Dự kiến hôm nay (23.7), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ bắt đầu chuyến công du đến 3 nước Đông Nam Á là Việt Nam, Philippines và Singapore. Đây sẽ là chuyến thăm khu vực đầu tiên của một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Phát biểu với báo chí ngày 19.7, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby khẳng định: “Chuyến thăm của Bộ trưởng Austin sẽ thể hiện tầm quan trọng được chính quyền Biden-Harris đặt lên Đông Nam Á và ASEAN như một phần cốt yếu của cấu trúc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Chuyến đi này sẽ đánh dấu cam kết bền vững của Mỹ đối với khu vực, và lợi ích của chúng tôi trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên quy tắc tại khu vực và thúc đẩy tính trung tâm của ASEAN”.
3 điểm đến quan trọng
Trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, Học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) nhận định chuyến thăm là một phần trong các nỗ lực đa phương của chính quyền Tổng thống Biden nhằm thể hiện cam kết về ngoại giao và nguồn lực mạnh mẽ, gắn bó và tận tâm với các đối tác quan trọng của ASEAN.
“Mỗi quốc gia mà Bộ trưởng Austin đến thăm trong chuyến công du lần này đều đóng vai trò quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Washington hiện nay đối với khu vực Indo-Pacific và Đông Nam Á”, ông Nagy phân tích.
Theo ông, chuyến thăm đến Philippines nhằm chứng minh rằng Washington sẽ đứng về quan hệ đối tác an ninh với Manila, vạch ra lằn ranh đỏ để Trung Quốc không vượt qua ở Biển Đông.
“Việt Nam cũng là đối tác quan trọng đối với Mỹ. Mỹ muốn ủng hộ lập trường của Việt Nam tại Biển Đông, thể hiện cam kết xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn mà không gắn với thúc đẩy các giá trị chính trị và xã hội của Mỹ”, PGS Nagy đánh giá và nhận định thêm rằng: “Cuối cùng, với tư cách là đối tác thân thiết lâu đời của Singapore, Mỹ hy vọng sẽ thể hiện cam kết toàn diện của mình với Singapore và ASEAN”.
Nỗ lực phối hợp
Cũng trả lời Thanh Niên, PGS-TS Richard Heydarian, chuyên gia phân tích chính trị và các vấn đề quốc tế của Philippines, chỉ ra rằng: “Chuyến công du của Bộ trưởng Austin diễn ra ngay sau hội nghị giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony J.Blinken với các đồng cấp ASEAN hồi đầu tháng này. Vì vậy, chuyến công du của ông Austin có thể xem là nỗ lực phối hợp của 2 quan chức đối ngoại và quốc phòng hàng đầu của chính quyền Biden nhằm tranh thủ sự ủng hộ ở châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Từ đầu năm đến nay, Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Austin chỉ mới đến thăm các nước ở Đông Bắc Á, Trung Đông và châu Âu”.
Theo chuyên gia Heydarian, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman tháng trước đến thăm Đông Nam Á, nhưng bà Sherman không phải quan chức cấp bộ trưởng. Vì vậy, chuyến thăm của Bộ trưởng Austin là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm tranh thủ sự ủng hộ của ASEAN.
“Mới đây, trong hội đàm với ngoại trưởng các nước ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nhấn mạnh cam kết của nước này trong việc hợp tác với khối này để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, đẩy lùi các hành vi cưỡng ép của Trung Quốc”, ông Heydarian nhận định và phân tích thêm: “Bên cạnh đó, qua chuyến thăm của Bộ trưởng Austin, Washington kỳ vọng ASEAN hành động quyết liệt hơn với vấn đề Myanmar, đồng thời gửi gắm thông điệp về chính sách viện trợ vắc xin Covid-19 mà Mỹ hỗ trợ các nước trong khu vực gần đây. Chuyến công du của Bộ trưởng Austin còn rất quan trọng vì diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, đặc biệt giữa Philippines và Trung Quốc”.
Ông Heydarian dự báo: “Ở Singapore, Bộ trưởng Austin nhiều khả năng sẽ nhấn mạnh chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Biden”. Qua đó, theo ông, dù có những khác biệt nhất định, nhưng chính sách của Tổng thống Biden đối với khu vực sẽ có nhiều điểm và trùng lắp với người tiền nhiệm Donald Trump.
“Với Philippines, nội dung hội đàm của Bộ trưởng Austin có thể còn liên quan Thỏa thuận lực lượng thăm viếng giữa hai bên khi tương lai của thỏa thuận này vẫn đang bị bỏ ngỏ”, ông Heydarian nhận định.
Bình luận (0)