Vì sao Chủ tịch HĐQT Cosevco Trần Xuân Đính bị bắt?

02/03/2008 00:35 GMT+7

Nguyên nhân chính dẫn đến việc Chủ tịch HĐQT COSEVCO Trần Xuân Đính bị bắt là do đầu tư bạt mạng vào những dự án thiếu khả thi và điều hành tổng công ty theo kiểu gia đình!

Đầu tư đến đâu, mất tiền đến đó!

Năm 1999, COSEVCO đã tiến hành vay vốn lập dự án xây dựng Nhà máy chế biến gỗ MDF-COSEVCO công suất 30.000m3 sản phẩm/năm tại phường Đông Lương, TX Đông Hà (nay là Khu công nghiệp Nam Đông Hà-Quảng Trị). Dự án này Trần Xuân Đính giao cho Hoàng Công Uyên, Giám đốc Công ty xây dựng 78 tại Quảng Trị (thành viên của COSEVCO), đại diện làm chủ đầu tư và Hồ Sĩ Quảng làm kế toán trưởng. Sau khi dự án được duyệt (với mức đầu tư 299.755.000.000 đồng), COSEVCO tiến hành mở hợp đồng đấu thầu ngoại, mua thiết bị dây chuyền sản xuất. Qua nhiều lần điều chỉnh, COSEVCO chỉ đạo Công ty xây dựng 78, nâng công suất nhà máy từ 30.000m3 sản phẩm/năm lên 60.000m3 sản phẩm/năm và tiếp tục mở hợp đồng đấu thầu (căn bản dựa trên các hợp đồng trước).

Lần này, Hãng Maschinenfabrik J.Diffenbacher GmbH&Co (Đức) đã được nhà đầu tư kiến nghị trúng thầu với giá 16.544.529 USD (giá gói thầu là 16.120.699 USD). Ngay sau đó, nhà thầu Metso (Thụy Điển), đơn vị bỏ thầu với giá thấp hơn rất nhiều (14.145.500 USD) nhưng không được chọn thầu đã làm đơn gửi lên Bộ Xây dựng. Ngày 7.6.2002, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thời điểm đó đã ký công văn yêu cầu COSEVCO và Công ty xây dựng 78 nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trong việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dây chuyền thiết bị chính. Thay vì tổ chức đấu thầu lại, ông Trần Xuân Đính, Tổng giám đốc (nay là Chủ tịch HĐQT COSEVCO), lại ký hợp đồng với ông Tilman Helmer, Giám đốc Hãng Maschinenfabrik J.Diffenbacher GmbH&Co (Đức) trúng thầu. Ngày 10.1.2004, Hội đồng quản trị COSEVCO có Quyết định số 21/TCT-DA phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án Nhà máy chế biến gỗ MDF-COSEVCO từ 299.755.000.000 đồng lên 386.999.949.000 đồng và đến ngày 27.9.2006, số vốn lại tiếp tục được nâng lên đến 456.578.383.000 đồng!

Trên thực tế, lãnh đạo COSEVCO không chỉ mờ ám trong việc ký hợp đồng mua thiết bị ngoại, nâng vốn đầu tư mà còn rút mất 18 hạng mục cần thiết khi thi công nhà máy. Theo tính toán thì số chênh lệch so với mức đầu tư ban đầu hơn 160 tỉ và thất thoát 53 tỉ đồng. Hậu quả của tình trạng này là sản phẩm làm ra ít, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, nợ ngân hàng kéo dài...

Dự án Nhà máy xi măng sông Gianh đặt tại xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) được khởi công vào tháng 7.2003, công suất 4.000 tấn clinke/ngày, với tổng vốn đầu tư 3.200 tỉ đồng. Tháng 5.2005, nhà máy đi vào sản xuất, và đến nay thường xuyên gặp sự cố. Nguyên nhân do COSEVCO đã bỏ qua hàng loạt các quy định, thay đổi thiết bị nhưng không thay đổi giá, gây thất thoát hơn 500 tỉ đồng.


Nhà máy xi măng Cosevco sông Gianh - nơi ông Đính làm thất thoát hơn 500 tỉ đồng - Ảnh: T.H.T
Không riêng gì hai dự án lớn nói trên, suốt thời gian dài, COSEVCO đã tập trung đầu tư khoảng 160 dự án lớn nhỏ khắp miền Trung. Và dự án nào cũng thu về kết quả: lỗ, nợ chồng lên nợ. Tính đến cuối năm 2005, tổng nợ ngân hàng của COSEVCO lên đến con số kinh hoàng 4.143 tỉ đồng. Ngoài ra, ông Trần Xuân Đính còn đứng bảo lãnh cho các đơn vị thành viên vay nợ 1.500 tỉ đồng. Điều đặc biệt khôi hài là khi nhà máy xi măng Sông Gianh đang "trên bờ phá sản", nhưng ngày 25.2.2008, COSEVCO tiếp tục phê duyệt kế hoạch đầu tư giai đoạn 2 với số tiền đầu tư gần 1.400 tỉ đồng! Rất may, bộ sậu COSEVCO mà đứng đầu là ông Trần Xuân Đính bị bắt. Nếu không, trong số 1.400 tỉ đồng này cũng có vài trăm tỉ đội nón ra đi! 

