Vì sao cần nhiều người Việt Nam làm việc tại các tổ chức quốc tế?

Thục Minh
Thục Minh
(từ Thụy Sĩ)
30/03/2023 11:23 GMT+7

Cuộc gặp gỡ kiều bào của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tại Geneva gợi mở hướng đi giúp Việt Nam khai thác tốt nhất lợi ích từ các tổ chức quốc tế.

Cuộc gặp diễn ra cuối tháng 2 tại trụ sở Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác (IO) ở Geneva (gọi tắt là Phái đoàn) nhân dịp Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đến Thụy Sĩ dự Phiên họp cấp cao lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền LHQ năm 2023.

Báo cáo với Phó thủ tướng, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Lê Thị Tuyết Mai cho hay tại các IO ở Geneva, có một số người Việt Nam đang làm việc và là cầu nối hữu ích cho đất nước trên phương diện quan hệ đa phương, bên cạnh đông đảo trí thức Việt làm việc trong nhiều lĩnh vực quan trọng của Thụy Sĩ cũng góp phần thúc đẩy bang giao kinh tế, khoa học kỹ thuật giữa hai nước.

Vì sao cần nhiều người Việt Nam làm việc tại các Tổ chức quốc tế? - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai và Phùng Thế Long trong cuộc gặp gỡ kiều bào tại Geneva, Thụy Sĩ

THỤC MINH

"Tai mắt" và "tay trong"

Chia sẻ tại cuộc gặp, chị Trần Thị Thu Hằng, điều phối viên cao cấp Chương trình hỗ trợ các quốc gia kém phát triển (EIF) của WTO, cho hay chị là người Việt Nam đầu tiên làm việc cho tổ chức này và "đến nay hơn 10 năm, vẫn không có thêm người đồng hương nào nữa". Chị cũng nói thêm, thi thoảng thấy có bạn trẻ Việt Nam vào làm ở phòng Tổng giám đốc, chị ra sức giúp đỡ để "đồng hương" mau quen người, thạo việc ở nhiều bộ phận. "Nhưng được một thời gian rồi không thấy làm nữa, nên con chị già đi mà chưa có con em nào lớn cả", chị ưu tư trong khi thấy các quốc gia khác đưa được nhiều người vào tổ chức này.

Từng làm Vụ trưởng tại Bộ Công thương, rồi được cử đi Geneva làm Phó trưởng Phái đoàn, phụ trách thương mại và đại diện Việt Nam tại WTO, năm 2011, khi mãn nhiệm kỳ 3 năm, chị Thu Hằng quyết định ở lại Thụy Sĩ và làm việc cho WTO "để học hỏi thêm". Theo chị, đàm phán các hiệp định hay điều phối các mối quan hệ đa phương với các IO là vai trò của Phái đoàn. "Nhưng nếu có người Việt trong các tổ chức đó như những tai mắt thì rất có lợi cho Việt Nam", chị khẳng định và khuyến nghị với Phó thủ tướng rằng các cơ quan hữu quan trong nước nên bàn thảo với Phái đoàn để xây dựng chính sách đưa người vào các IO tại Geneva. Hiện nay, tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang có 5-6 người Việt; các tổ chức khác như WTO, Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD)… cũng nên có nhiều người Việt như thế.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang rất tâm đắc với kiến nghị này và nói: "Phải khẳng định với nhau nếu có nhiều người Việt Nam công tác tại các IO là một lợi thế lớn". Ông nêu ví dụ: "Hồi làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, tôi có quen một anh làm cho Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. Người ta nói với tôi nhờ anh ấy mà Hải Phòng làm được dự án hạ tầng trị giá 9.900 tỉ đồng với nguồn vốn ODA (Hỗ trợ Phát triển chính thức) của WB. Nếu không có 'tay trong' thì không làm nổi bộ hồ sơ dự án đó".

Vì sao cần nhiều người Việt Nam làm việc tại các Tổ chức quốc tế? - Ảnh 2.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp nhận kiến nghị của chị Trần Thị Thu Hằng

THỤC MINH


Băn khoăn và giải pháp

Lợi ích là thấy rõ nhưng Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cũng băn khoăn về sức thu hút của các IO đối với những người trẻ được đào tạo bài bản với trình độ ngoại ngữ tốt.

Chị Thu Hằng khẳng định nếu so sánh mức thu nhập và cơ hội thăng tiến tại WTO và tại các công ty ở Mỹ đối với người trẻ tốt nghiệp cử nhân/thạc sĩ và có kinh nghiệm làm việc 1-2 năm, thì "chế độ ở WTO rất tốt". "Nhưng đối với những người đạt tầm chuyên viên, chuyên viên chính, hoặc đã có một vị trí nhất định trong cơ quan tại Việt Nam thì cần có sự hỗ trợ", bởi với mức lương của IO thì khả năng là "nghèo" hơn bạn bè đồng trang lứa tại quê nhà. Mặt khác, chị cũng cho rằng chị may mắn trụ được ở WTO, "chứ nếu không trụ được sau 1-2 năm thì lúc đó quay về cũng rất khó, vì mình đâu còn là người của cơ quan cũ nữa", chị nói chân tình.

Bởi vậy, theo chị, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho những người trẻ vào được các IO vốn có yêu cầu khá cao và hỗ trợ cho những người "rẽ ngang". Chẳng hạn khi họ thôi việc ở IO và về nước thì được bổ nhiệm vị trí xứng đáng, vì xét cho cùng kinh nghiệm làm việc của họ rất tốt.

Cùng ý kiến với chị Hằng, anh Nguyễn Nhất Linh, chuyên viên y khoa, Chương trình điều trị bệnh lao toàn cầu của WHO, cũng khẳng định tiếng nói của người Việt trong các IO là rất quan trọng. Bởi "có những việc Việt Nam làm rất tốt nhưng bên ngoài không biết. Phải có người Việt trong các IO để nói lên những điều đó". Anh Nhất Linh, từng là bác sĩ tại một bệnh viện trung ương ở Hà Nội, cho biết các nước đều có chương trình đưa cán bộ trẻ có năng lực vào các IO từ nhiều thập niên; như Mỹ, Nhật có Young Professionals Program, Úc có Young Ambassadors Program. Cán bộ được đưa vào các IO làm việc 1-2 năm, nếu làm tốt thì tiếp tục ở đó, nếu không thì về nước cũng được trọng dụng vì có kinh nghiệm, anh nói thêm.

Tiếp thu kiến nghị này, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định Việt Nam cũng cần có chính sách như vậy. Ông giao Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tháp tùng ông trong chuyến đi này lập một đề án tạm đặt tên là khuyến khích hay hỗ trợ để có nhiều người Việt Nam công tác tại các IO như một chính sách công của Nhà nước. "Chúng ta không cần cầu toàn. Chỉ cần có 10 bạn trẻ đi mà 3 người trụ lại được tại các IO là thành công rồi", ông nói.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.