ lệ học thêm ở nhà trường là 83,3% (đồng bằng) và 47,27% (miền núi). Đó là chưa tính HS còn phải đi học thêm ngoài nhà trường với một tỷ lệ đáng kể.

Vũ Thơ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.