Điều hành kiểu gia đình trị

Năm 2004, do có nhiều đơn thư khiếu nại lên trên, Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng đã có công văn (ngày 28.3.2004) yêu cầu ông Trần Xuân Đính, bấy giờ là tổng giám đốc, kiểm điểm làm rõ 5 nhóm nội dung, tóm tắt như sau:

Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (CQĐT) - C37, Bộ Công an thi hành lệnh bắt tạm giam và khám xét đối với bị can Trần Xuân Đính và 6 cán bộ chủ chốt của Tổng công ty Xây dựng miền Trung (Cosevco), CQĐT đã di lý các bị can ra Hà Nội để phục vụ điều tra mở rộng, làm rõ sai phạm tại những dự án đầu tư của Cosevco. Ngay khi lệnh khởi tố vụ án và khởi tố 7 bị can được CQĐT triển khai, lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng và Bộ Xây dựng cũng đã ra quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng và đình chỉ công tác đối với ông Trần Xuân Đính để phục vụ cho công tác điều tra.

Ngày 29.2, Thanh tra Chính phủ cho biết: Trước đây, đã phát hiện nhiều dấu hiệu sai phạm qua thanh tra ở Cosevco, trong đó có sai phạm nghiêm trọng ở dự án Nhà máy sản xuất xi măng Sông Gianh từ việc thanh toán đến việc mua sắm trang thiết bị đã gây thiệt hại số tiền rất lớn. Từ các dấu hiệu sai phạm này, Cục Chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ đã trực tiếp làm việc với CQĐT, Bộ Công an. Khi làm việc với các cơ quan chức năng, chủ đầu tư chưa giải trình được sự chênh lệch giá của số thiết bị đã nhập sai nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng của những sản phẩm này.

Điều mà dư luận trông đợi là CQĐT, Bộ Công an sẽ xác minh làm rõ, trong nhiều năm qua, những người nào đã có dấu hiệu bao che, bảo kê cho những sai phạm nghiêm trọng của Chủ tịch HĐQT Cosevco Trần Xuân Đính.  

N.V.C

Về dự án đầu tư: Tràn lan, dàn trải, hiệu quả thấp; không quan tâm điều hành; nhiều dự án không thực hiện đúng quy chế đấu thầu, nguyên tắc ký hợp đồng mua sắm thiết bị... Có biểu hiện thu lợi cá nhân...

Về tình hình tài chính: Tài chính công ty rất khó khăn nhưng không báo cáo trung thực. Các đơn vị thành viên thiếu vốn hoạt động, nhiều đơn vị thua lỗ nghiêm trọng, nợ ngân hàng lớn, các đơn vị nợ nội bộ lớn không xử lý được.

Về cán bộ: Trong nhiều năm luôn thao túng, cửa quyền, độc đoán... Cán bộ có năng lực thì tìm cách thuyên chuyển với nhiều lý do. Lợi dụng quyền đưa người nhà, người cùng quê, quen biết nhưng yếu kém về trình độ nhưng mang nặng ý thức địa phương vào các chức vụ quan trọng để dễ thao túng. Công văn nêu 7 trường hợp cụ thể, trong đó có 3 người là em ruột, 2 là con đẻ được bổ nhiệm không đúng quy chế.

Về điều hành: Tổng giám đốc điều hành độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, thiếu tôn trọng cấp dưới, làm việc theo kiểu gia đình trị. Coi thường, thiếu tôn trọng HĐQT, không thực hiện nghị quyết của HĐQT... Dẫn đến việc một số phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, nhiều cán bộ công nhân lành nghề xin từ chức hoặc chuyển công tác.

Về lối sống: Biểu hiện quan hệ xã hội thiếu lành mạnh... Đã quan hệ bất chính với một số nữ cán bộ nhân viên trong cơ quan (4 người - có tên cụ thể), và ngoài cơ quan (3 người - có tên cụ thể).

Không chỉ thế, ông Đính còn để vợ con nhúng tay vào công việc nội bộ công ty, đến mức Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân ký công văn nêu rõ: "Bộ yêu cầu ông Trần Xuân Đính cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, không được để cho vợ con và những người thân trong gia đình can dự vào công việc của tổng công ty hay các đơn vị thành viên...".

Như vậy, có thể nói, những sự việc xảy ra ở COSEVCO Bộ Xây dựng đã biết từ lâu. Đến đây, có người sẽ hỏi: Vì sao ai cũng biết ông Đính độc đoán chuyên quyền "muốn gì làm nấy" thế nhưng vẫn không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, để ông tiếp tục làm tan hoang COSEVCO? Đó là câu hỏi lớn cần được làm rõ.  

 Tổ PV Miền Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.